TUẦN 26
Ds 11,25-29; 2Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48
Đang bước đi trên đường, khách bộ hành nọ gặp một người đàn ông cưỡi ngựa phóng vù qua. Đôi mắt của người cỡi ngựa có vẻ không lương thiện, hai bàn tay của gã dính đầy vết máu.
Ít phút sau, cả chục người phóng ngựa tới. Họ hỏi người khách bộ hành: “Anh có trông thấy một người với đôi tay dính đầy máu vừa phóng ngựa qua đây không? Chúng tôi đang gấp rút đuổi theo người ấy.”
- “Đó là ai vậy?” Người khách bộ hành hỏi.
- “Một kẻ xấu”, người dẫn đầu trong nhóm họ trả lời.
- “Các ngài đuổi theo họ để đưa người ấy ra trước công lý phải không?”
- “Không. Chúng tôi đuổi theo để chỉ đường cho anh ta đi.”
Chỉ có hoà giải – chứ không phải Công Lý – mới cứu được thế giới. Công Lý thường chỉ là tên gọi khác của Trả Thù. Điều này được lời Chúa hôm nay phản chiếu thật rõ ràng.
Quả thế, ông Môsê đã lấy thần khí của mình mà trao cho 70 kì mục tại Lều trong số đó có hai người vắng mặt là En-đat và Mê-đát. Vậy mà hai ông này vẫn nói tiên tri như các anh em có mặt. Thấy vậy, một thanh niên chạy đến báo tin cho ông Môsê: “En-đát và Mê-đát đang phát ngôn trong trại”. Ông Giôsuê còn lên tiếng nói với Môsê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ.” Ông Môsê không những đã không ngăn cản hai ông nói tiên tri mà ước mong Thiên Chúa ban thần khí trên toàn dân để họ đều là ngôn sứ: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban thần khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” Như thế, người công chính sống đẹp lòng Chúa phải là người biết chấp nhận giới hạn của người khác, mong ước điều tốt đẹp cho họ, và nhất là sẵn sàng tha thứ.
Điều này cũng được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng. Một người nhân danh Chúa Giêsu trừ quỷ. Thấy vậy, các tông đồ đã nhân danh Chúa mà ngăn cản họ, vì họ không thuộc nhóm các tông đồ. Chúa Giêsu không những đã không ngăn cản người ấy mà còn bảo vệ họ: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.” Còn hơn thế nữa, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Như thế, đối với Chúa Giêsu, người ta có thể thuộc về Chúa cách mặc nhiên hay minh nhiên; một người chưa thuộc về Chúa, nhưng nhân danh Chúa làm điều tốt, việc họ làm rất đáng trân trọng.
Không những không ngăn cản những người chưa thuộc về mình làm việc tốt nhân danh mình, Chúa Giêsu còn khuyến khích mọi người làm việc tốt cho những ai thuộc về Chúa, làm gương sáng cho tha nhân: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Giúp đỡ những người nghèo khó, chăm sóc những kẻ bé mọn, làm gương sáng cho người khác, không gây cớ vấp phạm cho tha nhân, tránh xa những dịp tội đều là những điều đáng phải làm. Nếu ta nên cớ vấp phạm cho người yếu đuối, làm gương mù cho người khác, ta đáng bị buộc cối đá vào cổ mà quăng xuống biển. Nếu tay chân mắt ta nên dịp tội cho mình thì tốt nhất là chặt tay, chặt chân, móc mắt mà vất đi vì thà thiếu một phần cơ thể mà vào nước thiên đàng còn quý hơn là có một thân thể hoàn chỉnh mà phải sa hoả ngục...
Đón nhận sự khác biệt và giới hạn của người khác, tha thứ cho tội nhân, khích lệ mọi người làm điều tốt, quan tâm đến kẻ nghèo hèn, làm gương sáng cho tha nhân... là lời mời gọi tha thiết của phụng vụ lời Chúa hôm nay. Nguyện xin Chúa cho mỗi kitô có được tấm lòng của Chúa Giêsu để có thể làm những gì Chúa dạy và sống những gì Chúa sống. Nếu làm được như thế thì quả thật nước trời đã hiện diện ngay trong cuộc đời này, ngay trong tâm hồn của mỗi người. Amen!