ĐTC: Nên thánh qua bách hại vì sống công chính
Thứ năm - 26/04/2018 06:45
1458
Vui tươi hớn hở khi chịu thử thách bách hại là một ân sủng Chúa ban. Vì khi chịu được như thế, chúng ta sẽ vui luôn. Khi đó, không còn hoàn cảnh nào có thể lấy mất niềm vui và bình an của chúng ta được nữa. 1,2
“Phúc thay người bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”
90. Chính Đức Giê-su cảnh báo chúng ta rằng con đường Người đưa ra đi ngược dòng, thậm chí con đường chúng ta sống làm cho chúng ta thách thức xã hội, kết cục trở nên một sự phiền toái. Người nhắc cho chúng ta thấy rằng có biết bao người đã và vẫn còn bị bách hại như thế đơn giản chỉ vì họ đấu tranh cho công lý, vì họ dâng hiến thực sự đời mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Trừ khi chúng ta muốn chìm sâu trong một sự tầm thường lập lờ, thì chúng ta đừng mong một cuộc sống dễ dàng, bởi “bất cứ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất” (Mt 16,25).
91. Trong việc sống Tin Mừng, chúng ta không thể chờ đợi mọi thứ sẽ thoải mái, vì cơn khát quyền lực và hưởng thụ trần thế thường nằm ngay trong lối đi của chúng ta. Thánh Gio-an Phao-lô II đã ghi nhận rằng: “Một xã hội bị tha hóa nếu các thể thức tổ chức, sản phẩm và việc tiêu thụ xã hội làm cho khó thực hiện sự hiến thân và thiết lập một sự liên đới giữa con người với nhau” (Encyclical Letter Centesimus Annus, 1 May 1991, 41c). Trong hoàn cảnh này, một xã hội mà chính trị, truyền thông đại chúng và các tổ chức kính tế, văn hóa và thậm chí tôn giáo trở thành vướng mắc, gây nên trở ngại cho việc phát triển xã hội và con người thực sự. Kết quả là, Các Mối Phúc không dễ để thực hiện; mọi cố gắng để thực hành các Mối Phúc sẽ được nhìn một cách tiêu cực, được soi xét với sự nghi ngờ, và gặp phải sự nhạo báng.
92. Bất cứ điều gì phiền lòng và đau đớn mà chúng ta có thể cảm nghiệm trong khi sống điều răn yêu thương và theo đường lối công chính, thập giá vẫn luôn là nguồn sức mạnh cho sự trưởng thành và nên thánh của chúng ta. Chúng ta phải không được quên rằng khi Tân Ước nói chúng ta sẽ phải chịu đựng đau khổ vì Tin Mừng, thì Kinh Thánh nói cách rõ ràng về sự bách hại (x. Cv 5,41; Pl 1,29; Cl 1,24; Tm 1,12; 1Pr 2,20. 4,14-16; Kh 2,20).
93. Ở đây chúng ta đang nói về sự bách hại không thể tránh được, chứ không phải loại bách hại mà chúng ta có thể gặp phải do cách đối xử không đúng của chúng ta mà người khác mang lại. Các thánh không phải là người kỳ quặc và sống cách biệt, không thể chịu đựng bởi vì sự rỗng tuếch, tiêu cực và oán giận của mình. Những Tông Đồ của Đức Ki-tô không giống như thế. Sách Công Vụ Tông Đồ nói đi nói lại rằng các ngài được hứng thú thiện cảm “với toàn dân” (2,47; x. 4,21.33; 5,13), ngay khi một số nhà cầm quyền đã làm phiền và bách hại các ngài (x. 4,1-3.5,17-18).
94. Những bách hại không phải là một thực tại của quá khứ, vì ngày nay chúng ta cũng kinh nghiệm bách hại, hoặc đến độ đổ máu như trường hợp mà các vị chứng nhân tử đạo thời nay, hoặc do những cách thức tinh vi hơn, bằng sự vu khống và lừa dối. Đức Giê-su nói rằng chúng ta được chúc phúc khi người ta “nói đủ mọi điều xấu xa vì danh Thầy” (Mt 5,11). Nơi khác, sự bách hại có thể ở dạng chế giễu để cố gắng châm biến đức tin của chúng ta và làm cho chúng ta bị nhạo báng.
Chấp nhận hằng ngày con đường của Tin mừng, dù có thể làm chúng ta gặp những vấn đề khó khăn: Đó là sự thánh thiện.
(ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et Exsultate, 2018, số 90-94)
Tiểu Bôi chuyển ngữ