Hiện nay, toàn thế giới đều quan tâm đến môi trường sống xanh – sạch – đẹp. Rất nhiều hội nghị tầm cỡ toàn cầu hoặc khu vực đã được tổ chức nhằm tìm hướng giải quyết nạn ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, biết bao thiên tai khủng khiếp như động đất, sóng thần, cháy rừng, lũ lụt… liên tục xảy ra cho thấy bà mẹ thiên nhiên đang nổi giận vì những hành vi cố tình xâm phạm và phá vỡ quy luật cân bằng sinh thái. Đứng trước thực trạng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẩn khoản kêu gọi đối thoại về cách thức xây dựng một tương lai mới cho hành tinh của chúng ta trong thông điệp Laudato Si’ về “Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung”.
Mở đầu thông điệp Đức Giáo Hoàng dùng bài Thánh ca của Thánh Phanxicô thành Assisi hát lên: “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con”. Trong bài thánh ca này, Ngài nhắc cho chúng ta nhớ, ngôi nhà chung của chúng ta phải được xem như người chị, người mẹ ôm lấy chúng ta. “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con! Vì người chị của chúng con, người mẹ trái đất của chúng con, mẹ nâng đỡ chúng con và mang lại nhiều hoa trái, những bông hoa tươi đẹp, những cây cỏ xanh tươi”. Người chị này đang lên án loài người đó đây nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã hủy hoại, sử dụng vô trách nhiệm các nguồn tài nguyên. Trong khuôn khổ bài viết, xin nêu ra một vài trường hợp tiêu biểu.
Trước tiên là nạn thải rác tự do. Có thể lấy hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn làm ví dụ cụ thể về hiện tượng phổ biến vứt rác, xả rác ra đường và nơi công cộng. Điều này cho thấy ý thức bảo vệ môi trường chưa được tôn trọng đúng mức. Nó phần nào thể hiện nếp sống thiếu văn hóa và chỉ biết tiện ích cá nhân. Người ta chỉ cần nhà mình sạch còn những chỗ khác thế nào thì mặc kệ. Do vậy rác rưởi, đồ phế thải, xác súc vật chết… cứ mặc nhiên được ném ra đường vì cho rằng đã có người dọn rác lo quét dọn. Nếu có dịp đặt chân tới thủ đô Hà Nội ngàn năm Văn Hiến, chắc du khách sẽ rất ấn tượng về một thành phố của cây xanh, nhưng đồng thời cũng là thành phố của rác. Rác hiện diện khắp nơi: trên đường phố nhưng cũng ở cả những nơi có thắng cảnh nổi tiếng như Hồ Gươm, Hồ Tây, hồ Trúc Bạch và thậm chí tại ngay nơi tôn nghiêm như Văn Miếu Quốc Tử Giám hay bên những ngôi chùa cổ kính. Còn bến tàu, bến xe, công viên… thì chẳng cần nói thì mọi người cũng biết thực trạng này ra sao.
Ở thành phố Sài Gòn vài năm trở lại đây xem ra có khá hơn. Tệ nạn vứt rác ra đường có giảm bớt. Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm ở các khu nhà dân ven kênh rạch hoặc gần chợ búa ngoại thành thật đáng sợ. Rác chất thải “sống chung” với người dân hết năm này qua năm khác. Việc giải quyết dứt điểm vấn đề nhức nhối này nhưng vẫn chưa chưa có hồi kết.
Tệ nạn thứ hai là khí thải, chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong nội thành cũng thường xuyên gây ô nhiễm nghiêm trọng đến không khí, môi trường, nguồn nước sinh hoạt và các mạch nước ngầm nhưng còn bị xem nhẹ trong khâu xử lý chất thải. Khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi thối… vốn tiềm tàng những căn bệnh hiểm nghèo trong đó có ung thư ảnh hưởng rất lớn và đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của cả cộng đồng.
Một vấn đề nhức nhối khác là nạn chặt phá rừng. Chủ trương đóng cửa rừng, giao rừng cho dân quản lý… hầu như rất ít hiệu quả. Nhiều người chỉ nhìn thấy nguồn lợi trước mắt của khai thác rừng mà không nhận thức được hậu quả sau này. Tàn phá rừng đồng nghĩa với tàn phá cái nôi sự sống dẫn đến tình trạng đất đai bạc màu, xói mòn, lũ lụt, lở đất, lũ quét, lũ ống. Đây chính là nguyên nhân cướp đi hằng năm bao nhiêu sinh mạng người dân và gây thiệt hại đến công việc chăn nuôi và trồng trọt. Nguồn dưỡng khí từ rừng càng ngày càng ít đi ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của con người. Để cải thiện tình trạng này, cần thực hiện song song khai thác và bảo vệ rừng để hưởng lợi ích lâu dài. Trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, giúp tái tạo môi trường sống cho nhiều loài chim, thú quý, đồng thời trồng rừng để tạo vành đai phòng hộ bảo vệ đất đai, mùa màng…
Ngoài ra, hiện tượng cố tình biến kênh rạch, sông ngòi thành những cống lộ thiên có sẵn để chuyên chở nước thải công nghiệp cũng cần được chấm dứt để trả lại vẻ đẹp vốn có của nó. Thêm nữa, việc dùng chất nổ để khai thác thủy hải sản cũng cần phải loại trừ vì đó là tội ác hủy diệt thiên nhiên.
Chúng ta phải hành động làm sao để cứu vãn môi trường? Có rất nhiều giải pháp nhưng vấn đề hàng đầu vẫn là giáo dục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường sống và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trước cộng đồng. Bên cạnh chuyện nghiêm cấm chặt phá rừng là chuyện trồng cây gây rừng cần được làm thường xuyên nhằm duy trì lá phổi xanh cho Trái Đất, tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường.
Trong thông điệp Laudato Si’ chương VI Giáo Dục và Linh Đạo Môi Sinh, Đức Thánh Cha xin mỗi người trong thế giới này đừng bao giờ quên gìn giữ “Ngôi Nhà Chung” bầu trời của chúng ta luôn trong sạch, để đạt được điều đó mỗi người hãy tự ý thức gìn giữ vệ sinh chung bầu không khí trong cách sống từng người, cộng đoàn, gia đình, xã hội và toàn thế giới.
Nhờ đó sự sống của chúng ta thực sự phản chiếu Hồng Ân Chúa trên từng người và trên toàn vũ trụ tốt đẹp mà Chúa đã ban cho chúng ta. Vì thế bổn phận và nghĩa vụ của chúng ta là phải cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường “Ngôi Nhà Chung” luôn mãi trong lành và tốt đẹp.
Nt. Maria Ngọc Mai, Đaminh Bùi Chu