Lễ Thánh gia: Bí quyết hạnh phúc gia đình

Thứ sáu - 25/12/2015 19:13  1887
LỄ THÁNH GIA

1Sm 1,20-22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52

Anh chị em thân mến,

Xã hội chúng ta đang sống dường như đang mất dần các giá trị truyền thống cao quí của gia đinh. Những chuyện lục đục, cãi vã, đánh chửi, giành giật tài sản giữa cha mẹ với con cái, anh chị em ruật thịt với nhau thường xuyên xảy ra trong các gia đình. Thậm chí không ít trường hợp cha mẹ bỏ rơi con cái, cha giết con (vụ cha bóp cổ con trai 9 tháng tuổi được đăng trên Yahoo Việt Nam) hay em trai sát hại anh vì chuyện “uống say bắt mẹ tắm” ở Bến Tre. Sống trong một xã hội như vậy, là kitô hữu thực sự, chúng ta không khỏi băn khoăn lo lắng tự hỏi: tôi phải sống các giá trị gia đình như thế nào? Đâu là chuẩn mực của đời sống gia đinh? Tôi phải sống theo mẫu gương gia đình nào để gia đình tôi trở thành tế bào sống cho xã hội và Giáo Hội? Lời Chúa trong lễ Thánh Gia hôm nay giới thiệu với chúng ta hai mẫu gia đình lý tưởng: gia đình bà Anna và gia đình Mẹ Maria.

Hai gia đình này là mẫu lý tưởng cho mọi gia đình kitô hữu vì trước hết hai gia đình này biết đặt tình yêu Thiên Chúa lên trên hết. Quả vậy, ông Encana và Anna đã biết cầu nguyện phó dâng gia đình và cuộc đời của cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Bà Anna cầu xin Thiên Chúa ban cho một người con và hứa sẽ dâng người con đó cho Thiên Chúa để tùy ý Ngài sử dụng. Bà được như ý và đã không nuốt lời. Sau khi sinh con trai và đặt tên cho con là Samuel, bà đã trở lại đền thờ tại Silo và dâng lễ vật cho Thiên Chúa là một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu. Chưa dừng lại ở đó, bà còn dâng Samuel, đứa con của lời cầu nguyện, tương lai và hy vọng của gia đình cho Thiên Chúa “Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Thiên Chúa đã ban cho tôi điều tôi xin Người. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Thiên Chúa.” Ông Encana cũng một lòng với vợ lên đền thờ dâng lễ vật và con trai duy nhất cho Thiên Chúa bởi vì ông hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho Thiên Chúa.

Mẹ Maria và thánh cả Giuse cũng vậy. Làm như lời sứ thần truyền, Giuse đón Maria đang có thai về làm vợ, chăm sóc và che chở Maria trong vai một người chồng trách nhiệm. Mẹ Maria đã tin tưởng và hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa trước khi về chung sống với thánh Giuse. Khi được mời làm Mẹ Đấng Cứu Thế và sau khi được sứ thần giải thích kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, Mẹ đã cất tiếng xin vâng. Mẹ đã đón nhận Đức Giêsu vào lòng, sinh hạ Ngài ra cho thế giới và dâng con cho Thiên Chúa. Thánh Luca kể rằng khi Đức Giêsu lên 12 tuổi, Mẹ cùng với thánh Giuse đem con lên đền thờ và dâng cho Thiên Chúa theo luật. Không chỉ dâng con theo luật, mà hai người còn phó dâng con yêu dấu cho Thiên Chúa để tùy Người định đoạt. Lời đầu tiên của Đức Giêsu “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận của nhà con sao?” đã gây cho Mẹ ấn tượng sâu sắc. Dẫu cho Mẹ chẳng hiểu, nhưng Mẹ luôn ghi nhớ và suy gẫm trong lòng. Những năm tháng con Mẹ hoạt động công khai, Mẹ luôn đứng về phía con, động viên và cộng tác để con chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Hình ảnh Mẹ dõi bước theo con trên đường thánh giá và đứng dưới chân thập tự chứng minh tình yêu tuyệt vời Mẹ dành cho Thiên Chúa.

Samuel và Chúa Giêsu cũng không khác. Cả hai đã sống hoàn toàn cho Thiên Chúa. Samuel làm ngôn sứ dưới thời quân chủ, sát cánh bên các vua để giúp họ thi hành sứ mạng theo đúng đường lối của Thiên Chúa. Ông đã nhân danh Thiên Chúa xức dầu tấn phong Đavít làm vua Israel và nhắc nhở Đavít thực thi ý Thiên Chúa. Câu chuyện người giàu có và người nghèo mà Samuel kể để nhắc nhở Đavít sám hối trở về Thiên Chúa thật khó phai trong mỗi người tín hữu. Qua câu chuyện ấy, ông khéo léo nhắc vua Đavít nhìn lại lỗi lầm của mình, tỏ lòng sám hối và trở về với đời sống công chính. Nhận ra điều đó, Đavít đã không thể làm gì khác hơn là ăn chay tỏ lòng sám hối,  khóc lóc van xin Chúa xót thương tha thứ. Đức Giêsu thì tuyệt đối vâng theo thánh ý Chúa Cha. Ngay khi lên 12 tuổi, Ngài đã ở lại đền thờ Giêrusalem để chăm lo công việc của Chúa Cha. Ngài sống âm thầm 30 năm chuẩn bị, 3 năm công khai rao giảng Tin Mừng, bị từ chối, chịu bách hại, bị bắt và kết án, chịu đóng đinh trên thập giá đều vì để thánh ý Cha được nên trọn.

Hai gia đình này làm mẫu mực cho mọi gia đình công giáo vì họ biết dành trọn vẹn tình yêu thương cho nhau và cho con cái. Bà Anna đã chăm sóc con cho đến ngày cai sữa con rồi đem nó lên đền thờ dâng lễ vật và dâng con cho Thiên Chúa mãi mãi vì bà nghĩ rằng Samuael là đứa con duy nhất, món quà vô giá Thiên Chúa ban tặng nên phải dâng nó lại cho Ngài. Bà thương yêu con nhiều lắm, nhưng không thương yêu con bằng cách giữ lại bên bà, bắt nó làm theo ý bà, phục vụ các nhu cầu của bà, lo cho bà lúc tuổi già, mà trao con cho Thiên Chúa vì bà hiểu rằng Thiên Chúa sẽ lo liệu và làm điều tốt nhất cho con của bà. Chúa đã có cách để trao ban nó cho bà, Ngài cũng có cách và chương trình làm cho đứa con ấy được hưởng dồi dào và trọn vẹn ân phúc. Quả là như vậy, Thiên Chúa đã chọn Samuel làm ngôn sứ và sai ông đi loan báo lời của Ngài cho dân chúng. Cuộc đời của Samuel tràn đầy niềm vui, hạnh phúc vì ông đã không ngừng lấy ý Thiên Chúa làm trọng, không bỏ rơi bất kỳ một lời nào mà Thiên Chúa nói với ông.

Cũng như bà Anna, Mẹ Maria cũng dành trọn vẹn tình thương yêu cho con của mình. Mẹ đã nuôi dưỡng Chúa Giêsu khôn lớn, chăm sóc Chúa Giêsu khi còn thờ ấu và bảo vệ Đức Giêsu trước mọi hiểm nguy. Hình ảnh hai ông bà tất tưởi, cực khổ quay lại đền thờ tìm con cho thấy tình thương yêu của hai ông bà dành cho Đức Giêsu lớn lao đến mức nào “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” Mẹ Maria cất tiếng bày tỏ nỗi lo lắng đau đớn vì lạc mất con, còn thánh Giuse im lặng không có nghĩa là không thương, không lo lắng cho con. Trái lại, tình thương ấy luôn mãnh liệt và kín đáo, thôi thúc người làm tất cả những gì có thể để con mình được an toàn và tiến bộ. Lời kết của đoạn Tin Mừng cũng muốn nói với chúng ta về điều đó. Việc Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth, và hằng vâng phục các ngài, mỗi ngày thêm khôn ngoan, cao lớn và ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta là hoa trái của sự nuôi dưỡng và giáo dục chu đáo của hai ông bà dành cho Ngài.

Anh chị em thân mến,

Gia đình Ancana với Anna và Thánh gia là mẫu mực cho mọi gia đình kitô giáo vì hai gia đình này biết đặt tình yêu Thiên Chúa lên trên hết và mỗi người trong gia đình luôn sống tròn đầy tình yêu thương với nhau. Nhờ sống như vậy mà mỗi người trong hai gia đình luôn cảm nghiệm được niềm vui, sự bình an và hạnh phúc vì luôn cảm thấy có Chúa và có nhau. Là kitô hữu, các gia đình chúng ta được mời gọi  bắt chước nếp sống của các ngài. Nói như thánh Gioan, nhờ sống được như vậy mà chúng ta xứng đáng làm con Thiên Chúa và trở nên giống Đức Kitô. Muốn được vậy, chúng ta phải tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa và làm những gì đẹp ý Ngài. Điều răn của Ngài là tin vào danh Đức Giêsu Kitô, con của Ngài và phải thương yêu nhau. Ai tuân giữ giới răn hay yêu thương anh em mình thì được ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập416
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm389
  • Hôm nay44,015
  • Tháng hiện tại904,376
  • Tổng lượt truy cập78,907,827
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây