Người miền Nam gọi lợn là heo, nên có một câu đố vui về sự khác biệt giữa con heo và con lợn. Câu trả lời là: “Con heo ăn bắp nên nó mập, nó nặng ký; con lợn ăn ngô nên nó béo, nó nhiều cân”.
Hình ảnh về con lợn vừa thân thương vừa tầm thường trong xã hội chúng ta. Nuôi lợn đem bán là một sinh kế của giới nông dân Việt. Cảnh chăm bẵm đàn lợn rồi đem bán là hình ảnh rất dân dã của người Việt:“Ba bà đi bán lợn con/Bán đi chẳng được lon ton chạy về/ Ba bà đi bán lợn sề/ Bán đi chẳng được chạy về lon ton”.
Ca dao tục ngữ đầy dẫy những câu nói về con vật này. Chẳng hạn: “Con gà cục tác lá chanh,/ con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi,/ con chó khóc đứng khóc ngồi, / bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”. Lợn đúng là một con vật rất gần gũi thân quen với chúng ta. Tuy nhiên, tùy theo những góc nhìn khác nhau mà chúng ta thấy lợn có tính biểu tượng tiêu cực hay tích cực.
Nhìn một cách tiêu cực, con lợn (con heo) tượng trưng cho sự lười biếng, hưởng thụ và buông thả. Lợn suốt ngày chỉ ăn rồi ngủ, chẳng làm gì, nên bị liệt vào hàng đại lãn: “Lợn ăn xong lợn nằm lợn béo / Lợn ăn xong lợn réo lợn gầy”… Nó cũng bị coi là con vật thích hưởng thụ, tham ăn nên bị con là đồ “ăn như heo”… Lợn cũng khá “phóng túng” trong việc “duy trì và phát triển nòi giống”! Hình ảnh một Trư Bát Giới tham ăn và buông thả trong tiểu thuyết Tây Du Ký cũng phần nào diễn tả điều đó. Hình ảnh tiêu cực này đậm nét trong văn hóa Hồi giáo, Do Thái giáo và phương Tây. Do Thái giáo và Hồi giáo coi con lợn là con vật dơ dáy, nhơ uế và cấm ăn thịt heo. Sách Cựu Ước viết: “Con heo, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại: các ngươi phải coi nó là loài ô uế. Thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi không được đụng đến; các ngươi phải coi chúng là loài ô uế” (Lv 11,7; Ds 14,8). Cụ già Êlêasa 90 tuổi cương quyết thà chết không ăn thịt lợn (x. 2 Mcb 6,18-31). Tám mẹ con trong sách Maccabê cũng thế (2 Mcb chương 7)…
Nhìn một cách tích cực, con lợn lại biểu trưng cho sự an nhàn, sung túc và tiết kiệm. Số lợn là số hưởng, cứ ăn uống nghỉ ngơi… Công việc duy nhất của anh ta là hay ăn chóng lớn và tăng cân! Tiêu chuẩn đánh giá là phải nhiều thịt: “Xem mặt mà bắt hình dong/ Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon”. Lợn cũng biểu tượng cho sự sung túc, vì có khả năng sinh sản cao. Một đàn lợn đông đúc tranh nhau ăn, thi nhau lớn, báo hiệu sự ăn nên làm ra của kinh tế gia đình. Phải chăng vì thế nên cúng tế và sính lễ người Việt thường dùng heo quay, ông mai bà mối cũng được hưởng đầu heo và “ngày 30 Tết thịt treo trong nhà”? Hình ảnh “con heo vàng” cũng phản ánh cách làm kinh tế điển hình của người nông dân: kéo công làm lãi, dành dụm tiết kiệm để có của ăn của để.
Quan niệm tích cực này được tìm thấy trong một số nền văn hóa như Ai Cập, Hi Lạp, Á Đông. Người ta thường nói: “Tuổi hợi nằm đợi mà ăn”! Tuổi hợi tượng trưng cho sự may mắn, sung túc, thịnh vượng, an nhàn. Người tuổi hợi là người có xã hội tính cao: hòa đồng, vui vẻ, hào phóng, hiền hòa, tình cảm, thân thiện, hài hước. Tuy nhiên, điểm yếu cùa họ có thể là hời hợt, dễ tin, lè phè, thích hưởng thụ, vung tay quá trán…
Ước mong Xuân Kỷ Hợi mang đến cho mọi người mọi nhà một năm mới bình an, may lành và vui tươi hạnh phúc. Điều này chắc hẳn cũng tùy thuộc vào sự nỗ lực của mỗi người để khắc phục tính lười nhác, dễ dãi, hưởng thụ, buông thả của mình hầu vươn tới một cuộc sống ấm êm, bình an và phú túc hơn.
Dominic Trần