Mầu Nhiệm không hẳn là điều chúng ta không thể giải thích, mà ta chỉ có thể giải thích về nó khi “nhập cuộc”!
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga1,14).
Thiên Chúa đã không ngần ngại “lôi kéo” con người tiến vào một mầu nhiệm. Ở đó, Ngài không đòi con người cố gắng giải thích những bí nhiệm mà Ngài muốn chúng ta được gặp chính Thiên Chúa. “Lời mặc lấy xác phàm” là mầu nhiệm của một cuộc gặp gỡ: gặp gỡ giữa sự sống siêu việt của Thiên Chúa và sự sống đầy khát vọng của con người. Thực vậy, “khát vọng là bản chất của tâm hồn” (St. Augustino). Chấp nhận bước vào Mầu Nhiệm chính là thái độ đón nhận một cuộc phiêu lưu tâm linh mà mỗi thụ tạo buộc mình phải nhập cuộc vào mầu nhiệm ấy.
Người mẹ không phải là bác sĩ, nhưng rõ ràng khi có mẹ ở cạnh, đứa con trai bé bỏng của bà nhanh bình phục hơn… Điều đó vẫn xảy ra ngay khi bà chẳng thể khám chữa bệnh, bà chẳng thể tự mình làm cho cơn sốt dứt. Đó là một huyền nhiệm của Tình Yêu, lạ lùng nhưng tuyệt vời, đơn sơ nhưng vô cùng vĩ đại.
Con Thiên Chúa đã đến mang cho chúng ta mọi cung bậc của mầu nhiệm, vượt trên tất cả những lý giải và xác quyết, vượt trên mọi ngôn từ và bút sách… chúng ta phải nhập cuộc! Thiên Chúa không muốn chúng ta chỉ “đứng” mà “xem” cách Ngài đến với con người. Ngài cũng không mong chúng ta chỉ là những “khán giả trung thành” của Ngài, nhưng là “thành phần” trong Ngài và là “đối tượng” của mầu nhiệm Ngài đang thực hiện.
Nhập cuộc!... có vẻ như hai từ này gợi cho chúng ta sự gần gũi hơn. Không phải là khán giả mà là “vai diễn”. Con Thiên Chúa đã làm người. Ngài rẽ một lối đi giữa những băng hoại của xã hội và những thất trung của nhân loại để đến với con người. Ngài chấp nhận chỗ “thật thấp” để trở thành một phần của lá chiếu im lìm cho con người có chỗ nương thân an toàn.
Phải làm gì để nhập cuộc?
Nhìn vào “mầu nhiệm” không phải để chúng ta đơn thuần ngưỡng mộ, nhưng ta phải sống Mầu nhiệm đó thế nào trong cuộc đời… Chấp nhận cái khiếm khuyết của đời mình và tôn trọng nó. Đừng sợ giẫm lên gai của cuộc sống nhưng hãy “rẽ” chúng ra, tạo thành lối đi giữa chúng. Con Thiên Chúa đã làm điều đó trước để làm gương cho chúng ta.
Ơn gọi của tôi là gì? Tôi có dám phiêu lưu để “nhập thể” với đời mình chứ không phải là “kí gửi” cách tạm bợ. Sống thật hay chỉ là cái tạm bợ của một suy nghĩ hời hợt?
Đôi dòng gợi lên cho bản thân và người đọc trong mùa vọng. Hy vọng chúng ta có một cái nhìn nghiêm túc và bản lĩnh hơn với cuộc đời mình trước mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người bởi vi mỗi cuộc đời cũng là một Mầu nhiệm, một Mầu nhiệm không thể lý giải nếu chúng ta chỉ là “những vị khách”…
Tác giả: Thuỷ Bùi