Sống khiêm tốn ắt phải chịu sỉ nhục
Thứ ba - 30/01/2018 10:17
1135
Chúng ta thấy điều ẩy nổi bật qua cuộc đời vua Đa-vít và Chúa Giê-su. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay, ngày 29.01.2018 tại nhà nguyện Marta.
Bối cảnh
Đa-vít là con người vĩ đại vì ông đã thắng quân Phi-li-tinh. Đa-vít cũng được ca ngợi vì là con người có tâm hồn cao quý vì hai lần ông có thể giết vua Sa-un, nhưng ông không làm điều ấy. Tuy nhiên Đa-vít cũng là một tội nhân tầm cỡ, vì ông ngoại tình với bà Bet-sa-ve, là vợ quan tể tướng U-ri-a. Sau đó, Đa-vít còn chủ mưu giết U-ri-a, bằng cách lấy quyền làm vua mà đẩy ông ấy vào chiến tuyến nguy hiểm nhất. Sau tất cả những điều ấy, Đa-vít được tôn kính như một vị thánh, bởi vì ông đã ăn năn sám hối vì tội lỗi của mình. Bởi vì ông nhìn nhận tội lỗi của mình và cầu xin Thiên Chúa thứ tha. Ông thừa nhận: tôi là kẻ tội lỗi (x. 2Sm 12,13). Trong bài đọc hôm nay, người con của Đa-vít là Áp-sa-lôm đã tạo cuộc cách mạng làm phản Đa-vít. Dân chúng chạy theo Áp-sa-lôm. Trong hoàn cảnh ấy, Đa-vít không nghĩ đến thể diện của mình. Ông không giao chiến. Ông nghĩ tới người dân, tới đền thờ, tới hòm bia giao ước. Vì thế, ông quyết định chạy trốn. Một cử chỉ có vẻ hèn nhát, nhưng kỳ thực là can đảm. Ông Đa-vít khóc lóc, ăn năn bước đi.
Bị sỉ nhục để tỏ lòng sám hối
Đa-vít vĩ đại không chỉ bị hạ gục nhưng còn bị sỉ nhục. Khi đang chạy trốn, một người đàn ông tên là Sim-y ra sức sỉ nhục vua mà rằng: “Chúa đã đổ trên đầu ngươi tất cả máu của nhà Sa-un, người mà ngươi tiếm vị. Thiên Chúa đã trao vương quốc vào tay Áp-sa-lôm con ngươi. Này là tai họa hành hạ ngươi vì ngươi là tên khát máu” (2 Sm 16,8).
Trước tình huống đó, cận vệ của vua Đa-vít muốn giết kẻ đang ra sức sỉ nhục vua Đa-vít. Nhưng Đa-vít cho phép anh ta tiếp tục sỉ nhục mình. Đa-vít đáp lại rằng: “Hãy để cho nó nguyền rủa ta theo lệnh Chúa. Biết đâu Chúa sẽ đoái nhìn đến nỗi khổ cực của ta, và biết đâu Đức Chúa sẽ đổi lời chúc dữ thành lời chúc phúc cho ta” (2 Sm 2,11-12).
Đa-vít trèo lên cây Ô-liu đây là hình ảnh tiên trưng cho hình ảnh Chúa Giê-su trèo lên đồi Can-va-ri-ô để hiến dâng mạng sống, để chịu sự xúc phạm, để bị gạt bỏ. Trong bối cảnh này, cách hành xử của Vua Đa-vít là hình ảnh tiên trưng của Chúa Giê-su.
Khiêm tốn giả tạo và khiêm tốn thật
Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng khiêm tốn là ra đi trong lặng lẽ, có lẽ là đi cúi xuống và mắt nhìn xuống sàn nhà. Nhưng những con heo cũng làm như thế. Như thế không phải là khiêm tốn. Bởi vì làm như thế là khiêm tốn giả tạo.
Thật là tốt để chúng ta nghĩ về điều này: chẳng có sự khiêm tốn chân thực nếu không chịu đựng bị sỉ nhục. Khiêm tốn chân thực thì cho đi tất cả và không ra sức bao biện này nọ. Nếu không thể chịu đựng bị sỉ nhục thì có chăng bạn chỉ giả vờ khiêm tốn mà thôi. Đa-vít trở thành thánh nhân vì biết sám hối tội lỗi của mình. Và khi sám hối, ông sẵn sàng chịu đựng bị sỉ nhục. Chúa Giê-su là Thiên Chúa, là Đấng thánh. Người mang lấy tội lỗi chúng ta. Và khi ấy, Người cũng phải chịu đựng bị sỉ nhục.
Cám dỗ chạy trốn bị sỉ nhục
Luôn có cám dỗ chống lại những gì vu khống chúng ta, chống lại những kẻ nhục mạ chúng ta, chống lại những gì làm cho chúng ta nhục nhã, xấu hổ. Trong thực tế, Đa-vít đã nói không với cám dỗ ấy. Chúa Giê-su đã nói không với cám dỗ ấy. Các Ngài đón lấy con đường bị sỉ nhục. Từ chỗ bị sỉ nhục, Đa-vít đã nhìn ra hy vọng mà rằng: Có lẽ Chúa sẽ thấy nỗi khổ tâm của tôi mà chuyển lời chúc dữ thành chúc phúc. Không hề có sự khiêm tốn bằng cách cố gắng bao biện làm ra vẻ mình tốt. Nếu bạn không thể chịu đựng bị sỉ nhục thì bạn không thể sống khiêm tốn. Đâng là quy tắc vàng.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn khiêm tốn, cùng với ơn chịu đựng bị sỉ nhục. Có nữ tu nói “con muốn khiêm tốn, nhưng chịu bị sỉ nhục à không đời nào”. Không! Không, không thể có sự khiêm tốn nếu không biết chịu đựng sự bị sỉ nhục. Chúng ta hãy can đảm xin ơn chịu bị sỉ nhục. Chúng ta hãy can đảm theo gương thánh I-nha-xi-ô để xin ơn chịu đựng bị sỉ nhục cùng với Chúa Giê-su bị sỉ nhục, để ngày càng nên giống Chúa hơn.
Tiểu Bôi biên tập theo đài Vatican
Nguồn tin: www.youtube.com