Tình yêu Thập Giá
Thứ hai - 02/03/2020 04:02
1927
Một buổi chiều tà với những tia nắng vàng rọi chiếu qua từng chiếc lá, tôi đang chăm chú nhìn những ngọn cây xào xạc trong tiếng gió. Ánh mắt buồn, tôi nghĩ về câu chuyện ban sáng qua lời kể của mẹ… người anh rể khô đạo, nóng tính lại hay chửi bới, đánh đập chị tôi. Mẹ bảo: “Đó là thánh giá Chúa gửi đến, con cố mà vác theo chân Chúa”. Tới đây, tôi nhìn về phía xa xa nơi cây thánh giá trên nóc Toà Giám Mục lúc ẩn lúc hiện qua những chiếc lá. Ngước lên cây Thánh Giá trên nóc nhà nguyện ngay trên đầu, tôi thầm nghĩ: “Thánh Giá Chúa đẹp mà, Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng giàu lòng nhân ái, sao lại có thể gửi đến thập giá, gửi đau khổ cho con người được?
Tiếng chuông nhà thờ chính toà ngân vang đã kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ, hồi tưởng buồn ấy. Tôi ngẫm lại những gì đã được học, đã được quý Cha dạy trên lớp. Vì yêu thế gian, Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Người được thụ thai trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm con của Mẹ. Người thật sự là Thiên Chúa, là người thật với hai bản tính. Trong bản tính Thiên Chúa, người luôn chứa chan tình yêu, hạnh phúc. Nơi ấy không hề có sự dữ, không hề tồn tại đau khổ và nhất là không có cái chết. Người chịu chết trên thập giá vì tội lỗi của loài người trong Mầu nhiệm Vượt Qua. Qua đó, ta thấy được bản tính loài người của Con Thiên Chúa. Người đã thật sự trở thành con người, trở thành anh em của chúng ta. Do đó, Người cũng chịu đau đớn, đau khổ, trải qua sự cô đơn, buồn chán và nhất là cái chết của Người. Người đau khổ vì cô đơn, vì bị chính người anh em phản bội. Người đau đớn vì roi đòn và vì “những nhát búa chua chát của tội lỗi loài người”. Tất cả những đau đớn, khổ hình ấy, là sự hy sinh chấp nhận của Chúa Con. Tất cả những nhục nhã ê chề Chúa chịu là bằng chứng tình yêu Chúa dành cho con người, chứ không phải là cây gỗ mà Chúa chịu treo trên đó. Nói cách khác, thập giá hay cây thánh giá là biểu tượng tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Thập giá là phương tiện đem lại ơn cứu độ cho con người, thông qua đó, con người thấy được sự vĩ đại, quyền năng và tình thương của Người.
Thật vậy, Thiên Chúa là tình yêu. Người vì yêu thế gian mà trao ban tình yêu cho nhân loại. Chính Người giúp ta hiểu được chân lý "Yêu là trao ban tình yêu chứ không phải gửi đến Thánh Giá." Vì yêu, Chúa chấp nhận đền bù tội lỗi để cứu chuộc loài người. Vì yêu, Chúa đã đón nhận thập giá mà nhân loại làm ra. Do đó, thập giá là kẻ thù của tình yêu, bởi nơi Thiên Chúa không có đau khổ. Trái lại, thập giá là dấu chỉ, là hình ảnh, là biểu tượng của tình yêu.
Thập giá không bao giờ là tình yêu. Tình yêu cũng chẳng khi nào là thập giá, nhưng tình yêu là tình yêu, thập gái là thập giá, là khổ đau.
Như thế, để hiểu rõ về thập giá, con người phải nhìn từ khía cạnh tình yêu, phải thấu hiểu từ góc độ nhân ái. Trong mùa Chay, nhân loại được Thiên Chúa mời gọi trở về với cội nguồn của tình yêu, về với mạch suối ân tình – chính là Người. Đó không chỉ là sự ăn ăn hối lỗi, nhưng còn là bài học về sự tha thứ, chấp nhận, chịu đựng. Đó không chỉ dừng lại ở tâm tình, nhưng còn thể hiện qua hành động. Chúa vì “cao cả” hơn loài người nên đã chấp nhận mọi đau khổ, mọi tội lỗi của nhân loại. Thánh giá của Chúa vì cao hơn mặt đất, cao hơn núi Tabor mà gánh được mọi sự dữ thế gian. Chúa yêu tất cả, Chúa tha thứ tất cả. Chúng ta – những đứa con bé bỏng của Người – hãy noi gương và bắt chước Người: Đừng trao nhau thánh giá, đừng trở thành thánh giá của nhau. Nhưng hãy tha thứ, nhân ái, hy sinh, chấ nhận để trở nên tình yêu của nhau.