Thứ Ba Tuần III Phục Sinh
(Ga 6,30-35)
Có thể nói, nỗi lo cơm áo gạo tiền hay nói cách khác là lắng lo về “miếng ăn” là trăn trở lớn nhất của con người. Loài người qua mọi thời luôn phải lo lắng đến điều đó. Người ta lao đầu vào làm việc hy vọng có miếng ăn và để nuôi sống chính mình và những người thân. Con người có thể vì miếng ăn mà bán rẻ tất cả, thậm chí có những người bán rẻ cả nhân phẩm, lòng tự trọng hay nghiêm trọng hơn là bán rẻ cả linh hồn để đạt được điều đó.
Chúng ta dễ dàng gặp những hình ảnh lam lũ, làm việc vất vả của nhiều người vì cuộc sống mưu sinh. Có những người viện cớ vì công việc, kiếm sống mà bỏ cả thánh lễ, việc giữ đạo và chối từ cả Chúa. Không phải ngẫu nhiên điều ma quỷ cám dỗ Chúa đầu tiên trong hoang địa lại liên quan đến cái “bao tử”. Việc ăn uống là nhu cầu mang tính bản năng nhất của con người. Cuộc đời là tham lam, ham hố và cạnh tranh. Vì thế, người ta có thể tranh giành từng li, từng tí để sở hữu miếng cơm manh áo, điều này thậm chí đã đi vào tục ngữ ca dao Việt Nam “ghen vợ ghen chồng không bằng ghen ăn”.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã bị chính đồng bào của mình chất vấn vì miếng ăn “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông ? Ông sẽ làm gì đây ? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”. Họ thách thức Chúa vì miếng ăn, vì những gì bản năng nhất. Trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng định bắt Người làm vua cũng là vì nghĩ rằng họ sẽ được ăn uống no nê, “bao tử” của họ luôn được lấp đầy.
Chúa Giêsu đã cho họ tiến xa hơn khi vén mở về Bánh hằng sống là chính Ngài “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Ngài là thần lương đích thực nuôi dưỡng loài người ở muôn đời thuộc muôn thế hệ chứ con người không chỉ cần lương thực là cơm bánh mà thôi.
Người Kitô hữu luôn được mời gọi đến với Chúa qua Bí tích Thánh Thể để kín múc nguồn ân sủng là chính Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng là Tấm Bánh bẻ ra cho muôn người được cứu độ và được sống muôn đời. Amen.