Thứ Ba sau Chúa Nhật II mùa Phục Sinh
(Cv 4, 32-37; Ga 3, 7b-15)
Sự sống đời sau
Từ ngàn xưa cho đến nay, con người luôn truy vấn về nguồn gốc và cùng đích của mình. Người vô thần cho rằng chết là dấu chấm hết cuộc đời. Người hữu thần lại tin rằng sau cái chết, họ bước sang một thế giới khác.
Phật giáo tin vào kiếp luân hồi nghĩa là sau khi chết con người chuyển từ kiếp này sang kiếp khác và đích cuối cùng là về Niết Bàn. Nho giáo quan niệm rằng tuy đời người có hạn, nhưng tu dưỡng học vấn đạo đức có thể khiến tinh thần trở nên vĩnh hằng bất tử. Theo giáo lý của đạo Bà-la-môn, chết là trở về với Brahman, tức là đại ngã của vũ trụ. Theo Ki-tô giáo, chết là một sự biến đổi, từ một cuộc sống giới hạn chuyển đến một cuộc sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hiểu rằng ai tin vào Con Người tức là Chúa Giêsu sẽ có sự sống vĩnh cửu.
Để có sự sống đời đời, trước tiên, con người phải được sinh ra bởi nước và Thánh Thần. Mỗi người được sinh ra từ lòng mẹ để làm ngươi và sinh ra lần hai qua bí tích Rửa Tội để làm con cái Chúa. Mọi kẻ sinh ra bởi Thánh Thần sẽ được Thánh Thần hướng dẫn. Họ cũng trở thành gió trong môi trường họ sống để người khác không hiểu được họ từ đâu đến và đi đâu, họ sống và hành xử như con cái Thiên Chúa, họ không sống theo tiêu chuẩn thế gian nên người thế gian không hiểu họ từ đâu đến và họ sẽ đi về với Thiên Chúa.
Để có sự sống đời đời, thứ đến con người phải trở nên giống như Đức Ki-tô bị giương cao lên khỏi mặt đất. Chúa Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” Để cứu độ nhân loại, Đức Giê-su đã chịu đau khổ, chịu đóng đinh và chết trên thập giá. Là những người theo Chúa, muốn được sự sống đời đời, chúng ta cũng đòi phải được “giương cao lên”, nghĩa là phải chấp nhận chết đi cho nết xấu, đam mê, ích kỷ hẹp hòi... Nói cách tổng quát hơn là mỗi tín hữu phải chết đi cho con người cũ, con người tội lỗi, yếu hèn và mặc lấy con người mới trong Đức Kitô, nghĩa là suy nghĩ, nói năng và hành động theo gương Đức Kitô.
Cuộc đời người Ki-tô hữu luôn hướng về tương lai là sự phục sinh hay Nước Trời và vì tương lai phục sinh mà chấp nhận đi vào con đường tự hủy. Định luật: “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24) là một lời kêu mời thiết thực cho những ai muốn được phục sinh với Đức Giê-su.
Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài là niềm hy vọng của chúng con. Xin cho chúng con chấp nhận được giương cao lên, là chấp nhận đóng đinh con người tội lỗi của mình vào thập giá Chúa, để sau khi chết đi cho tội lỗi, chúng con được trở nên con người mới. Xin cho chúng con cũng biết “giương cao lên” là vượt lên trên mọi sự thấp hèn xấu xa của thế gian, để sống cho Chúa và cho mọi người, ngõ hầu chúng con đạt tới sự sống vĩnh cửu với Chúa trên Nước Trời. Amen!