Thánh ca mặc Hip Hốp
Thứ hai - 22/08/2016 15:29
7176
Trong một thánh lễ cách đây khoảng 1 tháng, lúc tôi chuẩn bị lên rước lễ, bỗng có tiếng xì là xì lồ ở hàng ghế sau lưng, nghe họ nói tiếng anh với cung giọng không bình thường nên tôi hơi nghiêng mặt nhìn lại và phát hiện người đang nói là một cô Tây và người kia là bác coi xe nhà thờ. Sau ít lời đối thoại tôi hiểu câu chuyện là bác đang mời cô này ra khỏi nhà thờ. Lý do, vì cô Tây đang mặc trên người chiếc áo thun với quần xà lỏn mà theo bác trong nhà thờ điều này không chấp nhận được.
Ngay khi cô Tây đi ra theo lời đề nghị, thì cũng là lúc trên ca đoàn dạo lên tiếng đàn rất rôm rả: “Bùm chát, bùm chát bùm…”. Trong khi lên rước lễ tôi có suy nghĩ, chẳng phải anh bạn nhạc công kia cũng đang khoác “bộ đồ híp hốp” lên bài hát thánh ca đó sao? Thế mà không ai tỏ ra khó chịu. Trái lại, còn cho là bình thường, phải như thế mới vui, dễ hát thậm chí có người cho là nhờ nhạc nhộn mà dự thánh lễ được thêm phần sốt sắng nữa!
Nhìn hiện trạng chung, cách sử dụng thánh ca ở Việt Nam đang tiến dần tới mốt Hip hốp, thế nhưng chẳng mấy ai phản ứng. Cũng dễ hiểu vì nó thuộc thế giới tinh thần nên khó phát hiện đúng sai hay dở, trái lại những thứ thuộc thế giới vật chất dễ nhận biết vì nó có hình thù cụ thể nên dễ nói.
Cũng như bác coi xe kia, chúng ta không dễ chấp nhận một người ăn mặc bất xứng, nhưng với âm nhạc thì chúng ta vẫn hiên ngang hát theo những điệu đàn thiếu trang nghiêm, những bản nhạc có nét đặc trưng của quán bar, phòng trà, sân khấu như: Tango, Cha chacha, Disco…(ở cả hai hình thức, cài sẵn lẫn, chơi bằng tay). Chúng ta thấy ngứa mắt khi trong nhà thờ xuất hiện kiểu ăn mặc khêu gợi, nhưng lại sử dụng các hợp âm nghịch hay còn gọi là hợp âm ma quỷ cách tự do; mọi người sẽ đổ dồn cặp mắt về phía có sự la hét của ai đó khi đang cầu nguyện, nhưng nếu nhạc công vuốt phím đàn đánh roẹt thì có khi được coi là hay, là phong cách v.v… Điều này đã xảy ra ở khá nhiều ca đoàn. Còn Giáo Hội dạy chúng ta thế nào?
Với bài hát: phải có hai đặc tính cơ bản mà Đức Pi-ô X đã đề ra (tự sắc Tra le Sollecitudini) và được Hiến chế phụng vụ số 112 cũng như Huấn thị về Thánh Nhạc trong phụng vụ số 4 nhắc nhở:
Thánh thiện: nên phải loại bỏ yếu tố trần tục (không những trong bản chất mà cả nơi những người thể hiện).
Hình thức hoàn mỹ: nên phải có tính nghệ thuật đích thực cả về nhạc lẫn lời, đáp ứng những đòi hỏi chuyên môn và những quy định của Giáo Hội. “Thiếu 1 trong 2 đặc tính này, nó không thể đưa tâm hồn người nghe đạt tới công hiệu mà Giáo Hội nhắm tới khi dùng nghệ thuật âm thanh trong Phụng vụ” (Đức Pi-ô X).
Với nhạc cụ: Tiếng hát trong phụng vụ chiếm ưu thế nên luôn phải rõ ràng, các nhạc cụ khác chỉ là đệm theo nên “không bao giờ được lấn át tiếng hát” (tự sắc Tra le Sollecitudini số 16). Không được vuốt tay trên các phím đàn, nhất là Organ và Piano).
Đệm quản cầm (Organ) trong thánh đường là một việc làm thánh thiện. Người đệm đàn phải học cách đệm thế nào để nâng đỡ và tô điểm tiếng hát, mà vẫn giữ được vẻ trang nghiêm thánh thiêng của các buổi cử hành phụng vụ. Tính thông đạt, tính nghệ thuật và tính thánh thiện là 3 tiêu chuẩn người đệm đàn cần nắm giữ để làm trọn phận vụ đệm đàn của mình. Nói cách khác, người đệm đàn phải giúp người hát thông đạt tốt tình ý của bài hát, không chơi quá lớn, át tiếng hát; giúp người hát diễn tấu cho có hồn, có nghệ thuật, không đệm một cách máy móc, rập khuôn nhưng “tiếng đàn phải ôm lấy tiếng hát”, cùng mạnh cùng nhẹ, cùng vươn cùng giảm với giọng ca, gia tăng sức diễn cảm cho tiếng hát…; giúp người hát diễn tấu bằng một phong cách thánh thiêng, không lây nhiễm bầu khí trần tục. Để minh chứng cho những điều vừa nói trên, xin được kể ra đây vài chia sẻ từ một người không Công giáo nhưng lại rất quan tâm đến âm nhạc nhà thờ.
Thầy tôi, một người theo đạo Phật đã cùng lớp tới một nhà thờ để tham dự thánh lễ. Thầy hết sức ngạc nhiên khi Cha xứ và giáo dân rất nghiêm trang, cung kính, còn ca đoàn thì cứ như múa nhảy bên cánh gà của gian cung thánh. Thầy đặt vấn đề với chúng tôi: “sao âm nhạc phát xuất từ nhà thờ, nó đóng vai trò quan trọng trong phụng vụ mà ở Việt Nam lại như thế này nhỉ? Thầy từng qua Châu Âu và vào nhiều Thánh Đường để thưởng thức âm nhạc, họ không như thế này… Ngay sau thời chiến Dàn nhạc Quốc gia Việt Nam tự dựng nhà, tạo nơi chốn để học nhạc. Cứ cho là họ học để làm nghề, nhưng đối với âm nhạc để ca ngợi còn phải cao quý hơn mới phải chứ!”.
Có lẽ Thầy biết lớp tôi đa phần theo đạo, và những người sẽ không thi lên Đại học chủ yếu là những người bên Công giáo nên Thầy nói cặn kẽ hơn: “Các bạn đừng nghĩ chuẩn bị được cầm tấm bằng trung cấp âm nhạc đã là ngon. Với một số người họ sẽ cho rằng 4 năm trung cấp (hệ cơ bản) đã là nhiều rồi đấy. Nhưng thực tế mà nói, nó chẳng thấm vào đâu với những quy luật của âm nhạc để làm cho đúng chứ chưa nói đến làm cho hay. Nếu nó đơn giản thì sẽ chẳng bao giờ phải cần đến hệ trung cấp 11 năm (hệ chuyên nghiệp) tại các trường Nhạc viện, nếu nó không cần thiết thì các nước văn minh sẽ chẳng coi nó là một môn quan trọng trong chương trình phổ thông… Không biết thì dễ làm liều, biết tới nơi tới chốn thì thật tốt và những người này thường rất khiêm tốn, còn người biết đấy nhưng chưa tới đâu sẽ khó thành công vì hay bị giằng co khi làm việc”.
Khi đỗ Đại học, tôi còn ấn tượng hơn về những lời chia sẻ của Thầy dạy chuyên ngành của tôi ở ngay buổi học đầu tiên. Thầy nói: “Khi học và làm việc cách ý thức và trách nhiệm thì cũng như là tu vậy. Rồi Thầy ví von: một người không chịu học luật lại lái xe ẩu sẽ dễ dàng gây tai nạn, một bác sĩ thiếu cẩn thận sẽ gây chết chóc, một bác nông dân thiếu lương tâm trong việc sử dụng thuốc sẽ gây bệnh tật… trước những vấn đề này chúng ta rất dễ lên án, nhưng với âm nhạc chúng ta lại hay coi nhẹ. Chúng ta ít biết được rằng nếu lười biếng, ẩu đả hoặc làm bừa sẽ gây ra những hậu quả rất xấu về đời sống tinh thần. Nó làm méo mó âm nhạc, làm hỏng thẩm mỹ không chỉ của một mà nhiều thế hệ. Vậy nếu chúng ta không làm việc cách nghiêm túc chúng ta sẽ có lỗi với âm nhạc, có lỗi với mọi người”.
Với một người làm âm nhạc họ đã có trách nhiệm như thế, vậy với Nhạc Thánh – Thán Nhạc càng phải có trách nhiệm hơn biết bao, tôi tự nhủ như vậy mỗi khi học tập. Dù biết mình chỉ làm được một phần nhỏ xíu trong thế giới âm nhạc muôn màu sắc, đa thể loại, nhưng tôi vẫn cố gắng với hy vọng nếu mỗi người cố gắng một chút, thì cuộc sống xung quanh sẽ thật tươi đẹp. Hoặc mỗi người như một nhạc cụ thì đời sống tinh thần, đời sống cầu nguyện sẽ phong phú, sốt mến…!!!
Thay cho lời kết, xin mượn lời Công đồng Va-ti-ca-nô II, CĐ đã làm thay đổi quan niệm về Thánh Nhạc như sau: “Thánh ca, thánh nhạc không phải chỉ là phần trang trí cho lễ nghi thêm long trọng, hoặc là phương tiện gợi lòng sốt sắng của tín hữu, nhưng là chính phụng vụ, một hoạt động loan báo mầu nhiệm Ki-tô giáo mà Hội thánh không ngừng cử hành để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá các tâm hồn (HCPV số 112). Ca nhạc trong phụng vụ cần phải được chuẩn bị và lựa chọn cẩn thận vì “không phải bất cứ loại nhạc nào, bài hát hay nhạc khí nào cũng có khả năng nuôi dưỡng lời cầu nguyện và trình bày mầu nhiệm Đức Ki-tô như nhau” (Huấn thị thứ ba, số 3c).
Scholastica Hương Liễu
Học viện Đaminh Bùi Chu