Đau đớn ngọt ngào cuối cùng
Thứ hai - 02/11/2020 03:57
1080
“Chính mắt tôi sẽ được ngắm nhìn Người”.
Kính thưa Anh Chị em,
Hôm nay, tưởng niệm Các Linh Hồn, đây là dịp chúng ta suy gẫm giáo huấn của Giáo Hội về Luyện ngục, một giáo lý vốn thường bị hiểu lầm. Cha John Paul Thomas sẽ giúp chúng ta hiểu hơn nơi chốn các linh hồn trải nghiệm những ‘đau đớn ngọt ngào cuối cùng’ của mình; để từ đó, linh hồn có thể chiêm ngắm Thiên Chúa trọn vẹn như Gióp, “Chính mắt tôi sẽ được ngắm nhìn Người”.
Luyện ngục là gì? Đó có phải là nơi chúng ta trải qua để chịu trừng phạt vì tội lỗi mình chăng? Hay đó là cách thức Thiên Chúa nhận lại chúng ta vì những sai lỗi chúng ta đã phạm? Hoặc đó chính là là hậu quả cơn giận của Thiên Chúa? Chẳng câu hỏi nào trên đây thực sự trả lời cho câu hỏi về Luyện ngục. Luyện ngục không gì khác hơn là tình yêu Thiên Chúa đốt cháy và thanh luyện cuộc sống của chúng ta; Luyện ngục chính là nơi linh hồn dìm mình trong nỗi ‘đau đớn ngọt ngào cuối cùng’, nơi mà mắt phải bị chói ngợp bởi ánh sáng cực tinh của Thiên Chúa ngời chói.
Khi một ai đó qua đời trong ân sủng Chúa, rất có thể họ không được hoán cải hoàn hảo 100% về mọi mặt; ngay cả các vị thánh vĩ đại nhất; hầu hết các ngài đều có thể để lại một số khiếm khuyết nào đó trong cuộc sống mình. Luyện ngục không gì khác hơn là sự thanh tẩy cuối cùng của tất cả những vướng mắc còn lại dính bén với tội lỗi trong cuộc sống mỗi người; như đôi mắt hãy còn vẩn đục, chưa thể chiêm ngưỡng ánh sáng rực rỡ từ nhan thánh Chúa đang rực chiếu.
Thử tưởng tượng chúng ta có một cốc nước tinh khiết 100%, cốc nước này tượng trưng cho Nước Trời; cũng hãy tưởng tượng chúng ta muốn thêm một lượng nước khác vào cốc đó, nhưng tất cả những gì chúng ta có là nước 99% tinh khiết. Điều này tượng trưng cho một người thánh đã chết với chỉ một chút tội nhẹ. Nếu thêm nước đó vào, bấy giờ, cốc sẽ có ít nữa, một chút tạp chất khi nước hoà chung. Vấn đề là Nước Trời, cốc nước chính gốc, phải tinh khiết 100%, không được lẫn tạp chất. Nước Trời, ở đây, không thể có ngay cả một chút dính bén đến tội lỗi dù nhỏ nhất. Vì vậy, dẫu chỉ 1% không tinh khiết, nước thêm vào này cũng phải được làm sạch; cũng thế, dù đôi mắt tinh anh đến mấy, vẫn còn một chút bóng tối khiến nó chưa quen với ánh sáng, nên nó phải đau.
Một cách lý tưởng, điều này được thực hiện khi chúng ta đang còn ở trần gian; đây chính là tiến trình nên thánh. Nhưng nếu chúng ta lìa đời với bất kỳ một ràng buộc nào, thì đơn giản, quá trình đi vào phúc kiến trọn vẹn cuối cùng với Thiên Chúa vẫn cần thanh tẩy chúng ta khỏi mọi ràng buộc, mọi chút tối còn lại đối với tội lỗi. Tất cả có thể đã được tha thứ, nhưng có thể chúng ta sẽ không dứt bỏ cả những điều đã được thứ tha. Luyện ngục là quá trình đốt cháy những vương vấn cuối cùng, của việc đánh bật chút tối để đôi mắt quen dần với ánh sáng hầu có thể nhìn xem Thiên Chúa rạng ngời; đó là giải thoát 100% mọi thứ liên quan đến tội lỗi. Quá trình đốt cháy, quá trình quen dần với ánh sáng là quá trình trải nghiệm những ‘đau đớn ngọt ngào cuối cùng’. Chẳng hạn, linh hồn có thói quen là thô lỗ hay mỉa mai, thì cả những khuynh hướng này cũng phải được loại bỏ.
Điều này xảy ra thế nào? Chúng ta không biết, chúng ta chỉ biết nó có. Nhưng chắc chắn đó là kết quả của tình yêu thương vô hạn nơi Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi những dính bén này. Có đau đớn không? Rất có thể, nhưng đau đớn theo nghĩa là phải buông bỏ mọi ràng buộc vốn làm rối loạn; và đó là đau đớn. Thật khó để triệt tiêu một thói quen xấu, nó thậm chí còn gây đau đớn ngay trong chính quá trình thanh luyện; thế nhưng, kết quả cuối cùng của sự tự do đích thực là đáng giá so với bất kỳ nỗi đau nào mà linh hồn có thể trải nghiệm. Vì thế, phải, Luyện ngục là đau đớn; nhưng đó là một loại ‘đau đớn ngọt ngào cuối cùng’ cần thiết vì nó sẽ tạo nên kết quả cuối cùng, là một con người 100% hiệp nhất với Thiên Chúa.
Giờ đây, khi đang nói đến sự hiệp thông với các thánh, chúng ta phải hiểu rằng, các linh hồn đang trải qua cuộc thanh tẩy cuối cùng này vẫn hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với các thành viên của Giáo Hội lữ hành cũng như với các thánh của Giáo Hội vinh thắng. Mẹ Hội Thánh kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn; Thiên Chúa sử dụng những lời cầu nguyện của chúng ta như những công cụ ân sủng của Người; Người cho phép chúng ta và mời chúng ta tham gia vào cuộc thanh tẩy các linh hồn bằng lời cầu nguyện và hy sinh của mình. Điều này tạo nên một mối quan hệ liên đới cộng hưởng với thế giới luyện hình; và không nghi ngờ gì nữa, các thánh trên trời cũng dâng lời cầu nguyện cho cả những ai đang ở trong luyện hình. Việc Chúa làm thật kỳ diệu và đem lại niềm vui lớn lao khi chúng ta chiêm ngắm cách thức Người sắp xếp toàn bộ quá trình này cho mục đích cuối cùng của sự hiệp thông thánh thiện mà tất cả con cái Chúa được kêu gọi để thông phần.
Các linh hồn đang chờ đợi lời cầu nguyện; vì thế, các Thánh lễ, những hy sinh và lời cầu nguyện của chúng ta không chỉ là bác ái, cũng không chỉ là hiếu thảo nhưng còn là cộng tác với Thiên Chúa để chuyển trao ân sủng của Người đến các linh hồn; việc tưởng nhớ đến các linh hồn mang một ý nghĩa cứu rỗi tuyệt vời đến thế là cùng!
Cha Pio Năm Dấu kể, một buổi tối, ngài đang nghỉ ở phòng trực. Vừa đặt lưng, thình lình, một người đàn ông xuất hiện, mình trùm kín. Hốt hoảng, cha Pio bật dậy và hỏi, “Ông là ai, ông muốn gì?”; người khách lạ nói, “Con là Precoco, con chết trong trận hoả hoạn đêm 18/9/1908 tại tu viện này. Con bị cháy trên chiếc nệm rơm lúc đang ngủ say ở phòng số 4, con về từ luyện ngục. Chúa cho con đến xin cha dâng một Thánh lễ cầu cho con vào sáng mai; nhờ Thánh lễ này con mới vào được thiên đàng”. Cha Pio hứa sẽ dâng lễ, ngài kể, “Phần tôi, tôi muốn đích thân tháp tùng linh hồn ấy ra tận cửa, và tôi ý thức rõ ràng mình đã nói chuyện với linh hồn khi ra tới bậc cấp; nhưng vừa đến đó, người ấy bỗng biến mất. Lúc ấy tôi cảm thấy hoảng sợ, tôi chạy đến phòng cha bề trên Paolino; ngài nhận ra nỗi kinh hoàng của tôi. Sau khi nghe tôi giải thích, ngài hiểu và chấp thuận. Vài ngày sau, vì tính tò mò, cha ra toà thị chính Rotondo, xin xem cuốn sổ tử của thành phố năm 1908. Đúng như lời tôi kể, sổ tử tháng 9/1908 ghi, “Ngày 18/9/1908, trong trận hoả hoạn viện tế bần, có một người chết mang tên Pietro di Mauro, tức Nicola Precoco”.
Anh Chị em,
Trên giường hấp hối, Thánh Monica đã nhắn nhủ con trai Augustinô rằng, “Mẹ chỉ xin con một điều, hãy nhớ đến mẹ mỗi khi con tới bàn tiệc thánh”; có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã nghe những lời van xin tương tự từ môi miệng của những người thân trước khi họ lìa đời. Lời cầu nguyện, những hy sinh và các Thánh lễ của chúng ta sẽ giúp cho linh hồn trải qua những ‘đau đớn ngọt ngào cuối cùng’ dễ chịu biết nhường nào!
“Lạy Chúa, con cầu nguyện cho các linh hồn hôm nay và suốt đời còn lại của con; xin tuôn đổ lòng thương xót Chúa để họ được giải thoát khỏi mọi ràng buộc tội lỗi; nhờ đó, có thể thanh thoát đi gặp Chúa. Đó cũng là khát khao cuối cùng của linh hồn con; thế nhưng, nhờ ơn Chúa ngay hôm nay, tập sống nên giống Chúa, con quyết nên thánh, quyết đi thẳng, không phải trải qua một nỗi ‘đau đớn ngọt ngào cuối cùng’ nào”, Amen.