Loan báo Tin mừng theo phong cách nữ
Chủ nhật - 17/04/2022 22:29
637
Truyền giáo là bản chất và là ơn gọi của Giáo hội[1]. Nhờ Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận trong Giáo hội, mỗi người đều là một nhà truyền giáo đích thực và được mời gọi làm cho muôn dân nhận biết Chúa. Bởi đó, dù là ai và bằng cách nào để loan báo Tin mừng, về bản chất đều là nhà truyền giáo và đều làm việc truyền giáo. Như thế, mỗi người đều có một vị trí và nhiệm vụ khác nhau trong chương trình của Thiên Chúa. Trong cái nhìn này, chúng ta được mời gọi khám phá điều mà Thiên Chúa muốn nơi người nữ trong ơn gọi cao cả này qua việc chiêm ngắm cuộc gặp gỡ giữa Đức Ki-tô Phục sinh và bà Ma-ri-a Mac-da-la, được mô tả trong Tin mừng theo Thánh Gio-an (20,1.11-18); cũng qua cuộc gặp đó, chúng ta sẽ khám phá ra cách người nữ đáp trả lời mời gọi của Thầy Giêsu.
Vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Ma-ri-a Mac-da-la đã ra mộ rất sớm, khi trời còn tối (x. Ga 20,1). Trời tối ở đây phải chăng cũng đồng nghĩa với sự u tối của tâm hồn cô khi người Thầy mà cô yêu quý không còn nữa. Thầy đã chết, tất cả đã kết thúc. Có lẽ trong tâm trí giản đơn và còn đang mù mờ, cô chưa thể hiểu về mầu nhiệm Phục sinh, chưa thể hiểu được những lời mà Chúa Giêsu đã nói trước đó. Tuy nhiên, giữa sự u tối ấy, tận sâu trong trái tim của cô vẫn còn điều gì đó soi dẫn, đó chính là tình yêu. Bởi tình yêu nên cô luôn khao khát được nhìn thấy Thầy mình, và giờ đây trong tâm trí cô, dù Thầy chỉ còn là một cái xác không sự sống thì cô vẫn khao khát được gặp, khao khát được ở bên, khao khát được nhìn thấy, khao khát được đụng chạm, vì đó là chút niềm an ủi cuối cùng mà cô có thể có với Thầy. Nhưng ngay cả niềm an ủi cuối cũng này cũng bị lấy đi mất khi cô ra mộ và không thấy xác Thầy mình đâu. Cô đã khóc, khóc rất nhiều.
Tình yêu là một điều gì đó rất đỗi diệu kỳ và có sức biến đổi lạ thường, chính tình yêu đã đưa cô tới một cuộc gặp gỡ huyền nhiệm. Trong những giọt nước mắt đang ẩn chứa một niềm vui khôn tả mà cô không thể ngờ tới, khi Chúa Giê-su hiện ra và gọi cô bằng một danh từ chung chỉ người phụ nữ “này bà” (x. Ga 20,13), lúc ấy, với đôi mắt nhòe lệ và đau khổ, cô chưa thể nhận ra đó là Thầy. Tuy nhiên, nơi cô có một chuyển động diễn tả sự thay đổi: “cô ngoái lại đàng sau”, hành động “ngoái lại” này là hành động bắt đầu cho một cuộc biến đổi nội tâm và nó sẽ đưa cô đến việc nhận biết Đức Giê-su. Khi Chúa Giê-su gọi chính tên mình, thì với trái tim nhạy cảm, ngay lập tức cô đã nhận ra đó là Chúa và vui sướng reo lên: “Rab-bu-ni” nghĩa là “lạy Thầy”. Kể từ giây phút đó trái tim và đôi mắt của cô được mở ra, đưa cô tới một chân lý đức tin[2]. Thật vậy, Cô đã thấy và đã tin.
Ta có thể thấy rõ sự đối lập của hai trạng thái cảm xúc của cô trước và sau khi nhận ra Chúa Ki-tô Phục sinh. Chắc hẳn là trước đó cô buồn lắm và cũng đau khổ rất nhiều, vì người Thầy - “thần tượng” mà bấy lâu nay cô vẫn đi theo và phục vụ giờ đây đã chết, nỗi đau lại càng lớn hơn khi ngay cả xác Chúa người ta cũng mang đi và cô không còn được nhìn thấy Người nữa. Nỗi đau trước đó càng lớn bao nhiêu thì giờ đây niềm vui sướng càng tràn ngập bấy nhiêu khi cô lại nhìn thấy Thầy, không phải bằng xác chết mà là một con bằng xương bằng thịt đã sống lại từ cõi chết. Giờ đây trong cô chỉ còn niềm vui và tình yêu. Tình yêu của người đã yêu rất nhiều và cũng cảm thấy được yêu rất nhiều.
Kinh nghiệm từ cuộc gặp gỡ ấy đã thúc đẩy cô phải loan báo, phải công bố, phải chia sẻ cho người khác những gì cô đã thấy, đã trải nghiệm. Và chúng ta có thể đoán điều gì sẽ xảy ra.
Không chậm trễ, ngay lập tức cô chạy về báo cho các môn đệ biết tin vui. Sự mau mắn này biểu lộ cho chúng ta thấy đó là một trong những đặc tính của phái nữ, sự mau mắn trong việc loan tin vui (hay cũng có thể nói là khoe tin vui). Khi có niềm vui, người nữ thường có xu hướng muốn được chia sẻ với hết mọi người, không muốn giữ lại cho riêng mình, nhất là niềm vui của những người mình yêu thương, hơn nữa đây lại là niềm vui về một vị Thiên Chúa làm người đã từ cõi chết sống lại.
Thật vậy, tình yêu đối với Thiên Chúa có sức mạnh biến đổi con người, nó không tự khép lại trên chính mình mà mở rộng ra với tất cả mọi người. Tình yêu đích thực luôn có hai chiều, nhận và cho. Những người đã nhận thì đến lượt mình họ cũng được thúc đẩy để trao nó cho người khác. Và như thế, với những đặc tính của một người nữ mà Thiên Chúa phú ban, các phụ nữ trở thành chứng nhân của Tình Yêu, của Niềm Vui, chứng nhân của Đấng Phục Sinh. Họ được mời gọi cách đặc biệt để làm cho mọi người nhận biết, ca tụng, tôn vinh và yêu mến Thiên Chúa. Trong cuộc gặp gỡ với Đức Kitô cũng như trong môi trường hoạt động của Ngài, người phụ nữ tìm thấy phẩm giá và ơn gọi của mình trong chương trình của Thiên Chúa, vị trí xã hội của họ được thay đổi[3].
Qua hình ảnh của Ma-ri-a Mac-da-la, các phụ nữ tìm được nguồn lực và lý do cho công cuộc loan báo Tin mừng Phục sinh của mình. Cũng như các Tông đồ, họ cũng được mời gọi để loan báo Tin Mừng; họ cũng được mời gọi để làm cho người ta nhận biết Chúa; họ cũng được mời gọi để chia sẻ Niềm Vui, một Niềm Vui đích thực, một Niềm Vui mang lại Ơn Cứu Độ; họ cũng được mời gọi để đóng góp phần mình trong chương trình của Thiên Chúa theo ơn gọi người nữ. Vì đã đến lúc “không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự đó, đàn ông hay đàn bà. Vì tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3, 28); không còn chuyện ai quan trọng hơn, ai cao quý hơn ai nhưng quan trọng là khả năng và sự cống hiến mà mỗi người thực hiện theo cách thế riêng mà Thiên Chúa muốn, là nam hay là nữ (x. MD16)[4].
[1] X. Sắc Lệnh Về Hoạt Ðộng Truyền Giáo Của Giáo Hội Ad Gentes, s.2; Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, Evangelii nuntiandi, s.14.
[2] X. R. Fisichella, «Testimonianza, Parola e Nuova Evangelizzazione», in A. Granados – Paul O’callaghan (edd), Parola e testimonianza nella comunicazione della fede, PUSC, Roma 2013, 183.
[3] X. Tông Thư Phẩm Giá Của Người Phụ Nữ – Mulieris Dignitatem (MD), s.15.