Trung Lao: Niềm tin được khơi dậy từ hoả hoạn
Thứ năm - 04/01/2018 04:29
7677
Mỗi biến cố vui buồn trong cuộc đời, nếu được nhìn bằng con mắt đức tin, đều có giá trị. Nó như những cơ hội để khám phá ra thánh ý Chúa và rút ra các bài học quan trọng như Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận đã từng viết: Thiên Chúa vẽ lên một đường thẳng từ những đường cong. Anh chị em giáo dân giáo xứ Trung Lao cũng không phải là một ngoại lệ. Quả vậy, nhiều người lo sợ rằng sự cố nhà thờ gặp hoả hoạn cách đây hơn 05 tháng có thể làm suy sụp tinh thần, đặc biệt là đời sống đức tin của anh chị em nơi đây. Họ tự hỏi nếu có Thiên Chúa và Thiên Chúa yêu thương sao lại để sự kiện bi thảm này xảy ra làm đau lòng đoàn chiên? Có phải Thiên Chúa không còn hiện hữu, hay không còn yêu thương, muốn bỏ mặc con cái bơ vơ? Chúa làm như thế phải chăng đã đặt ra thử thách quá lớn vượt sức con người? Tuy nhiên, thực tế lại hoàn khác: Thay vì suy sụp tinh thần, đức tin chao đảo, đức tin của mọi người lại được khơi dậy và nhiều bài học được rút ra.
Đó là bài học về sự tương đối. Trước sự cố nhà thờ gặp hoả hoạn, nhiều người tin rằng nhà thờ cổ kính đã trên trăm năm, được làm bằng gỗ quý, chắn chắn sẽ bền vững, không có chuyện tạm thời, nay thay mai đổi. Nhà thờ như thế có thể tồn tại nhiều trăm năm, hết đời mình, đến đời con cháu, và thậm chí đến đời chút chít, nhà thờ vẫn sừng sững như bằng chứng lịch sử đức tin của giáo xứ. Ấy thế mà chỉ một đêm, nó không còn tồn tại, đúng như có lần Chúa Giêsu trong Tin mừng tiên báo về Giêrusalem sẽ sụp đổ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Chẳng có công trình nào của con người là vĩnh cửu, là bền vững, chỉ có Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài mới là mãi mãi. Đó là bài học về sự trau dồi đức tin và sự trưởng thành thiêng liêng. Thật thế, việc nhà thờ bị cháy chắc chắn làm cho đoàn chiên Trung Lao đau lòng, song khao khát có một thánh đường mới mang tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đã bùng lên. Vấn đề lấy đâu ra kinh phí để xây, lấy đâu ra nhân lực, liệu kĩ thuật và mỹ thuật xây nhà thờ mới có được như trước? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra chưa có lời giải đáp, nhưng mà anh chị giáo dân nơi đây phải làm là cầu nguyện và phó thác. Chính việc siêng năng cầu nguyện, tập tin tưởng lẫn nhau, và phó thác cho Thiên Chúa mà đức tin dần trưởng thành hơn và đời sống thiêng liêng cũng được củng cố. Đó là bài học xây dựng tình đoàn kết hiệp nhất trong cộng đoàn. Khi nhà thờ còn vững trãi, ít người nghĩ mình phải liên đời, hiệp nhất, cộng tác vì mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, mọi hoạt động của giáo xứ vẫn suôn sẻ... Khi sự cố xảy ra, mọi người thấy cần xích lại gần nhau hơn, phải chung tay làm lại, làm mới đẹp hơn. Được nghe chia sẻ, những ngày đầu bàn bạc việc tái thiết thánh đường, giáo xứ gặp nhiều sóng gió: nhiều người nhiều ý kiến. Người cho rằng giáo xứ phải tái thiết môt thánh đường y như thánh đường cũ trên nền cũ, người thì cho rằng giáo xứ cần xây một thánh đường mới rộng hơn, cao hơn, mang dáng dấp của thánh đường bị cháy... Thế là không tránh khỏi những bất đồng. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa sau một thời gian, sự hiệp nhất yêu thương đã được tái lập, tiếng nói chung đã được cất lên và mọi sự đã được sẵn sàng cho việc tái thiết thánh đường. Công việc đã bắt đầu, nhà thờ tạm đã xong, hai lán trại đã ổn, mặt bằng đã sẵn sàng...
Đó là bài học về sự sẻ chia liên đới từ nhiều thành phần dân Chúa rộng khắp giáo hội. Nhiều anh chị em giáo dân Trung Lao đi làm xa đã gửi lời chia buồn, góp tiền tái thiết thánh đường. Không ít anh chị em già trẻ lớn bé từ khắp nơi, thậm chí nhiều người sống tại nước ngoài cũng quan tâm đến Trung Lao. Sự quan tâm không những được thể hiện qua những lời chia sẻ cảm thông mà còn được thể hiện bằng những hành động cụ thể: góp tiền gửi về cho giáo xứ. Chính Đức cha giáo phận cũng bày tỏ sự quan tâm vừa bằng những lời động viên vừa vật chất để động viên khích lệ giáo xứ an tâm tái thiết thánh đường. Biến cố nhà thờ cháy Trung Lao đã để lại quá nhiều mất mát cho giáo xứ, nhưng không ít điều tốt đẹp và bài học hay có thể được rút ra như: đức tin được khơi dậy, bài học về sự tương đối, bài học về sự hiệp thông liên đới, sự cộng tác tái thiết, sự trưởng thành về đức tin và đời sống thiêng liêng, về sự cảm thông và chia sẻ... Tất cả những điều ấy không mang tính lý thuyết, nhưng được cụ thể bằng những việc làm. Giáo xứ đã có lễ Giáng sinh an bình, một tuần chầu thánh thiện, và ngày quan thầy Mẹ Thiên Chúa đầy ý nghĩa. Hy vọng những gì tốt đẹp ấy tiếp tục được lớn lên qua việc mọi thành phần dân Chúa đoàn kết chung tay sớm khởi công tái thiết thánh đường theo thánh ý Chúa.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh