Ấy là yêu thương và khổ đau
Thứ hai - 17/01/2022 04:08
643
Bạn thân mến, khi thời gian cứ dần trôi về phía cuối con đường cuộc đời. Lo lắng, bận rộn, hy vọng và trách nhiệm cứ lôi cuốn chúng ta, nhưng có một sự thật rằng nếu chúng ta dành thời gian để nghĩ suy một cách nghiêm túc, hai thực tại yêu thương và đau khổ luôn gắn chặt với mỗi người.
Yêu thương là một hành trình đi tìm hạnh phúc, nhưng đau khổ lại là một thực tại luôn tồn tại trong tình yêu. Hạnh phúc là khát vọng sâu xa nhất của con người. Mặc dù có nhiều cách biểu hiện, nhưng hạnh phúc luôn là điều mà chúng ta hướng tới. Có nhiều người đi tìm hạnh phúc nơi tiền tài, danh vọng; có người tìm kiếm chúng ở sự hiểu biết; có người lại cho rằng “yêu thương” là hạnh phúc. Vậy phải chăng hạnh phúc là tất cả của tình yêu?
Nhà thơ Xuân Diệu đã viết “Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Điều này có nghĩa là “tình yêu” sẽ làm trái tim phải đau khổ “chết ở trong lòng”. Có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau của người phụ nữ đang “lâm bồn”, nhưng niềm hạnh phúc lại lớn hơn khi một sinh linh chào đời. Một người cha nghiêm khắc với con trai đã nhiều lần phải nuốt nước mắt vào trong với niềm hy vọng cậu sẽ khôn lớn, trưởng thành hơn. Cũng không thể phủ nhận niềm hạnh phúc của những cô cậu học trò sau bao nhiêu vất vả học hành để thành tài… Như thế, nỗi đau và hạnh phúc luôn đan xen với nhau và là hai mặt của cùng một thực tại.
Nếu đau khổ và tình yêu luôn đi cùng nhau thì đau khổ trong tình yêu nói rằng hạnh phúc là điều mà yêu thương đi tìm. Vì vậy, đau khổ không bao giờ là kết thúc của tình yêu, nhưng trải qua đau khổ, tình yêu được thăng hoa và tiến gần hơn tới hạnh phúc viên mãn.
Đau khổ cũng là biểu hiện của một tình yêu trưởng thành. Khi chiêm ngắm Mẹ Maria đứng dưới chân Thập giá: hình ảnh diễn tả sự kết tinh của một tình yêu được rèn giũa, trong một quá trình dài bằng cả cuộc đời tại thế của Đức Giê-su – Con Mẹ, bắt đầu từ giây phút Nhập Thể. Biết bao vui buồn đau khổ Mẹ đã trải qua đều là những bài thực tập cho một trái tim muốn đạt tới sự trưởng thành khi cùng Con trải qua Khổ Nạn.
Đặc biệt: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1Ga 4,18). Kinh nghiệm đau khổ của Gióp là một hành trình tiến tới tình yêu hoàn hảo. Gióp đã từng hoảng hốt sợ hãi, tuyệt vọng vì quá đau khổ, nhưng khi tình yêu lớn dần, ông biết nhìn đau khổ dưới một lăng kính của đức tin “Chúng ta biết đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 1). Đỉnh cao của đau khổ là lời chúc tụng ông dâng lên Thiên Chúa dẫu cho ông thấy mình chẳng hiểu gì (G 19). Mẫu gương tuyệt vời nhất về tình yêu hoàn hảo chiến thắng đau khổ là Đức Giê-su. Để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại, Chúa đã chọn lựa cái chết – con đường Thập giá. Ngài sợ hãi đến độ “đổ cả mồ hôi máu”, nhưng tình yêu đã giúp Ngài chiến thắng khi thưa lên cùng Chúa Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 26,39).
Như vậy, huyền nhiệm tình yêu đã làm thay đổi ý nghĩa và mặc cho đau khổ một diện mạo mới. Yêu không đi tìm đau khổ, nhưng đau khổ thì luôn cần có tình yêu.
Tác giả: Maria Nguyễn Ngát