Ngắm đứng, di sản quý của Giáo hội Việt Nam
Thứ sáu - 18/04/2025 02:00
979
Trong đời sống phụng vụ của Giáo hội Công giáo, cuộc thương khó của Chúa Giêsu được tưởng niệm cách trang trọng vào Chúa Nhật Lễ Lá – ngày khai mạc Tuần Thánh – và cách đặc biệt trong nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, khi toàn thể cộng đoàn tín hữu ở phần đầu cùng lắng nghe bài Thương Khó trong Tin Mừng theo thánh Gioan và ở phần tiếp theo suy tôn Thánh Giá Chúa Kitô. Bên cạnh đó, truyền thống đạo đức bình dân còn có các hình thức sùng kính đặc biệt như việc đi Đàng Thánh Giá – một việc đạo đức phổ biến diễn ra vào các buổi chiều Thứ Sáu, đặc biệt là Thứ Sáu Tuần Thánh, được tổ chức tại các nhà thờ, hay như ở Roma thì Đức Thánh Cha chủ sự tại hí trường Colosseum cùng với các bài suy niệm được ngài trao cho cá nhân hay hội đoàn cụ thể nào đó soạn thảo, hoặc tại Tổng Giáo phận Paris thì diễn ra ngay tại những nơi công cộng như đường phố.

Tuy nhiên, riêng tại Việt Nam – đặc biệt là ở miền Bắc – có một hình thức đạo đức đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa và lòng đạo sâu sắc của người dân: ngắm đứng 15 sự thương khó Đức Giêsu. Đây không chỉ là một hình thức suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa, mà còn là di sản đức tin sống động, thể hiện sự giao thoa độc đáo giữa phụng vụ Kitô giáo với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Ngắm đứng giúp suy niệm và sám hối
Ngắm đứng thường được cử hành vào các buổi tối trong suốt mùa Chay, cao điểm là vào Tuần Thánh. Nghi thức này bao gồm 15 “ngắm” – tức là các bài suy niệm ngắn gắn liền với từng giai đoạn trong cuộc thương khó của Đức Giêsu, từ lúc Người cầu nguyện trong vườn Giếtsimani cho đến khi được mai táng trong mồ.

Điều đặc biệt của ngắm đứng là hình thức ngâm nga với cung giọng đặc trưng, giàu cảm xúc, làm rung động tâm hồn người nghe. Người đọc ngắm thường đứng trước cây thánh giá lớn bằng gỗ với tượng Chúa chịu đóng đinh, mang lại một khung cảnh thiêng liêng sâu sắc, dẫn dắt cộng đoàn bước vào chiều sâu của cuộc khổ nạn của Đức Kitô.
Khi tham dự ngắm đứng, người tín hữu không chỉ nghe và suy gẫm, mà còn được mời gọi sám hối và lãnh nhận bí tích hòa giải. Đây là thời điểm thuận tiện để các linh mục ngồi tòa giải tội trong suốt thời gian ngắm, giúp nhiều người trở về với Chúa một cách sâu sắc và ý nghĩa. Đặc biệt, có một số người chần chừ trong mùa Chay nên khi bước vào Tuần Thánh lúc đó với lo việc xưng tội và rước lễ thì đây là cơ hội rất thuận tiện cho họ có thể chuẩn bị tâm hồn cách tươm tất theo như lời khuyên dậy của Hội Thánh.
Giầu tính văn hóa Việt trong nghi thức
Ngắm đứng không hề đơn điệu hay khô cứng, trái lại rất sinh động và mang tính hội nhập cao với tâm thức người Việt. Mỗi ngắm có phần “đọc đoạn” mở đầu, nhằm mô tả khung cảnh của từng chặng trong cuộc thương khó, tiếp đến là phần ngắm chính với giọng ngâm có lúc bi thương, lúc thống thiết, lúc lại dịu dàng thiết tha. Điều này giúp người nghe dễ hòa mình vào tâm tình của từng biến cố.
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành phần như người đánh trống ngắm, rước đèn, gõ mõ, chiêng, thanh la, não bạt… tạo nên một không khí trang nghiêm nhưng cũng rất gần gũi, như một bản trường ca vang vọng tâm hồn tạo thành bầu khí thánh thiêng chung cho toàn thể cộng đoàn. Âm thanh ấy như đánh thức tâm hồn người nghe, làm sống dậy trong họ nỗi niềm thống hối và lòng yêu mến Chúa sâu xa.

Một phần đặc biệt khác là phần “dâng hạt”, do các phụ nữ hoặc thiếu nữ đảm nhiệm, với một cung điệu riêng biệt. Sau mỗi 5 ngắm, sẽ có một phần dâng hạt như lời tổng kết và suy tư lại những gì vừa được nghe và cảm nghiệm. Sự xen kẽ này không chỉ giúp đổi không khí, tránh nhàm chán, mà còn làm nổi bật chiều sâu suy tư của nghi thức.
Tháo đanh – Táng xác – Hôn chân theo phong cách Việt
Bên cạnh phần ngắm, nghi thức “tháo đanh”, “táng xác” và “hôn chân Chúa” là những phần cao trào, gợi lại những tình tiết cảm động trong Kinh Thánh. Các nhân vật như Đức Mẹ Maria, Thánh Gioan, bà Maria Mađalêna được tái hiện qua lời than vãn, khóc lóc giống như trong đám tang người Việt, khiến nghi thức trở nên gần gũi, dễ đồng cảm với bản sắc văn hóa người Việt.

Phần cuối cùng – hôn chân Chúa – là lúc cộng đoàn được lên xếp hàng hôn chân tượng Chúa đã tháo từ thập giá xuống và được xức dầu thơm. Người tham dự còn được phát một nắm nổ gạo – một biểu tượng vừa mang tính truyền thống, vừa là ký ức đẹp của tuổi thơ Công giáo tại miền Bắc và ở bất kỳ nơi đâu có các tín hữu miền Bắc sinh sống và lập nghiệp.
Một nghi thức mang tính cộng đoàn cao
Điều đáng quý là ngắm đứng không chỉ là việc đạo đức cá nhân, mà là nỗ lực chung của cả cộng đoàn. Rất nhiều hội đoàn và cá nhân được huy động và cộng tác cách nhiệt thành: từ người đọc đoạn, lên ngắm, đánh trống, rước đèn, chuẩn bị đạo cụ, cho đến người hướng dẫn trật tự hay giữ gìn thánh thiêng cho buổi cử hành. Công việc chuẩn bị được kéo dài suốt cả một tuần lễ trước đó để chỉ cho một buổi chiều tối của Thứ Sáu Tuần Thánh.

Mỗi vai trò, dù lớn hay nhỏ, đều góp phần tạo nên một buổi ngắm sốt sắng, cảm động, và đậm chất văn hóa Việt. Chính vì vậy, ngắm đứng không chỉ là một hình thức đạo đức, mà còn là một biểu tượng văn hóa đức tin, là nơi lưu giữ và truyền lại tinh thần đạo đức tổ tiên cho các thế hệ mai sau.
Gìn giữ và phát huy di sản quý giá
Nhận thấy giá trị to lớn của ngắm đứng, Giáo hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để duy trì và phát triển truyền thống này. Trong những năm gần đây, nhiều cuộc thi ngắm được tổ chức tại các giáo phận miền Bắc, dưới sự chủ tọa của các Đức Giám Mục, nhằm khơi dậy lòng nhiệt thành và khuyến khích các giáo xứ bảo tồn di sản quý báu này. Cách cụ thể, dưới sự đề xuất của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh khi đó là Giám mục Thanh Hóa, ngày 22/03/2013, tại Tòa Giám mục Thanh Hóa đã có cuộc giao lưu ngắm đứng lần đầu tiên giữa các giáo phận trong Giáo tỉnh Hà Nội, với sự hiện diện của quý Đấng Bậc của từng giáo phận. Điều này cũng nói lên sự quan tâm của các ngài trong việc bảo vệ di sản vô cùng quý giá.


Đặc biệt, Đức Cha Laurensô Chu Văn Minh của Tổng Giáo phận Hà Nội đã biên soạn và phổ nhạc cho các bài ngắm, giúp người trẻ dễ tiếp cận và học hỏi. Đây là sáng kiến rất thiết thực trong bối cảnh cụ thể nhằm tránh sự xao nhãng của giới trẻ ngày nay đối với những hình thức đạo đức truyền thống.
Cá nhân người viết xin mạo muội đề xuất: cần có sự hướng dẫn và kèm cặp thế hệ trẻ từ bây giờ, để các em có thể sớm làm quen với việc đọc đoạn, lên ngắm, đánh trống, rước đèn, chuẩn bị đạo cụ… Như vậy, không chỉ giúp duy trì truyền thống, mà còn tạo cơ hội để người trẻ cảm nghiệm được vẻ đẹp thiêng liêng và chiều sâu đức tin từ chính nền văn hóa đạo đức của các bậc Tiền Nhân mà chính mình là những người đang được thừa hưởng.