CN2 MC: Vượt qua đau khổ để đạt tới vinh quang

Thứ bảy - 16/03/2019 00:13  1371

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY C

St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36

downloadSau khi tiên báo cuộc thương khó lần thứ nhất, đưa ra điều kiện tiên quyết cho những ai muốn làm môn đệ của mình, trước khi tiên báo cuộc thương khó lần thứ hai và sẽ hoàn tất cuộc thương khó ấy, Chúa Giêsu đã hiển dung trước mặt ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Trong sự kiện hiển dung ấy, hai nhân vật Cựu Ước đặc biệt nổi bật xuất hiện là ông Môsê đại diện cho vai trò thủ lãnh của dân Chúa và lề luật, và Êlia đại diện cho các ngôn sứ trao đổi với Chúa Giêsu về cuộc vượt qua sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Đọc hoặc nghe và suy gẫm sự kiện này, chúng ta không khỏi thắc mắc “cuộc biến hình này diễn ra vào cao điểm như vậy chắc hẳn phải có ý nghĩa và mục đích nào đặc biệt?”

Biến cố hiển dung trước hết phản chiếu và báo trước vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu sẽ đạt tới sau khi trải qua đau khổ thập giá và cái chết. Vinh quang phục sinh thật lớn lao và vượt lên trên mọi vinh quang trần thế. Nó tuyệt đối và vĩnh cửu được đánh đổi từ chính đau khổ và thập giá của Chúa Giêsu. Để có được vinh quang ấy, Chúa Giêsu phải hy sinh mạng sống trên thập giá, phải đổ máu mình ra để chiếm lấy không chỉ cho mình mà còn cho toàn thể nhân loại. Nói cách khác, để dung mạo của mình trở nên khác, áo trở nên trắng tinh chói lòa, Chúa Giêsu đã phải lên núi, phải trao đổi với Mô sê và Êlia về mầu nhiệm vượt qua và trở về đất bằng tiếp tục con đường thập giá như Thiên Chúa Cha đã dự liệu. Đau khổ đến tột cùng, Ngài vẫn thân thưa cùng Chúa Cha, xin cho con khỏi uống chén này nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha. Nói như tác giả thư Do Thái thì Đức Giêsu đến trần gian này để thực thi thánh ý của Chúa Cha “Này con xin đến để thực thi ý Cha.”

Tiếp đến, biến cố hiển dung cho phép các môn đệ thân tín cảm nếm vinh quang phục sinh để các ông vững vàng can đảm theo Chúa Giêsu cho đến cùng trước mọi khó khăn thử thách, nhất là trước mầu nhiệm thập giá của Chúa Giêsu và của chính các ông. Thật vậy, sau khi tỉnh dậy và ngắm nhìn vinh quang của Chúa Giêsu biến hình và hai nhân vật đứng bên Ngài là Môsê và Êlia, vì choáng ngợp trước vinh quang tuyệt vời ấy mà các ông sợ hãi, không còn làm chủ được bản thân và không biết phải làm gì. Phêrô thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con được ở đây, thật là hay. Chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê và một cho ông Êlia.” Ông nói thế, nhưng rồi tự ông chẳng biết mình đang nói gì. Tuy nhiên, sau khi cảm nếm được vinh quang tuyệt vời ấy của Chúa Giêsu, các ông được yêu cầu trở lại với đời thường và tiếp tục sứ mạng được trao phó, nhưng thực hiện với tất cả lòng tin. Như ông Apram vì tin mà được Thiên Chúa ký kết giao ước và nhờ giao ước này, ông trở thành tổ phụ của một dân tộc đông đảo như sao trên trời và dòng dõi ông có miền đất hứa làm gia nghiệp.

Sau nữa, biến có hiển dung mời gọi các ông đi vào mầu nhiệm tương giao giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha, mầu nhiệm cha con nên một “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, con đồng bản tính, cùng quyền năng được sinh ra bởi Chúa Cha, được trao phó cho sứ mạng cứu độ nhân loại bằng cách rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, trừ quỉ, cho kẻ chết sống lại và nhất là chết trên thập giá để đền thay mọi tội lỗi cho nhân loại. Do đó, nếu con người muốn được làm môn đệ của Chúa Giêsu, muốn làm con Cha trên trời thì chẳng có cách nào khác là phải nghe lời của Chúa Giêsu vì lời của Ngài chính là ý muốn của Chúa Cha. Việc vâng nghe lời của Chúa Giêsu làm cho con người cũng trở nên con Thiên Chúa và được chia sẻ sự sống vinh quang của Ngài, sự sống vinh quang mà Chúa Giêsu đã đạt được sau khổ đau, thập giá, cái chết và phục sinh.

Sau cùng, biến cố này mời gọi mỗi tín hữu đi vào chính mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu để cùng được chia sẻ vinh quang thiên quốc với Ngài. Chúa Giêsu sẽ chẳng đạt tới vinh quang phục sinh nếu Ngài không vượt qua đau khổ, thập giá và cái chết tủi nhục trên thập giá. Cũng vậy, người tín hữu cũng sẽ chẳng thể tiến vào vinh quang Nước Trời nếu không trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Nếu muốn nên đồng hình đồng dạng với Chúa, người tín hữu phải chấp nhận một cuộc biến đổi hình dạng. Điều này có nghĩa là người tín hữu phải loại bỏ nơi mình những gì không phù hợp với Chúa Giêsu, phải chết đi cho con người cũ của mình để mặc lấy con người mới của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphe đã mời gọi các tín hữu mặc lấy con người của Chúa Giêsu bằng bắt chước thánh nhân vì thánh nhân đã bước theo Chúa Giêsu và rập khuân đời sống mình theo mầu nhiệm thập giá của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã biến hình trước ba môn đệ thân tín vào trước cuộc xuất hành sẽ được hoàn thành tại Giêrusalem. Cuộc biến đổi hình dạng và y phục để trở nên vinh quang rạng ngời ấy phản chiếu vinh quang phục sinh, cho phép các ông được cảm nếm hạnh phúc tột độ sau vượt qua, thêm xác tín về tương quan cha con giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu cho các ông, mời gọi mọi người bước vào tương quan yêu thương ấy và thôi thúc mỗi người hãy đảm nhận cuộc vượt qua của chính mình cùng với Chúa Giêsu để nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Thử hỏi chúng ta có tin vào vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, tích cực đi vào sâu trong mối liên hệ cha con với Thiên Chúa, đã đảm nhận tất cả trách nhiệm cuộc vượt qua của chính mình tức là vác thập giá đời mình, cùng chết với Chúa Giêsu cho các thói hư và nết xấu không? Nguyện xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm và xác tín vào vinh quang phục sinh, can đảm bước vào tương quan yêu thương cha con giữa mình với Chúa Cha, và đảm nhận cuộc vượt qua của chính mình bằng tất cả sự tự do và trách nhiệm để nhờ đó chúng ta cùng biến hình với Chúa và trở nên đồng hình dạng với Chúa trong vinh quan viên mãn của chính Chúa. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập449
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm420
  • Hôm nay48,834
  • Tháng hiện tại909,195
  • Tổng lượt truy cập78,912,646
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây