Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
Chủ nhật - 08/01/2017 01:29
1889
Năm nay, lễ CGS chịu phép rửa đi liền với lễ Chúa hiển linh. Biến cố này cách nào đó cũng được coi là biến cố Chúa hiển linh. Phụng vụ hôm qua và hôm nay giống như sự nối kết giữa Bêlem và sông Giođan. Sự nối kết này dẫn chúng ta từ quê hương của Đavít (Bêlem) đến dòng sông Giođan, con sông quan trọng nối giữa biển hồ Galilê xuống biển Chết.
Nhưng nếu tính về thời gian dòng chảy cuộc đời, Chúa Giêsu đã trải qua khoảng 30 năm của mầu nhiệm đời sống ẩn dật, giản dị và lặng thinh ở Nadarét. Thế thì chúng ta lại đi theo một hành trình mới: từ Nadarét xuống bờ sông Giođan. Không có Tin mừng nào cho chúng ta biết nhiều về thời gian ẩn dật đó.
Hôm nay giờ của Chúa Cha đã đến, Đức Giêsu quyết định bắt đầu cuộc đời công khai bằng biến cố hạ mình như một hối nhân: xin nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả để bắt đầu loan báo Nước Thiên Chúa. Ngay cả Gioan cũng cảm thấy bối rối mà thốt lên: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!"
Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu : một con người ở giữa mọi người đứng đợi để được chiu phép rửa. Khi làm như vậy, Người muốn liên kết với nhân loại tội lỗi. Đấng Cứu Độ hòa đồng với tội nhân nhưng không đồng hóa. Người như Nguồn Suối đổ ơn thánh cho dòng sông khô cạn, là chúng ta. Người thật khiêm nhường thẳm sâu.
Trong mầu nhiệm Nhập thể, Người đã mặc lấy xác phàm. Giờ đây, Người mang vào thân mình tội lỗi nhân loại khi liên kết với chúng ta để xóa tội và cứu chúng ta. Khi lãnh phép rửa từ tay Gioan, Người gánh lấy tội lỗi mà chúng ta đã phạm. Cho nên, thánh Gioan Tông đồ giới thiệu: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian". Thiên Chúa đã trở nên người phàm và chịu phép rửa.
Khi chịu phép rửa, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ bày nơi Đức Giêsu Kitô, lòng thương xót đó mạnh hơn tội lỗi và sự chết. Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con lại được thể hiện qua việc sai Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần đã ngự xuống trên Người Con yêu dấu này. Cho nên, trong biến cố này, có tiếng Chúa Cha phán: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người". Như vậy, biến cố này cũng giúp chúng ta nhận ra tương quan vĩnh hằng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chim bồ câu và tiếng từ Trời chính là những dấu chỉ đã được các ngôn sứ báo trước và được dân chúng mong đợi.
Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu nhắc lại sự hiện diện của Ngài trong thời kỳ đầu của công cuộc sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa. Hôm nay, Ngài hiện diện trong sự sáng tạo mới, được bắt đầu ở nơi Chúa Con.
Gioan Tẩy giả loan báo Tin Mừng về Đấng Cứu độ mà các ngôn sứ và dân Ítraen chờ đợi. Sự kiện này đã được loan báo trong mùa Vọng: "Ông (Gioan) rao giảng rằng : Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần". Phép rửa tội của Kitô giáo trở nên trọn hảo nhờ phép rửa của Chúa Giêsu vì phép rửa tội được bao phủ bởi Thánh Thần tình yêu.
Xin cho mọi kitô hữu biết sống khiêm nhường như Chúa Giêsu, như thánh Gioan Tẩy giả và luôn nhớ rằng phép rửa tội mà chúng ta lãnh nhận thực sự là quà tặng của Chúa Thánh Thần vì "Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ" (Mc 16,16).
ĐMT