"Vinh tụng ca" là gì?
Thứ sáu - 24/05/2024 12:35
1139
Vinh Tụng Ca tiếng Anh là Doxology, tiếng Pháp là Doxologie, có nguồn gốc Hylạp là “doxa” là vinh quang, chúc tụng; “logos” là lời. Đây là lời chúc tụng ngắn gọn, dùng để kết thúc một lời nguyện, hay kết thúc các thánh vịnh, các thánh ca trong Phụng Vụ, và luôn là lời chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi: Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen. Ở đây, chỉ xin bàn đến Vinh Tụng Ca trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ mà thôi.
Vinh Tụng Ca với bản dịch truyền thống mà các Kitô hữu Việt Nam đang sử dụng là: Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng Amen.
Glory to the Father, and to the Son, and to the Holy Spirit, as it was in the beginning, is now, and will be for ever. Amen.
Gloire au Père, et au Fils et au Saint-Esprit, au Dieu qui est, qui était et qui vient, pour les siècles des siècles. Amen.
Gloria Patri, et Filio: et Spiritui sancto. Sicut erat in principio, et nunc, et semper: et in saecula saeculorum, Amen.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy tồn tại những bản dịch khác, chẳng hạn, Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa, tự muôn đời và chính hiện nay luôn mãi đến thiên thu vạn đại. Amen. Với bản dịch này, không hiểu tại sao tác giả lại tách Chúa Cha và Chúa Con về một bên, Chúa Thánh Thần về một phía, và phải lặp lại chữ “danh” hai lần, đang khi đó, chúng ta chỉ tuyên xưng một “Danh” duy nhất bao gồm: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần, như chúng ta vẫn thường hay đọc, khi làm Dấu Thánh Giá: Nhân Danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen. In the name of the Father, and of the Son, and of the Holy Spirit. Amen; Au nom du Père et du Fils et du Saint-Esprit. Amen; In nomine Patris et Filii et Spiritus Sancti. Amen. Vả lại, tác giả dùng “Thánh Thần Thiên Chúa”, chứ không phải là Chúa Thánh Thần, hay Đức Chúa Thánh Thần.
Một bản dịch Vinh Tụng Ca khác, đang được dùng ở một vài nơi, vào Tuần II theo chu kỳ của Kinh Phụng Vụ: Vinh Danh Chúa Cha, vinh Danh Chúa Con, vinh Danh Chúa Thánh Thần, vinh Danh Chúa Ba Ngôi. Amen. Bản dịch này vừa thừa vừa thiếu: “thừa”, bởi vì, tuyên xưng cả thảy bốn Chúa, chứ không phải tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi, theo như Hội Thánh dạy; “thiếu”, bởi vì, đã bỏ hẳn phần còn lại của Vinh Tụng Ca.
Khi cử hành Thần Vụ, tới lúc Vinh Tụng Ca, lập tức, tất cả các Đan Sĩ đều đứng lên, cúi sâu (hai bàn tay chạm vào hai đầu gối) cho đến khi hát xong Vinh Tụng Ca, rồi mới ngẩng đầu lên, để thờ lạy, chúc tụng, và tuyên xưng Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Trong thời khắc linh thiêng, và trang trọng như thế, ước gì khi chọn các Vinh Tụng Ca, chúng ta nên chọn những Vinh Tụng Ca nào đúng và sát với bản gốc, phải vừa đảm bảo về mặt dịch thuật, vừa đảm bảo về mặt đạo lý mà chúng ta tuyên xưng. Ước gì được như thế!
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB