Covid-19: Mất mát quá lớn cho nhân loại
Chủ nhật - 05/04/2020 00:18
3431
Kể từ khi đại dịch Covid-19 được công bố chính thức cho toàn thế giới đến nay được hơn 03 tháng. Có thể nói đại dịch này đã lấy đi của nhân loại quá nhiều thứ. Nói cách khác, trong thời đại dịch này, nhân loại phải chịu tổn thất quá lớn.
Tổn thất đầu tiên chúng ta phải kể đến là sự tổn thất về nhân mạng. Thật thế, chỉ mới hơn ba tháng đại dịch được công bố, tính đến 07h ngày 05/04/2020, thế giới đã có 1.199.583 bệnh nhân nhiễm Covid-19, 64.662 người đã tử vong, và chỉ có 246.174 bệnh nhân phục hồi. Trước khi chết, những bệnh nhân Covie-19 phải đau đớn khá nhiều: phổi bị ăn hết, thân xác đau đớn, khó thở mỗi lúc một tăng, và đến một lúc nào đó sẽ tắt thở. Do đó, nếu người bị nhiễm coronavirus nặng không được trợ thở kịp thời bằng máy trợ thở, sẽ ra đi rất nhanh.
Tổn hại thứ hai phải kể đến là tổn hại về tinh thần. Khi bị nhiễm coronavirus, người ta vô cùng hoang mang lo sợ. Không những người bị nhiễm lo âu sợ hãi không thể vượt qua căn bệnh, không thể được chữa lành để trở về với cuộc sống bình thường, mà cả những người thân cũng lo lắng như thế. Hơn thế nữa, không chỉ lo lắng cho người bệnh mà cả những người nhà của bệnh nhân cũng lo âu sợ hãi vì mình có thể bị lây nhiễm, rồi chính mình lại có thể là nguyên nhân lây nhiễm cho người khác. Chẳng những người trong nhà lo lắng mà cả xã hội cũng lo lắng bởi căn bệnh này lây lan quá nhanh do tiếp xúc hoặc đụng chạm vào những đồ dùng hoặc nơi chốn người bệnh sống và sinh hoạt. Vì thế, mới có bệnh nhân Fo, F1, F2, F3..., tức là lây nhiễm chéo trong cộng đồng...
Sự tổn thất về tinh thần không chỉ ở chỗ mọi người lo lắng về mạng sống của mình bị đe doạ do virus corona mà còn vì các hoạt động tinh thần và tôn giáo cộng đồng đều phải tạm ngưng. Dân chúng không được đến những nơi giải trí, quán ăn, thể thao... Những nhu cầu tâm linh, tôn giáo gần như cũng không được đáp ứng. Các tín hữu không được đến chùa triền, đền thờ, thánh thất... Thánh lễ và các giờ cầu nguyện chung là một nhu cầu tâm linh thiết yếu của các tín hữu Công giáo cũng phải ngừng lại. Các hoạt động trực tuyến vẫn được thực hiện, nhưng làm sao nó có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu tâm linh của họ? Là một linh mục, tôi dâng lễ mỗi ngày không có giáo dân tham dự, tôi vẫn thấy thiêu thiếu điều gì đó ấm áp, nồng nàn,...
Sự tổn thất trong các mối liên hệ cũng có thể được kể đến. Người ta vẫn nói xa mặt thì cách lòng. Trong thời đại dịch Covid-19, mọi người phải hạn chế tiếp xúc xã hội trực tiếp “face to face” mà chỉ nên tiếp xúc qua các phương tiện truyền thông: điện thoại, trang mạng xã hội... Không gặp nhau, không nghe được giọng nói thật, không quan sát được cử chỉ, nét mặt của nhau... làm sao hiểu hết được tâm tư, nguyện vọng của nhau... Một người mẹ làm sao hoàn toàn an tâm khi nghe con ở xa nói: Mẹ cứ an tâm con vẫn ổn, công việc của con tốt,... bởi khi gặp chuyện không lành mấy ai dám nói thật với mẹ để mẹ lo lắng. Vì thế, lâu ngày không gặp hoặc không thể gặp do hoàn cảnh cũng có thể là nguyên nhân làm tình cảm phôi phai, giảm thiểu, ít nồng thắm...
Một trong những tổn thất lớn lao mà ai ai cũng có thể thấy một cách dễ dàng là sự thiệt hại về kinh tế. Rất nhiều doanh nghiệp, ngành nghề phải ngưng hoạt động: dịch vụ, vận chuyển,... Những ngươi bán vé số làm sao có thể tiếp tục công việc? Không có công việc, làm sao có thu nhập, không có thu nhập, cuộc sống của họ sẽ ra sao? Các trường học phải đóng cửa, học sinh không tới trường, phải nghỉ hoặc phải học trực tuyến. Trường học đóng cửa, học sinh không đi học, các thầy cô, nhân viên làm việc trong các trường tư, làm gì có lương ổn định, các chủ đầu tư lấy đâu ra nguồn thu để duy trì trường học, làm sao giữ chân các thầy cô giỏi, những nhân viên tận tuỵ? Có thể nói tổn thất kinh tế thật lớn lao, khó có thể hồi phục trong một sớm một chiều, chưa kể không biết đến ngày nào đại dịch mới chấm dứt.
Đại dịch virus Vũ Hán đã, đang, và tiếp tục hoành hành trên thế giới, không biết bao giờ sẽ chấm dứt. Nó đã, đang và tiếp tục gây ra biết bao tổn thất cho nhân loại: tổn thất mạng sống, tổn thất tinh thần và tâm linh, tổn thất tình cảm, tổn thất kinh tế. Những tổn thất của nó gây ra thật khó gì có thể bù đáp. Ước mong cho đại dịch này mau chấm dứt, mọi người chung tay đẩy lui bằng bất cứ cách gì mình có thể. Hy vọng rằng Thiên Chúa là Chúa của lịch sử, là cội nguồn và cùng đích của sự sống sẽ can thiệp để đại dịch chấm dứt và nhân loại lại được sống trong bình an, người người liên đới, đoàn kết, yêu thương hầu thế giới này sẽ đẹp hơn, tươi hơn, và đáng sống hơn.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh