Niềm vui có Chúa
Thứ sáu - 17/11/2017 20:09
3842
“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4,4). Đó là lời mở đầu cho cuộc gặp mặt của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo với các nữ tu Học viện Thần học Têrêsa Avila Bùi Chu và cũng là nội dung trong buổi chia sẻ của Đức cha Giuse – Giám mục Giáo Phận Xuân Lộc kiêm Giám Đốc Học viện Công giáo Việt Nam.
Đức cha Giuse tỏ ra vui mừng vì Giáo phận Bùi Chu còn rất đông nam nữ tu sĩ. Tuy nhiên, Ngài mong ước rằng sự hiện diện của các nữ tu phải là sự hiện diện của lòng nhiệt thành, hăng say, vui tươi và tràn ngập hạnh phúc bởi vì đối diện với thế giới ngày nay, con người đang tìm “vui” nhưng vui theo cảm xúc, còn người tu sĩ thì lại sống chứng nhân cho niềm vui có Chúa. Đức cha giúp các nữ tu phân biệt thú vui và niềm vui.
Thú vui và niềm vui có khác nhau không? Nghe có vẻ giống nhau vì cùng là sống vui, nhưng sâu xa thì hoàn toàn khác nhau, thậm chí là chống nhau. Thú vui nằm ở bên ngoài, nơi bề mặt cảm xúc, tìm thỏa mãn ý thích nhưng sau đó lại chán chường, mau qua.
Niềm vui nằm sâu bên trong và trào ra bên ngoài. Nó ảnh hưởng lên cảm xúc nhưng không phụ thuộc vào cảm xúc, không tùy thuộc vào yếu tố bên ngoài. Đó là niềm vui bộc lộ từ tâm hồn bằng an vì có Thiên Chúa ở cùng kể cả khi phải đau khổ. Để có được niềm vui, an bình nội tâm thì chúng ta phải vất bỏ thú vui, càng vất bỏ đi được thú vui thì tâm hồn càng thanh thoát và thanh cao.
Đức cha Giuse dùng hình ảnh mạch nước để sánh ví giữa thú vui và niềm vui. Nếu mạch nước càng giữ nhiều cấn cát, lá lẻo, rác rưởi thì càng khó lưu chảy, nhưng nếu mạch nước được khơi thông, vét sạch cấn cát thì dòng nước sẽ trong lành, tưới mát và đem lại sự sống cho muôn loài. Cũng vậy, khi vất bỏ thú vui thì niềm vui sẽ thanh cao, nụ cười sẽ rạng rỡ vì có Chúa đằng sau. Đó là biểu hiện của một tâm hồn hoan lạc, là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Vấn đề đặt ra là “làm thế nào để mỗi nữ tu sống vui tươi và hạnh phúc trong Chúa?”
Tiến trình thanh luyện nhờ ba lời khấn giúp thanh tẩy tâm hồn để chỉ giữ một mình Đức Giêsu trong tâm và như thế “nữ tu sẽ thật hạnh phúc ngay cả khi phải khóc”. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn vì đứng trước khó khăn đau khổ, con người dễ buồn rầu, than van, dễ khóc. Đức Giêsu trong vườn cây Dầu (x. Mt 26, 36-46) đã hoàn toàn vâng ý Cha (Mt 26,42), một lựa chọn thiêng liêng, một lựa chọn đem đến niềm vui, sự sống cho nhân loại.
Cũng vậy, người nữ tu khi khấn giữ ba lời khuyên Phúc âm không tránh khỏi những khó khăn trong thực hành tùy theo sự nhạy cảm của từng người, tùy theo trải nghiệm trong gia đình, nhà trường, hoàn cảnh… Dẫy vậy mỗi chúng ta vẫn được mời gọi học theo Đức Giêsu đối diện với chính mình, với cảm xúc của mình, không giấu giếm, không chạy trốn. Thật sai lầm khi giấu giếm, không dám đối diện với những yếu đuối trong cảm xúc của bản thân. Như thế làm sao có thể luyện tập, làm sao có thể sửa đổi khi không chấp nhận sự thật của mình. Những cảm xúc sẽ theo chúng ta mãi và nó điều khiển ta, làm cho ta phụ thuộc vào nó.
Đức cha nói: “Khi luyện tập chúng ta phải trân trọng những cảm xúc, những thú vui tác động. Trân trọng mọi sự nhưng không phụ thuộc, trân trọng trong vị thế của sự việc nhưng không để mình bị chi phối hay phụ thuộc, vì niềm vui của chúng ta chỉ được lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa mà thôi”. Ngài khuyên tiếp: “Niềm vui và hạnh phúc không phải có được nhờ việc học nhưng nhờ hành động. Hành động phải riêng vì mỗi người mỗi khác. Hãy lấy lời khấn làm phương tiện tập luyện để vứt bỏ thú vui, để thanh thoát trong ‘tiền, tình, danh’, không phải để khinh chê nhưng để luyện cho lòng thanh cao, thánh đức”.
Đặc biệt Đức cha Giuse mời gọi mỗi nữ tu hãy sống tín thác hoàn toàn vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, làm chứng về tình yêu ấy thì chúng ta sẽ được sống vui tươi và hạnh phúc.
Kết thúc buổi trò chuyện Đức cha Giuse giới thiệu quyển sách “Chứng Nhân Tình Yêu” do chính Đức cha là tác giả. Qua cuốn sách, ngài mời gọi độc giả đón nhận sứ vụ Chúa trao phó “trong vị thế là tông đồ, chúng ta phải dấn thân cho thế giới. Tuy nhiên, điều cần phải có là chúng ta dấn thân với tinh thần mới, được chiếu soi bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần, và với con tim đã được biến đổi bởi tình yêu của Đức Giêsu. Chỉ như thế, sự dấn thân phục vụ của chúng ta mới đem lại hoa trái phần rỗi cho thế giới, vì ‘Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được’ (Ga15,5)” [1]