Kinh nghiệm gặp gỡ trong Mùa Vọng

Thứ tư - 21/12/2022 20:28  627
what is advent season e1607639233895Theo chương trình đào tạo tại Đại Chủng viện, đặc biệt là vào mùa Vọng và mùa Chay, anh em chủng sinh chúng tôi sẽ có những khoảng thời gian đi tới các giáo xứ để có thêm những kinh nghiệm tông đồ[1] và hơn hết, được gặp gỡ Đức Kitô đang hiện diện nơi những con người nghèo khổ. Trong những chuyến đi, chúng tôi cảm nghiệm rất rõ không phải chúng tôi mang Chúa đến với họ cho bằng chúng tôi được nhận ra hình ảnh Đức Kitô nghèo khó và khổ đau nơi những người khó nghèo và đau khổ. Chúng tôi ý thức mình là người được “nhận lãnh” hơn là người đã “cho đi”. Qua đó, anh em chúng tôi được mời gọi khơi lên trong tâm hồn mình thao thức “cố gắng làm giảm bớt nỗi khổ của họ và nỗ lực phục vụ Đức Kitô trong họ” như ý muốn của Giáo hội[2] và cũng là đòi hỏi của sứ vụ mục tử tương lai.

Vào Chúa Nhật III mùa Vọng vừa qua, cha chủ nhiệm cùng với lớp chúng tôi có chuyến đi bác ái tại một giáo xứ gần Toà Giám mục. Đây là cơ hội đặc biệt để chúng tôi được sống kinh nghiệm gặp gỡ cách sống động qua việc chiêm ngắm huyền nhiệm Thiên Chúa đến gặp gỡ viếng thăm dân Người (x. Lc 1,78), ở cùng chúng ta (x. Mt 1,23), cắm lều giữa nhân loại (x. Ga 1,14), để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ (x. Mc 10,45); và noi theo mẫu gương Đức Maria, với những bước chân vội vã lên đường thăm viếng và phục vụ bà chị họ Êlisabét (x. Lc 1,29-56). Được sự hướng dẫn và giúp đỡ tận tình của cha xứ cũng như ban hành giáo và ban Caritas giáo xứ, chúng tôi được đến thăm một số gia đình đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật, già cả neo đơn.

Nhóm chúng tôi được một thành viên trong ban Caritas giáo xứ dẫn đến thăm một số cụ già neo đơn. Đây chính là những cô gái đã dành tuổi thanh xuân ngày nào hăng hái, bền bỉ vượt qua hiểm nguy đảm nhận việc tiếp tế lương thực cho Toà Giám mục vào giai đoạn khó khăn. Theo lời chia sẻ của các cụ thì cứ thứ bảy hàng tuần là cử người đi đong thóc, sau đó suốt đêm chia nhau, người xay người sàng lấy gạo để sáng sớm Chúa Nhật đi lễ rồi tiếp tế cho Nhà Chung. Để tránh sự xoi mói thì các cụ quấn gạo phía sau lưng rồi khoác áo mưa lên người. Giờ thì một số cụ đã về với Chúa, người còn lại thì mái tóc đã bạc trắng, nước da nhăn nheo và hàm răng móm mém nhưng vẫn kể lại đầy phấn khởi: “Càng mưa thì càng sướng cha và các thầy ạ... Bọn lính chúng nó không để ý kỹ nên mình dễ dàng qua chốt”. Và các cụ cũng xác tín: “Đúng là việc Chúa muốn nên chúng con không bị kiểm tra bao giờ và cũng không bị bắt lần nào cả. Chúa và Đức Mẹ gìn giữ, chứ nói dại, chúng nó mà biết thì lại khổ...”

Chúng tôi thầm cảm phục những con người tuy nhỏ bé nhưng gan dạ ấy đã đóng góp phần mình trong việc gìn giữ và xây dựng Giáo hội giữa trần thế này. Giáo hội vẫn kiên vững qua dòng thời gian cũng một phần nhờ đức tin kiên vững và lòng mến đậm đà của lớp lớp đoàn giáo dân nhiệt thành, can trường và quảng đại. Lịch sử đã làm chứng cho tấm lòng và vai trò đặc biệt của những người giáo dân thiện chí trong Giáo hội.

Chia tay các cụ, chúng tôi tiếp tục đến với một gia đình trẻ nhưng có hoàn cảnh khó khăn vì con cái bệnh tật. Lách qua những ngõ nhỏ ở một làng nghề đông đúc và ồn ào, chúng tôi mới tới được nhà của anh chị. Gần đến cổng, bà trùm dẫn đường thở dài phân trần: “Bố mẹ, các anh chị em và người thân, bạn bè thương hại nên dựng cho chúng nó căn nhà này chứ vợ chồng nó thì có cái gì. Bốn lần sinh con thì ba đứa bại não. Thời gian ở viện có khi còn nhiều hơn ở nhà...” Rồi bà cũng nói thêm: “Con cũng mới biết hoàn cảnh gia đình này đấy ạ. Mình cứ đi làm bác ái ở mãi đâu đâu mà gia đình vợ chồng nó gần ngay đây lại chẳng giúp đỡ gì. Nhiều khi thấy mình cũng vô tâm vô tình thật, cha và các thầy ạ...”

Nghe những lời kể của bà trùm, tôi cứ hình dung trong đầu một người phụ nữ trẻ với khuôn mặt buồn sầu ủ dột và có thể là cả những lời than thân trách phận... không được tích cực cho lắm. Nhưng thật khác với những gì tôi mường tượng. Vừa bước vào nhà, chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ khoảng ba mươi tuổi nhỏ nhắn đang bế cô con gái tật nguyền trên tay, nhưng toát lên vẻ đầy can đảm và mạnh mẽ, không tỏ ra gì là khổ sở, bầu khí gia đình cũng không hề ảm đạm. Có thể chị đã quen với đau khổ. Thật không dễ gì đứng vững khi ba lần phải đón nhận những cú sốc về bệnh tật của con cái. Và cũng chừng ấy những tháng ngày loay hoay lo cho sức khoẻ của những đứa con.

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết từ lúc lập gia đình với nhau, anh chị đã có bốn đứa con nhưng ba đứa cùng bị bại não, chỉ có một đứa con trai lành lặn năm nay đang học lớp bốn. Trong số ba người con bại não bẩm sinh ấy, đứa lớn nhất đã qua đời cách đây chín năm. Lúc  mới sinh thì các cháu trông vẫn bình thường nhưng khoảng được một tuổi thì bắt đầu phát bệnh. Hiện giờ, người chồng cùng mẹ chồng đang chăm con trai bị bệnh trên viện, còn chính cô con gái mà chị đang ẵm trên tay mới ra viện cách đây năm hôm. Bởi vì chúng mắc phải căn bệnh này nên hầu như không thể nằm mà phải bế trên tay suốt. Đã thế việc ăn uống cũng tương đối vất vả, mỗi lần uống chút sữa cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Sờ vào thân thể và đôi bàn tay cứng đờ sau những lần co giật của cháu bé, chúng tôi cảm nhận rõ hơn những vất vả lo toan bộn bề của anh chị.

Chị chia sẻ: “Chắc Chúa thấy vợ chồng chúng con mạnh mẽ quá nên Ngài thử thách hết lần này đến lần khác... Nhưng mà Chúa và mọi người cũng thương gia đình con lắm. Mọi người thấy hoàn cảnh chúng con như thế nên tạo điều kiện cho chúng con nhận hàng về nhà làm gia công, vừa bế con vừa tranh thủ chân tay kiếm đồng mà trang trải. Cha và các thầy xem, họ thương vợ chồng con nên mới để cho mình làm thế chứ ạ... Cũng nhờ các cháu bệnh tật mà vợ chồng con biết thân biết phận nên gắn bó, yêu thương, chia sẻ với nhau nhiều hơn”.

Tôi chợt nhớ đến nhà văn trào lộng kiêm đạo diễn phim truyền hình người Pháp Jean-Louis Fournier. Trong tập sách cảm động Ba ơi, mình đi đâu?[3], đoạt giải Fémina 2008, người cha “có tới hai ngày tận thế” đã kể về hai đứa con khuyết tật của mình, Mathieu và Thomas. Theo lời ông, “chúng chỉ đạt được những tiến bộ giật lùi” nhưng “chúng lúc nào cũng dễ thương và tình cảm”. Nuôi nấng những đứa con tật nguyền là cả một nghệ thuật, một hành trình đầy gian nan và đau khổ, nhà văn đã lặng lẽ nén nỗi đau đó vào trong để tiếp tục sống và tiếp tục hành trình làm cha của mình: “Với các con, cần phải có lòng kiên nhẫn vô tận của một thiên thần, mà ba thì không phải thiên thần”. Ông yêu thương vô bờ bến những đứa con của mình, ông chăm chút cho chúng từ thể chất đến tinh thần, ông quan sát kỹ càng những đứa con của mình để nhận ra những dấu hiệu thay đổi tích cực từ chúng. Hành trình đó thật dài và đau khổ nhưng không phải là không thể thực hiện được.

Trong buổi gặp gỡ hôm đó, chị gọi điện cho chồng để chúng tôi được biết chồng chị và nhìn thấy đứa con trai đang điều trị tại bệnh viện. Chúng tôi cũng cảm nhận được sự vui tươi nơi anh, dầu rằng chắc hẳn anh cũng đang mang trên mình những băn khoăn lo lắng, ưu sầu nhất định.

Cha giáo và chúng tôi không nói gì nhiều. Chúng tôi chỉ ngồi lắng nghe những tâm sự, những giãi bày của một con người đau khổ mà chúng tôi tin chắc rằng, chị và gia đình đang chung phần khổ nạn với Đức Kitô, đang âm thầm vác thập giá hàng ngày trong cuộc đời với một sự tín thác sâu xa.
Người bố chồng nhà ngay bên cạnh cũng hiện diện cùng cha giáo và anh em chúng tôi trong suốt buổi thăm viếng này. Từ đầu đến cuối, chúng tôi thấy ông chỉ ngồi lặng thinh. Có thể ông thương cảm cho hoàn cảnh con cái mình vất vả ngược xuôi hay thương những đứa cháu bệnh tật tội nghiệp và có lẽ là cả sự xúc động trước sự hiện diện của cha giáo và anh em chủng sinh chúng tôi trong căn nhà này.

Trên đường trở về nhà xứ, cha giáo và chúng tôi đều tỏ ra cảm phục trước sự mạnh mẽ và quảng đại của đôi vợ chồng trẻ này. Tấm lòng hy sinh của người cha người mẹ thật cao cả. Có sinh con (và có nuôi con) mới biết lòng cha mẹ lớn lao là dường nào. Nếu không có tình thương và sự can đảm thì có lẽ nhiều đứa trẻ như hoàn cảnh của các em đã bị bỏ rơi hay gửi tới Cô nhi viện.

Dẫu biết rằng, Giáo hội đòi hỏi mọi người phải lưu tâm một cách vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ đối với mọi trẻ em được sinh ra, nhất là những đứa con bị đau yếu hay tàn tật[4] nhưng Giáo hội cũng quan tâm và tỏ lòng khâm phục những gia đình sẵn sàng yêu thương đón nhận thử thách cam go của một đứa con tật nguyền. Các gia đình này cống hiến cho Hội Thánh và xã hội một chứng từ rất quý giá về lòng trung tín đối với hồng ân sự sống. Những người khuyết tật là một quà tặng cho gia đình và là cơ hội để lớn lên trong tình yêu, trong sự hiệp nhất và giúp đỡ lẫn nhau. Trong cái nhìn của đức tin, gia đình nào đón nhận sự hiện diện của những người khuyết tật sẽ có thể nhận ra và bảo đảm phẩm chất và giá trị của mọi sự sống, với những nhu cầu, những quyền và cơ hội của họ. Gia đình đó sẽ thúc đẩy phục vụ và chăm sóc, cũng như khích lệ sự gần gũi đầy yêu thương trong mọi giai đoạn cuộc sống của họ[5].

Trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng về Tình yêu trong gia đình Amoris Laetitia, Đức Thánh cha Phanxicô viết: Với lòng biết ơn đặc biệt, Hội Thánh “ủng hộ các gia đình đón nhận, nuôi dưỡng và bao bọc bằng tình thương những đứa con bị các khuyết tật khác nhau” (số 82). Ngài cũng nói thêm: Bởi vì “con cái là hồng ân”. Mỗi người là duy nhất và độc đáo. Một đứa con được bạn yêu thương chỉ vì nó là con, không bởi vì nó đẹp, hay nó như thế này thế kia; không, đơn giản chỉ vì nó là con mình! Không phải vì nó có suy nghĩ giống như tôi, hoặc nó là hiện thân của những khát vọng của tôi. Một đứa con luôn là một đứa con (số 170).

Chắc chắn gia đình của anh chị vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn gian nan trước mắt. Hy vọng sự hiện diện của cha giáo và anh em chủng sinh chúng tôi cùng với sự nâng đỡ của mọi người sẽ phần nào khích lệ tinh thần lạc quan nơi anh chị. Tin tưởng vào ơn Chúa trợ giúp, chúng tôi thầm cầu nguyện xin Chúa hằng nâng đỡ chở che gia đình anh chị, nhất là Ngài ban ơn giúp sức để anh chị vẫn luôn quảng đại và can đảm để yêu thương con cái, để vượt qua những thử thách chông gai trong cuộc sống.


[1] BỘ GIÁO SĨ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis 2016, số 124: Dựa trên suy xét khôn ngoan của Giám mục, trong suốt tiến trình đào tạo, vào những thời điểm và theo cách thức phù hợp nhất, đặc biệt là vào những ngày hay thời kỳ không có giờ lớp, chúng ta sẽ giới thiệu những kinh nghiệm tông đồ không thể thiếu nếu muốn đào tạo con người cách toàn diện.

[2] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Lumen Gentium (21/11/1964), số 8; x. PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), số 270: Đôi khi chúng ta cảm thấy bị cám dỗ trở thành loại Kitô hữu luôn giữ một khoảng cách an toàn với những vết thương của Chúa. Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn chúng ta chạm vào sự khốn cùng của con người, chạm vào da thịt đau khổ của những người khác; x. BỘ GIÁO SĨ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis 2016, số 119: Chủng viện nhằm mục đích chuẩn bị cho chủng sinh trở nên mục tử theo hình ảnh Chúa Kitô. Vì vậy, công cuộc đào tạo linh mục phải được tinh thần mục tử thổi hồn vào, để chủng sinh có khả năng cảm nhận được cùng một lòng thương xót, cùng một lòng quảng đại, cùng một tình yêu đối với mọi người, đặc biệt là đối với người nghèo, và cùng một lòng nhiệt thành vì Nước Trời.

[3] x. JEAN-LOUIS FOURNIER, Ba ơi, mình đi đâu?, Phùng Hồng Minh dịch, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018; x. Tóm tắt và Review sách tại: https://cungdocsach.vn/tom-tat-review-sach-ba-oi-minh-di-dau-jean-louis-fournier/.

[4] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Familiaris Consortio (22/11/1980), số 26: Giữa lòng gia đình như một cộng đồng các ngôi vị, cần phải dành một sự chú ý đặc biệt cho đứa con, bằng cách phát huy lòng quý chuộng sâu xa đối với phẩm giá ngôi vị của nó, cũng như phát huy sự kính trọng thật to lớn đối với những quyền lợi của nó, những quyền lợi mà người ta phải phục vụ một cách quảng đại. Đó là điều phải dành cho tất cả mọi đứa con, mà quan trọng nhất là đứa con nhỏ tuổi hơn, đang cần đủ mọi thứ, hoặc đối với một đứa con bị đau yếu, đau khổ hay tàn tật. Giáo hội đòi hỏi mọi người phải lưu tâm và khi chính mình lưu tâm một cách vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ đối với mọi trẻ em được sinh ra, Giáo hội chu toàn một trong những sứ mạng căn bản của mình.

[5] x. PHANXICÔ, Tông huấn Amoris Laetitia (19/3/2016), số 47

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập328
  • Máy chủ tìm kiếm94
  • Khách viếng thăm234
  • Hôm nay40,234
  • Tháng hiện tại1,132,791
  • Tổng lượt truy cập71,160,548
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây