Thứ Bảy tuần IV
Ga 14,7-14
Được gặp, được biết và được thấy Thiên Chúa luôn là khát vọng chính đáng của con người từ tạo thiên lập địa cho tới tận thế. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Philipphê rất chân thành, đơn sơ, khiêm tốn thưa với Chúa Giêsu: “ Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha như thế là chúng con mãn nguyện”. Câu trả lời của Chúa Giêsu dường như chẳng ăn nhập gì với câu hỏi, lại có vẻ như buồn phiền, trách móc: “ Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philiphê, anh không biết Thầy ư?” Cái “biết” mà Chúa Giêsu nói đến có phải là cái “thấy” mà Philipphê muốn xin?
Thực ra cái “biết” mà Chúa Giêsu nói tới không phải là cái biết của xác thịt, của lý tính nhưng là cái “biết” của tình yêu, cái “biết” của sự kết hợp nên một, trọn vẹn như Đức Maria: “ Tôi không biết đến người nam”. Đây là cái “biết” của Thánh Kinh, cái “biết” nhiệm màu diễn tả sự kết hợp thâm sâu, hoàn toàn đến độ: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”. Cuộc kết hợp chặt chẽ đến nỗi: “Ta và Cha Ta là một” và “Ta sống nhờ Cha”. Mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của Chúa Giêsu đều là của Cha và diễn tả chính Cha. Nên “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Các môn đệ chưa biết Chúa Cha vì họ chưa “biết” Chúa Giêsu, chưa thấy Chúa Cha cũng đồng nghĩa là chưa thấy Ngài.
Trước khi Chúa Giêsu Phục Sinh, cái thấy, cái biết của các môn đệ mới chỉ dừng lại ở cái biết tự nhiên, cái biết thuần lý. Nhưng sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, cái biết của các môn đệ đã được biến đổi thành cái biết siêu nhiên nhiệm màu, hòa nhịp với cái “biết” của Thiên Chúa, nên lòng các ông tràn đầy hoan lạc và bình an ngay cả những lúc gặp khó khăn thử thách, khổ đau và thất bại, cả những lúc phải chịu tù đày, bắt bớ, cái chết cận kề.
Thiên Chúa vô biên thường bị “nhốt” trong cái biết hữu hạn của con người. Vì thế, trước những gì là mầu nhiệm, khó hiểu người ta thường khó chấp nhận và lấy làm chướng tai. Thực ra, Thiên Chúa cao cả toàn năng đến độ có thể hiện diện ở nơi những gì là nhỏ bé, tầm thường nhất. Ngài có thể hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi biến cố của cuộc sống. Chúng ta chỉ có thể nhận ra được sự hiện diện của Ngài bằng đức tin, bằng sự kết hợp mật thiết với Ngài. Càng kết hợp mật thiết với Ngài chúng ta càng trở nên hình ảnh của Ngài, càng phản chiếu Ngài một cách rõ nét.
Hôm nay là ngày 13 tháng năm, kỷ niệm đúng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Đây là biến cố có ảnh hưởng rất lớn tới vận mệnh thế giới và Giáo hội mà cả ba vị Giáo Hoàng đồng thời với chúng ta đều rất quan tâm. Ba mệnh lệnh Mẹ ban tại Fatima là các phương thế hữu hiệu giúp ta trở về với Thiên Chúa, sống gắn bó mật thiết với Ngài để được hoán cải nên giống Ngài, biết cảm thông, tha thứ, yêu thương chân thành để thế giới được bình an, tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa được bày tỏ nơi cuộc sống mỗi người.
Lạy Mẹ Maria, hợp với Đức Thánh Cha và toàn thể Giáo hội, con cảm tạ Mẹ đã đến Fatima và ban cho nhân loại chúng con các sứ điệp của tình thương là: ăn năn sám hối; lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Mẹ. Xin cho con và mọi người biết tích cực thực thi các mệnh lệnh của Mẹ để mỗi ngày sống gắn bó mật thiết với Chúa hơn, được sống trong tình yêu của Ngài và diễn tả tình yêu ấy cho mọi người xung quanh. Amen.