Lễ Chúa Chiên Lành cùng suy nghĩ về câu nói: “ở đâu có tu sĩ thì có niềm vui” của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đức Thánh Cha Phanxicô là một Giáo Hoàng luôn nở nụ cười thân thiện và dễ gần. Sự gần gũi của Ngài làm cho mọi người cảm nhận rõ tình thương của một người cha với con cái. Với vai trò nâng đỡ và củng cố niềm tin cho Giáo hội, cách riêng cho giới tu trì, Ngài đã gửi một Tông thư cho các tu sĩ trên toàn thế giới trong Năm đời sống Thánh hiến. Trong Tông thư, Ngài nhấn mạnh: “Ở đâu có tu sĩ thì có niềm vui”. Niềm vui ở đây là gì? Tại sao có tu sĩ lại có niềm vui? Người viết xin có một vài ý kiến cùng bàn luận về lời nhận định của Đức Thánh Cha.
Đọc Tông thư, chúng ta nhận thấy nó vừa là lời giáo huấn chia sẻ thân tình như một người tận hiến giống các tu sĩ. Chính vì thế mà Ngài mới có thể rút ra: “Ở đâu có tu sĩ thì có niềm vui”. Vậy tu sĩ là ai? Tu sĩ là những Kitô hữa, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, bước theo sát Đức Kitô qua việc tự nguyện khấn giữ ba lời khuyên Phúc âm (Từ điển Công giáo, trang 943). Niềm vui là sự vắng mặt của đau khổ ( Epicurs) và niềm vui riêng trong tâm trí của mình, là sự tự do từ nỗi đau trong cơ thể và tự do từ tình trạng hỗn loạn trong tâm hồn. Hiểu như vậy, ta thấy rằng niềm vui của tu sĩ là niềm vui được trở nên giống Đức Kitô, sống kiếp nô lệ giống con người, hầu giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và ban ơn tái sinh, được tự do và sống đời đời.
Không vui sao được khi từ hư vô Chúa gọi làm người. Không vui sao được khi thân phận con người Chúa gọi đi theo Ngài và làm chứng cho Ngài: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). Đức cố Giám mục Đaminh Hồ Ngọc Cẩn nói: “Ơn sống trong nhà Dòng trọng lắm! Chỉ sau ơn được chịu phép Rửa tội thôi”. Ôi! Không vui sao được khi Chúa dành sẵn món quà để trao vào tay ta một cách nhưng không dù ta bất xứng. Niềm vui vì được Chúa yêu thương vô cùng, được tình Chúa lấp đầy trái tim và cuộc sống.
Tu sĩ chan chứa niềm vui khi sống trong một gia đình yêu thương rộng lớn và được sống một cuộc sống có ý nghĩa trọn vẹn. Khi bước vào cộng đoàn, chúng ta bối rối, xao xuyến đúng như tâm trạng Mẹ Maria xưa lúc sứ thần truyền tin. Bao câu hỏi đặt ra. Ta có đủ khả năng, đủ kiên trì để đi đến cùng không? Ta có buồn trên con đường theo sát Đức Kitô không? Nhưng rồi lời chào của sứ thần Gabriel dành cho Đức Maria đã tác động mạnh mẽ trong ta: “Mừng vui lên” (x.Lc 1,28). Niềm vui đó động viên ta, giúp ta mạnh mẽ đáp lại ý Chúa để rồi tin Chúa dẫn ta đến đích điểm hân hoan: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông” (Is 35,1). Niềm vui đó ta lãnh nhận nhưng không và dồi dào qua từng trang Tin Mừng. Niềm vui của Gioan khi nhận ơn cứu độ từ cuộc viếng thăm của Mẹ Maria. Niềm vui qua kinh Magnìicat, khi Đức maria cất lên: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”. Niềm vui được hiện hữu nơi cộng đoàn, được yêu thương đến cùng (x.Ga 13,1).
Chính nhờ có niềm vui ta thấy thanh thoát, tự do, liên đới và chia sẻ. Trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy khi chia sẻ là ta có niềm vui. Các môn đệ đi đến đâu “ ở đó, người ta rất vui mừng” (x.Cv 8,8); ngay cả giữa cơn bách hại, họ vẫn “ngập tràn niềm vui” (Cv 5,19). Những trang Tin Mừng là bảo chứng bảo đảm cho ta sống trọn vẹn niềm vui khi trao ban cho tha nhân và cộng đoàn. Chúng ta hiểu được nỗi ưu phiền của những mảnh đời đau khổ, tuy nhiên chúng ta cũng phải biết để cho niềm vui của Đức tin từ từ làm sống lại một lòng trông cậy âm thầm nhưng kiên vững, ngay cả những thử thách nặng nề.
Với lời giáo huấn của Đức Phanxicô có nghĩa là tu sĩ hiện diện ở đâu, niềm vui có mặt ở đó. Nhưng niềm vui nào? Có phải những lời chúc mừng, những lẵng hoa, những gói quà tu sĩ nhận lãnh trong ngày khấn? Không phải vậy. Ai đã từng cảm nhận nụ cười của bệnh nhân nghèo tại bệnh viện trao tặng khi đón nhận bát cháo từ thiện thì cảm nhận niềm vui của tu sĩ khi một tội nhân sám hối ăn năn. Đó là niềm vui không sở hữu nhưng có tất cả. Thứ niềm vui ứa nước mắt và ấm lòng vì trái tim đang rung nhịp điệu Giêsu để xoa dịu nỗi đau.
Tuy nhiên, giưa một thế giới đang ngủ mê vẫn có những tu sĩ đang làm cho niềm vui “nhạt” đi. Nếu trước kia, các tu sĩ phó thác mọi sự cho Chúa trong tay bề trên, luôn coi ý bề trên là ý Chúa. Sống thật thà ngay lành, họ luôn ý thức căn tính của mình sẽ là tu sĩ hay linh mục, đồng thời cũng chuẩn bị xứng đáng với những danh hiệu, nhiệm vụ trong tương lai. Thì, ngày nay có những tu sĩ không còn được như vậy, dẫu vẫn còn những yếu tố đó. Ngày nay, mặt bằng tri thức có thể hơn hẳn trước kia, sự hiểu biết sâu rộng nhờ các phương tiện làm các tu sĩ nắm bắt ưu thế kinh tế trong những đổi thay của xã hội như khoa học…, nhưng về chiều sâu đạo đức không còn được ưu tiên. Những vụ ấu dâm, lạm dụng tình dục đã làm Giáo hội đau đớn. Mới đây một quan chức cấp cao của Tòa Thánh là linh mục Krzystof Charamsa đã công khai đồng tính. Vui làm sao khi Giáo hội phải cắt bỏ chi thể của mình. Những đau khổ đó đang trở thành thách đố đòi hỏi tu sĩ canh tân.
Trên thực tế, nhiều cộng đoàn dòng tu vẫn đang đau khổ vì sự khác biệt văn hóa, tôn giáo, chính trị. Nhiều cơ sở bị đập phá, chiếm dugj. Nhiều tu sĩ bị cầm tù, thậm chí bị giết hại như trường hợp Cha Jacques Hamel. Những lo âu, sợ hãi của các nữ tu Ấn Độ vẫn còn đó. Họ có thể bị tấn công tình dục bất cứ khi nào bước chân ra khỏi nhà. Nỗi đau khổ đó được diễn tả trong Thánh Vịnh:
“Mắt hoen mờ vì quá khổ đau
Thêm suy nhược bởi quân thù vây hãm”
(Tv 6,8).
Vẫn còn đó những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương nơi các dòng tu. Có nhiều tu sĩ rời bỏ các dòng tu và số lượng ngày càng tăng. Nơi các tu sĩ đặt chân không được đón nhận. Tất cả đang làm Giáo hội rên la như bà mẹ sắp sinh con. Vẫn còn đó khoảng cách văn hóa, các tu sĩ chưa dám bước ra khỏi biên cương. Đó cũng là trăn trở của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Dù vậy, chúng ta tràn ngập niềm hi vọng với lời hứa của Chúa Giêsu: “Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian dẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Như vậy, những đau khổ đó khi được quy chiếu về thập giá Chúa Kitô thì nỗi buồn trở thành niềm vui. Giáo hội cũng như cây nho cần cắt tỉa để hoa trái dồi dào. Cũng như trấu làm cho thau sạch thì những đau khổ cũng thanh tẩy tu sĩ trở nên vui mừng. Những đau khổ không thể che lấp niềm vui nơi các dòng tu. Ngày nay, nhiều cuộc tử đạo trắng đang giúp các cuộc dấn thân tìm thấy hạnh phúc. Họ hạnh phúc vì được Tin Mừng nuôi dưỡng, biết dùng Tin Mừng là qui luật đối thượng là kim chỉ nam (manual) cho mọi định hướng và chọn lựa. Họ say mê Đức Kitô và đăth Ngài là tình yêu thư nhất và duy nhất. Họ cũng nhận ra tha nhân chính là hiện thân của Đức Kitô. Nhờ đó họ dấn thân vào những hi sinh thường ngày một cách hăng say và nhận ra: “Hạt lúa mì rơi xuống đất phải thối đi, thì nó mới sinh nhiều bông hạt” (x.Ga 20,24).
Như vậy Tông thư của Đức Thánh Cha như một luồng gió mát cổ vũ, động viên các ơn gọi thánh hiến. Giữa một thế giới đang đổi mới và tục hóa, tu sĩ càng dấn thân với say mê Tin Mừng, họ càng tìm thấy niềm vui. Hy vọng Tông thư trở nên sinh lực và sức mạnh cho các tu sĩ để chúng ta “đánh thức thế giới đang bị ru ngủ”.
Tác giả: Giuse Lương Ân Thắng