Hướng tới nền văn hóa thương xót
Thứ năm - 10/11/2016 14:35
2607
Trong tông sắc Misericordiae vultus (Dung mạo lòng thương xót), Đức Thánh Cha đã nhắc lại “giáo huấn sâu sắc” của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp thứ hai của Ngài, Dives in Misericordiae (Thiên Chúa giàu lòng thương xót), về hai điểm: sự kiện lòng thương xót bị lãng quên trong văn hóa ngày nay và lý do khẩn thiết của việc Giáo hội cần phải công bố và làm chứng cho lòng thương xót. Phần trình bày sau đây lược dịch từ chương VIII và chương IX của cuốn sách nổi tiếng do hồng y W. Kasper viết về Lòng Thương Xót: “Lòng thương xót: tâm điểm của Tin Mừng và bí quyết cho đời sống Kitô hữu”[1]. Hy vọng suy tư của ngài sẽ thêm chất liệu cho chúng ta trong việc hướng tới viễn tượng xây dựng nền văn hóa thương xót.
1. Một thế giới khủng hoảng tâm linh
Chúa Giêsu đã gửi các môn đệ và Giáo hội đi ra để đến với thế giới. Vì thế, bằng Thông điệp xuất phát từ lòng thương xót, Giáo hội không thể nào giới hạn các hoạt động của mình đối với mỗi người, trong lãnh vực cá nhân cũng như lãnh vực nội bộ Giáo hội. Có thể nói được là không thể trói chặt mình ở trong phòng thánh được. Giáo hội phải là men, muối, ánh sáng (x. Mt 5,13t; 13,33) và phải dấn thân vào những vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, Giáo hội không có thẩm quyền đặc biệt nào trên những vấn đề có tính kỹ thuật về kinh tế hoặc chính trị xã hội. Đối với những vấn đề liên quan đến trật tự kinh tế hoặc xã hội, quả thực cần có một sự tự trị hợp pháp và thực tiễn. Không phải các nhà thần học nhưng là những giáo dân có khả năng sẽ chịu trách của mình và trở thành một hệ thống vô hồn, phi nhân.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính hiện hành xét cho cùng cũng là cuộc khủng hoảng về nhân văn và tâm linh. Người ta bận tâm về giá cả của sự vật và hỏi xem nó đáng giá bao nhiêu tiền, nhưng lại quên hỏi xem điều gì là đáng giá và xứng hợp với nhân vị và cho xã hội loài người. Để vấn đề liên quan đến những gì là đáng giá và mang lại sức sống cho con ngƣời không bị lãng quên, Giáo hội đã phải đề cập đến các vấn đề luân lý nền tảng về kinh tế và xã hội; điều này được thực hiện không phải chỉ vì chú ý đến sở hữu riêng hay sở thích riêng của Giáo hội mà đúng hơn là vì lợi ích của dân chúng và tính nhân văn của xã hội.
2. Thương xót, một ý niệm đã lỗi thời?
Vấn đề thiết yếu của trật tự một xã hội đặc thù là vấn đề công bình. Theo định nghĩa kinh điển của Cicéro, công bình hệ tại ở chỗ trao cho mỗi người những gì thuộc về họ (suum cuique). Từ rất sớm, Augustinô đã nhấn mạnh đến ý nghĩa nền tảng của công bình đối với một thể chế chính trị:
“Nếu công bình bị gạt sang một bên, thì các vương quốc còn là gì nếu không phải chỉ còn là những băng cướp khủng? Nhưng ngay cả các băng cướp xét cho cùng cũng là những “tiểu vương quốc”. Băng đảng tự nó được tập hợp bởi một nhóm người, được cai quản bởi quyền hành của một tên đầu sỏ và được liên kết với nhau bởi sự kết băng kết đảng, rồi phân chia của cải chiếm đoạt được theo như thỏa thuận chặt chẽ giữa chúng với nhau”[2].
Trong khi theo nguyên tắc, ta thấy ý kiến đa số xem ra đồng thuận với nhau về tầm quan trọng của công bình đối với trật tự xã hội, thì có nhiều người lại phản đối ý nghĩa của lòng thương xót. Họ biện luận rằng: lòng thương xót dù có là nhân đức nền tảng của Kitô giáo đi chăng nữa thì cũng chẳng có chỗ đứng gì trong lãnh vực xã hội trần thế. Người ta thường viện dẫn lý do là lòng thương xót làm suy yếu sự dấn thân cho công lý và chỉ có tác dụng theo nghĩa từ thiện là lấp đầy những lỗ hổng trong mạng lưới xã hội mà chẳng giúp điều chỉnh hệ thống xã hội ấy theo một mô hình công bằng hơn. Qua việc tình nguyện trợ giúp nơi này nơi khác, lòng thương xót bị tố cáo là đã che đậy những hình thái bất công của hệ thống xã hội, thay vì cải tổ tận căn hệ thống ấy. Ngay cả một tấm gương vĩ đại trong việc dấn thân phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo như Mẹ Têrêsa mà cũng không thoát được những lời chỉ trích theo lối lập luận trên.
Từ một viễn tượng hoàn toàn khác biệt, Adam Smith, ông tổ của chủ thuyết tự do kinh tế, cũng đã đƣa ra một sự phê phán tương tự. Để có thể vượt qua những vấn đề xã hội của thời đại mình, ông đã không muốn dựa vào tình yêu của người lân cận và lòng thương xót của các nhà từ thiện, nhưng đã muốn tận dụng chính tư lợi hoặc đúng hơn là muốn theo đuổi lợi nhuận. Ông đã không xây dựng lý thuyết của mình dựa theo chiều hướng vị tha nhƣng là theo hướng vị kỷ vì ông tin rằng “bàn tay vô hình” của thị trường sẽ mang lại trật tự xã hội[3]. Chính khi sự cùng khổ của xã hội tư bản non trẻ bị lộ ra lại là lúc xuất hiện một sự thăng hoa sơ khởi.
Marx đã cực lực chế giễu sự hài hòa sơ khởi này. Quả thực, chủ nghĩa tư bản hoang dã ban đầu ở thế kỷ 19 đã không đem đến trật tự xã hội, nhưng đã gây ra một sự cùng khốn không thể tả xiết cho giới công nhân. Trong khi cái nhìn quá lạc quan của Adam Smith khởi đi từ một quan điểm hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa, hay đúng hơn chỉ là quan điểm của ích kỷ chủ nghĩa, Marx và chủ nghĩa Marx lại xuất phát từ một quan điểm phiến diện và quá thiên về tập thể chủ nghĩa tới mức làm mất đi phẩm giá bất khả nhượng của mỗi nhân vị, và trong thực tế, đã làm cho phẩm giá ấy bị chà đạp và xúc phạm một cách không thương tiếc. Lòng thương cảm và thương xót đã bị sụp đổ.
Như vậy, cả chủ nghĩa tư bản hoang dã (tự do quá trớn, liberalism) và chủ nghĩa Marx, tuy khởi xướng từ những điểm xuất phát khác nhau, nhưng đều dẫn đến một khái niệm phiến diện và giả mạo về nhân vị con người. Như là hệ lụy của sự bần cùng hóa số đông do sự phát triển công nghiệp vào thế kỷ 19, ý tưởng về phúc lợi xã hội hiện đại trỗi dậy như là một chiều hướng chống lại phát triển với một kết cục hoàn toàn khác biệt. Ngược lại với việc chăm sóc người nghèo, như đã từng được khai triển trong Giáo hội vào những thế kỷ đầu tiên, nhà nước theo hệ thống phúc lợi hiện đại không chỉ quan tâm đến việc trợ giúp hoặc giảm thiểu sự nghèo khổ và áp bức của những trường hợp cá nhân, nhưng còn lưu ý đến việc loại bỏ sự nghèo đói tập thể, được hiểu như là một tình trạng xã hội tồi tệ đang diễn ra. Nhiệm vụ bảo đảm những gì là đúng đắn và công bằng cho mọi người và kiến tạo một trật tự công bằng cho toàn thể cơ cấu chính trị là điều không chỉ được thực hiện với nỗ lực cá nhân nhưng còn cần đến những chính sách vận hành của chính phủ nữa. Vì vậy, khái niệm căn bản của kinh tế thị trường tự do là nhà nước thiết lập một giới hạn cho kinh tế thị trường tự do được vận hành. Giới hạn ấy phải giả thiết là mở ra cho mọi ngƣời một cơ hội thuận tiện để xây đắp cuộc đời họ theo một cách thức tôn trọng phẩm giá con người và đem đến cho họ thời cơ để tham dự vào sự phát triển xã hội. Hơn nữa, những giới hạn ấy cũng phải dự phòng cho những rủi ro có thể tác hại đến cuộc sống con người (tuổi tác, bệnh tật, thất nghiệp, tai nạn), nghĩa là phải thể hiện được thể chế liên đới cộng đồng.
Ý niệm về kinh tế tự do thị trường đã tự khẳng định chính mình. Xét theo nguyên tắc, nó phù hợp với các luật lệ, đã được tìm thấy nơi Kinh Thánh, để sắp đặt đời sống xã hội theo đúng trật tự, ấy là phẩm giá của mỗi cá nhân, sứ mệnh lao động và xây dựng thế giới, công lý và bảo vệ tài nguyên, cùng với những nghĩa vụ xã hội kèm theo. Do đó, ý niệm về thực hiện việc phát triển chủ nghĩa nhân bản, một điều cũng bắt nguồn từ quan điểm Kitô giáo, phải được duy trì và phát triển xa hơn nữa hầu đáp ứng với những đòi hỏi của những hoàn cảnh đang thay đổi.
Xem ra ý niệm hiện đại về phúc lợi xã hội nhà nước hiện đại đang gặp phải những hạn chế do nhiều lý do và dưới nhiều góc độ, và vì thế, ý niệm này cần phải được phát triển xa hơn[4]. Người ta không còn lấy tài chính làm điểm xuất phát cho hệ thống phúc lợi như thường được đánh giá trong quá khứ dựa theo tỷ lệ tăng trưởng đều đặn về kinh tế. Mối tương quan được cân đong đo đếm giữa bộ phận sản xuất của dân cư với bộ phận được hỗ trợ bởi điều ấy đã phải thay đổi cho phù hợp với những biến đổi về dân số và những nhu cầu lớn hơn về mức sống trung bình. Sự phát triển về kỹ thuật, trong nhiều trƣờng hợp, có thể đảm đương bằng máy móc và điện tử các công việc trước đây phải làm bằng tay. Điều này giúp tận dụng tốt hơn không gian làm việc nhưng cũng gây ra nạn thất nghiệp. Nhất là đối với giới trẻ, nạn thất nghiệp dài hạn không chỉ gây nên những vấn đề liên quan đến vật chất mà còn tạo ra những vấn nạn tinh thần ảnh hưởng đến sự tôn trọng và khẳng định bản thân mình.
Vấn đề trở nên trầm trọng hơn do sự tác động tiêu cực của hiện tượng toàn cầu hóa, gây ra hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn, não trạng tiêu thụ và lối sống hưởng thụ, những bất công của hình thức tư bản mới.
3. Giáo huấn xã hội Công giáo
Đứng trước sự phát sinh các vấn đề xã hội và những bất công bê bối do cuộc cách mạng công nghiệp gây ra vào thế kỷ 19, Giáo hội Công giáo đã phát triển giáo huấn của mình về xã hội. Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự, Giáo hoàng Leo XIII, 1891) đánh dấu sự khởi đầu những nỗ lực tố cáo những bất công xã hội và cổ võ sự phát triển hệ thống phúc lợi xã hội mới.
Điểm xuất phát và nền tảng của giáo huấn của Giáo hội về xã hội là phẩm giá trổi vượt của mỗi người và mọi người. Phẩm giá ấy không do xã hội mà là do Tạo Hóa ban tặng, nên thánh thiêng và bất khả nhượng. Xã hội cần tôn trọng phẩm giá ấy qua việc tôn trọng những quyền căn bản của con người (nhân quyền), như quyền tự do chính đáng, công lý, hòa bình, công ích, môi trường văn hóa xã hội và môi sinh lành mạnh…
Tuy nhiên, các giáo huấn của Giáo hội còn đi xa hơn nữa khi chỉ ra rằng, công bằng, công lý mà thôi vẫn chưa đủ để giải quyết tận căn vấn đề xã hội. Tình yêu và lòng thương xót mới là nguồn động lực thúc đẩy nhân loại phát triển đúng hướng:
“Kinh nghiệm của quá khứ và của thời đại chúng ta đang sống cho thấy rằng công lý mà thôi thì chưa đủ, vì có thể sẽ dẫn đến việc thậm chí chối bỏ và hủy diệt chính mình, nếu nguồn lực sâu xa hơn là tình yêu không tạo điều kiện cho đời sống con người được hình thành một cách toàn diện. Đàng khác, kinh nghiệm lịch sử cho thấy một cách khá chính xác rằng, nó cũng thƣờng dẫn đến tình trạng như câu ngạn ngữ xưa: summum ius, summa iniuria [công lý lớn nhất, lại là bất công lớn nhất]”.
Thực ra, ý niệm về “văn minh tình yêu” đã được nói đến từ thời Đức Phaolô VI. Ý tưởng đó được tiếp nối qua Đức Gioan Phaolô II, rồi Đức Bênêđictô XVI qua Thông điệp Deus caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu, 2005) và Caritas in veritate (Tình yêu trong chân lý, 2009), trong đó tình yêu được coi như là điểm xuất phát, là con đường và là nguyên lý của giáo huấn xã hội của Giáo hội. Tình yêu là nguyên lý chuẩn mực không chỉ cho các mối tương quan vi mô (bạn bè, gia đình, nhóm đội) nhưng còn cho cả các mối liên hệ vĩ mô nữa (xã hội, kinh tế, chính trị).
Nói như vậy không có nghĩa là lấy tình yêu thay thế công bằng. Công bằng là mức độ tối thiểu của tình yêu, còn tình yêu thì hướng tới mức độ đầy tràn, tối đa. Cuộc sống mỗi người không phải là món nợ trả vay mà là quà tặng tình yêu, vượt lên trên những nghĩa vụ pháp lý, vì được đón nhận cách nhưng không và cần được trao tặng cách nhưng không.
Nguyên lý tình yêu này đòi hỏi sự đoạn tuyệt với tất cả những gì đi ngược lại với lòng thương xót, như các hình thức giết người (sát thương, tự tử, giam giữ trái phép, nô lệ, diệt chủng, tra tấn, bất công tàn bạo, ma túy…), chiến tranh, khủng bố, buôn bán vũ khí, tham nhũng, bất công, nô lệ… Điều này cho thấy khía cạnh chính trị của lòng thương xót. Tình yêu và lòng thương xót không chỉ là lời khuyên đạo đức, nhưng còn phải là nguyên lý cho các cơ cấu xã hội và hệ thống chính trị nữa.
4. Lòng thương xót như là nguồn lực văn minh
Tình yêu và lòng thương xót chính là nguồn lực để truyền cảm hứng và thúc đẩy. Công đồng Vaticanô II gọi đó là “ánh sáng và động lực” (MV 42f). Tình yêu đức ái (caritas) luôn chứng tỏ vị trí của mình ngay cả trong xã hội văn minh hôm nay. Chẳng có xã hội nào công bằng đến độ không cần đến sự phục vụ của tình yêu. Gạt bỏ tình yêu cũng có nghĩa là loại bỏ con người, những con người cụ thể cần yêu và được yêu, những con người với những vấn đề rất người như đau khổ, cô đơn, bất công, nghèo đói, thất vọng… rất cần được an ủi, xoa dịu, chữa lành, sẻ chia, nâng đỡ, bảo vệ[5]…Thế giới đang bị tổn thương và chỉ có lòng thương xót mới có thể chữa lành. Vẫn còn đó những hình thức nghèo khổ, nhiều nhiệm chính về những vấn đề ấy.
Dĩ nhiên, sẽ hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng những vấn đề kinh tế và xã hội chỉ liên quan đến kỹ thuật và thực nghiệm mà thôi… Những vấn đề này liên quan đến mọi người cũng như những cơ cấu văn hóa nhân sinh, sự hiện hữu của cộng đồng và trong nhiều trường hợp cả sự sống còn của nhân loại nữa. Lương thực thì tuyệt đối cần thiết cho sự sống nhưng con người sống không nguyên bởi bánh mà thôi. Nhân cách con người thì quan trọng hơn của ăn. Chúng ta cần đến sự chăm sóc của con người và chúng ta bị lệ thuộc vào những người có liên hệ với mình ít nhất là vì lòng thương xót. Tình trạng kinh tế hóa lãnh vực xã hội đang thịnh hành hiện nay đang tạo nên một sự giảm thiểu, thậm chí là “cắt bỏ” nhân vị. Khi điều này xảy ra, xã hội đánh mất linh hồn khi mang một sắc thái mới. Lòng thương xót giúp khám phá, đồng hành, xoa dịu và nâng đỡ những niềm đau nỗi khổ ấy.
Không có lòng thương xót, người ta rất dễ đi đến chỗ vô tâm, dửng dưng, bàng quan và vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, nhất là khi những nỗi đau ấy đang bị che đậy hoặc núp bóng dưới những lớp sơn hào nhoáng. Người ta có thể quá hồ hởi với các thông tin như tổng sản lượng quốc gia, thu nhập bình quân đầu người… nhưng lại làm ngơ và không mảy may thương xót trước nỗi đau của những người tỵ nạn, di dân, công nhân, người thất nghiệp, người bệnh tật trầm trọng, người ly dị, tù nhân, nạn nhân chiến tranh… Không thương xót, thế giới sẽ giá băng vô hồn: “Một thế giới vắng bóng khoan dung sẽ chỉ còn là một thế giới giá lạnh với một nền công lý vô cảm của những kẻ sẽ nhân danh nó mà áp đặt quyền lợi của mình trên người khác. Những loại hình ích kỷ khác nhau sẽ đua chen cắm rễ làm biến dạng đời sống và rồi xã hội loài người sẽ biến thành một hệ thống áp bức mạnh được yếu thua, hoặc là một bãi chiến trường giữa các phe nhóm”[6].
5. Đức Maria, mẫu gương tuyệt vời của lòng thương xót
Trước hết, Mẹ đã thể hiện lòng thương xót qua việc sống hoàn hảo tư cách làm Hiền Mẫu của nhân loại: “Với lòng nhân ái của một người mẹ, Mẹ đã chăm sóc những người anh em của Con mình đang lữ hành trên đường dương thế và còn gặp bao hiểm nguy, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê Trời” (GH 63).
Trong suốt dọc dài lịch sử, Giáo hội đã học hỏi để chiêm ngưỡng nơi Mẹ không phải chỉ như là gương mẫu và chứng nhân của lòng thương xót mà còn như là thụ tạo đặc biệt của Lòng thương xót Chúa. Mẹ cũng được Chúa thƣơng xót và cứu chuộc như bao sinh linh khác, nhưng đặc biệt ở chỗ là Mẹ được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi ngay từ khi thành thai trong lòng thân mẫu. Giáo hội Đông phương vì thế đã kêu cầu Mẹ là Mẹ toàn thánh. Nơi Mẹ và trong suốt đời Mẹ, Lòng thương xót Chúa luôn ngập tràn nên tội lỗi không còn chỗ chen chân. Mẹ chính là dấu hiệu cho thấy Lòng thương xót Chúa lớn lao hơn tội lỗi.
Mẹ là tấm gương trong phản chiếu Lòng thương xót Chúa. Lòng thƣơng xót được hiện thực hóa một cách cụ thể nơi cuộc đời Mẹ, không chỉ là ý niệm nơi trí óc nhưng còn là cả tấm lòng xuất phát nơi một trái tim bén nhạy và cảm thương của một người Mẹ trìu mến dịu hiền.
Giữa muôn thụ tạo, Mẹ đã thấm nhuần Tin Mừng của Lòng thương xót Chúa một cách tinh ròng và tuyệt diệu nhất. Mẹ chính là dung mạo thụ tạo tinh khôi và sáng ngời nhất phản chiếu cho ta vẻ đẹp rạng rỡ của Lòng thương xót Chúa dành cho thế giới. Vì thế, Mẹ là khuôn mẫu tuyệt vời cho mỗi Kitô hữu, cho Giáo hội, trong việc kiến tạo và vun trồng nền văn hóa thương xót qua việc thấm nhập và chiếu tỏa vẻ đẹp thương xót trong cuộc sống thường ngày nơi gia đình, cộng đoàn, xã hội…
Hơn nữa, Mẹ còn là Đấng chuyển cầu đầy lòng thương xót cho Giáo hội và các tín hữu. Mẹ là “Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy”. Mẹ luôn chuyển “cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Mẹ là “Mẹ khoan thay, xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Mẹ mà Mẹ chẳng nhận lời”. Mẹ có lời chuyển cầu hữu hiệu không vị thánh nào sánh bằng, vì Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu Kitô, “Mẹ bảo toàn Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nơi trái tim mình trong mối tương quan mật thiết với Thánh Tử Giêsu”, “toàn bộ cuộc đời Mẹ được định hình bởi sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm” (Misericordiae vultus 25).
Mẹ quả thực đã mở ra cho chúng ta lối nẻo để xây đắp nền văn hóa thương xót: trở nên con người mới, con người hòa giải, con người được cứu độ, con người nhân ái khoan dung, con người trong sáng, dịu hiền, tốt lành, khiêm nhường, quảng đại, tỏa chiếu ra cho thế giới niềm vui và vẻ đẹp đến từ lòng thương xót thật lớn lao của Chúa.
Tin Mừng về Lòng thương xót Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô là món quà vĩ đại nhất, đẹp đẽ nhất mà chúng ta đƣợc mời gọi lãnh nhận và trao tặng cho thế giới.
Chúng ta được mời gọi thấm nhuần Lòng thương xót Chúa, thực thi và làm chứng cho lòng thương xót ấy trong thế giới này. Thế giới tăm tối và lạnh giá sẽ trở thành tươi sáng, ấm áp, dễ thương và đáng sống hơn nhờ ánh sáng của lòng thương xót. Lòng thương xót là phản chiếu của vinh quang Thiên Chúa trong thế giới và là tinh hoa của sứ điệp Tin Mừng. Đó là quà tặng đã được trao ban cho chúng ta và phải được chúng ta tiếp tục loan truyền cho khắp thế giới.
Dominic Trần Ngọc Đăng chuyển ngữ
ĐCV Bùi Chu, Ra Khơi số 15, tháng 11/2016, tr. 40-52.
[1] W. KASPER, Mercy: The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life, Paulist Press, NY 2013, 181-218. Đây là cuốn sách được Đức Thánh Cha Phanxicô khen ngợi là rất hữu ích cho ngài. Tiêu đề nhỏ do chúng tôi đặt thêm và đôi chỗ chúng tôi cũng bổ sung thêm ít tài liệu khác (ND).
[2] AUGUSTINE, City of God, IV,4.
[3] x. K. MARX, Das Kapital, 72f. [4] K. MARX, Kapital, 16ff.
[5] BENEDICTO XVI, Deus caritas est, số 16.
[6] GIOAN PHAOLÔ II, Dives in misericordiae, số 14.