Chúa Nhật II MC năm B
St 22,1-2.9a.10-13.15-18; Rm 8,31b-34; Mc 9,2-10
Người Việt có câu: Sau cơn mưa trời lại sáng. Câu nói này nhằm khích lệ tinh thần lạc quan của con người khi phải đối diện với những thử thách gian nan. Đó không phải là một sự lạc quan hão huyền, tự chấn an mình, nhưng là một sự lạc quan biết nhìn vào thực tại khó khăn bằng niềm tin và niềm hy vọng đúng đắn, để tiếp tục sống và hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn. Cuộc sống của con người, đặc biệt là của người Kitô hữu, rất cần sự lạc quan này, một sự lạc quan không phải được đặt nơi một đấng vô hình nào đó, nhưng được đặt nơi Đấng dựng nên trời đất muôn vật nà, và là Cha của chúng ta. Đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn đòi hỏi chúng ta phải bước vào con đường mà Chúa muốn chúng ta bước đi. Đó là con đường mà chúng ta không thể nào hình dung được.
Bài đọc I cho thấy Thiên Chúa thử thách đức tin của tổ phụ Ápraham. Sau khi đã ban cho ông bà người con trai như đã hứa, người con của niềm vui trong lúc tuổi già, và hứa hẹn một tương lại tốt đẹp cho gia tộc, Thiên Chúa lại lên tiếng mời Ápraham sát tế người con duy nhất này cho Người, một đòi hỏi không thể nào chấp nhận được với suy nghĩ của con người, của tình cha con. Thế nhưng, tổ phụ Ápraham tin vào Thiên Chúa và sẵn sàng thực thi điều Thiên Chúa truyền dạy, dù lòng ông đau đớn không diễn tả được. Để rồi, chính nhờ lòng tin ấy, con trai của ông không bị giết, mà ông còn nhận được lời hứa “dòng dõi ông sẽ đông đúc như sao trời cát biển”, sẽ chiếm được mọi thành trì của thù địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được chúc phúc như dòng dõi ông. Nhờ đức tin vững vàng và đầy tín thác ấy, ông trở thành tổ phụ của những người tin.
Vâng, đường lối của Đức Chúa làm sao con người hiểu cho thấu, nếu không nhờ chính Chúa mặc khải. Các môn đệ Đức Giêsu rất hoang mang khi được Thầy tiên báo cho biết Thầy sẽ phải chịu đau khổ nhiều, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Một đám mây đen dầy đặc bao phủ các ông. Làm sao các ông có thể chấp nhận nổi sự thật này đây? Đối với các môn đệ lúc này, dường như cơn mưa sẽ kéo dài mãi mãi, chứ chẳng trông mong gì trời sẽ sáng. Biết được tâm trạng của các môn đệ, Đức Giêsu đã dẫn ba môn đệ thân tín đi riêng với mình và bày tỏ vinh quang cho các ông. Đó là những gì Thánh Máccô thuật lại trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe.
Khi được ở trong vinh quang của Thầy, các môn đệ đã thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!”. Trước mặt các ông, lúc này là bầu trời bừng sáng chứ không phải là những cơn mưa ác mộng như các ông được tiên báo nữa. Bởi thế, các ông đã đề nghị dựng mấy cái lều để cho Thầy, cho ông Êlia và ông Môsê. Xuyên qua việc xin dựng lều, các ông muốn được ở lại mãi trong vinh quang này, chứ không muốn xuống núi để đối diện với những đau khổ thử thách phía trước. Một lần nữa, Thiên Chúa Cha lại lên tiếng như đã lên tiếng khi Chúa Giêsu chịu phép rửa: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Vâng nghe lời của Con của Người ở đây, chính là đi xuống núi và cùng với Thầy Giêsu tiếp tục cuộc hành trình lên Giêrusalem.
Vinh quang chỉ có được khi đi qua con đường thập giá. Không thể có vinh quang mà không có việc chấp nhận đau khổ thử thách. Đức Giêsu sẽ không được Thiên Chúa tôn vinh và Danh hiệu của Người không thể trổi vượt hơn muôn loài muôn vật, nếu Người không chấp nhận đi vào con đường thập giá khổ đau. Cũng như các môn đệ năm xưa không thể ở mãi trên núi thánh mà cần phải đi xuống cùng với Thầy, chúng ta cũng thế. Việc chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa không cho phép chúng ta ngồi đó chờ đợi Chúa thi thố quyền năng của Người. Chúng ta cần phải trở về với cuộc sống thực tế. Dẫu biết rằng chúng ta sẽ phải đối diện với biết bao nhiêu đắng cay, thử thách nhưng với một lòng tin tưởng cậy trông rằng: Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong mọi gian nan thử thách. Bởi vì, “có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ?”(Rm 8,31b-32). Hơn nữa, điều Thiên Chúa làm xuyên qua đau khổ thử thách còn lớn lao hơn biết mấy cho những ai tin cậy nơi Người.
Đối diện với bệnh dịch Covid 19 cũng vậy, chúng ta được mời gọi cầu nguyện để xin Chúa giải thoát nhân loại. Cầu nguyện và cậy trông vào Chúa là việc cần làm, nhưng chúng ta cũng được mời gọi với những gì đang có, hãy tự phòng bệnh cho chính mình. Không thể cứ ngồi đó mà chờ Chúa ra tay thi ân giáng phúc. Nếu vậy có khác gì các môn đệ muốn ở lại trên núi mãi mãi?
Vâng, Thiên Chúa đã định cho chúng ta được chia sẻ hạnh phúc với Người, nhưng hạnh phúc này chỉ có được khi chúng ta đi con đường mà Đức Giêsu đã đi. Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta vác thập giá theo Chúa Kitô. Cũng như Ápraham năm xưa, chúng ta cũng được mời gọi cất bước ra đi theo Chúa. Đó không phải là một hành trình phiêu lưu mạo hiểm được ăn cả ngã về không, song là hành trình tiến bước trong niềm hy vọng vào Đấng trung tín. Chúng ta ra đi vì đã có đám mây sáng chói của Thiên Chúa che chở, và những mẫu gương sống đức tin của các tổ phụ và ngôn sứ, sẽ là bằng chứng cho việc chúng ta tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa.
Như vậy, chúng ta ra đi không phải một mình nhưng là đi cùng với Chúa. Chúa đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường. Có khi Chúa song hành với chúng ta, có khi Chúa cõng chúng ta trên đôi vai khi chúng ta không còn đủ sức. Dù thế nào đi chăng nữa, có Chúa luôn đồng hành, chúng ta chẳng sợ lạc đường và sẽ tới bến bình an. Đừng để cho những đau khổ thử thách như cơn mưa níu giữ bước chân chúng ta lại, mà hãy sẵn sàng lên đường, tiến về phía trước, nơi Thiên Chúa đang chờ đợi và chiếu tỏa ánh sáng trên chúng ta.
Lạy Chúa, những đau khổ thử thách của cuộc sống này nhiều khi làm chúng con chán nản, thất vọng, muốn buông xuôi. Những lúc ấy, xin Chúa hãy đến chạm vào chúng con và nâng chúng con dậy. Xin ban thêm sức mạnh và cùng với chúng con tiến bước về nơi Chúa đã dọn sẵn cho chúng con, để sau cơn mưa thử thách, đau khổ trần gian này, chúng con sẽ đạt tới vinh quang chói lọi trên trời. Amen.