CHÚA NHẬT II MC – B
St 22,1-2.9a.10-13.15-18; Rm 8,31b-34; Mc 9,2-10
Trong Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, chúng ta đã cùng với Chúa Giêsu đi vào hành trình chay tịnh. Bước vào hành trình chay tịnh ấy để được biến đổi bởi vì biến đổi là sự tất yếu của vạn vật và của con người. Vì thế, ngày hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta được đi vào cuộc biến đổi, đó là niềm hạnh phúc của chúng ta. Chúa Giêsu cho chúng ta đi qua ba giai đoạn của hành trình biến đổi: lên núi, đi vào cuộc biến đổi và xuống núi.
Hành trình lên núi là giai đoạn đầu tiên của cuộc biến đổi. Ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan là những môn đệ được Chúa Giêsu tách riêng ra để cùng đi với Người. Chúng ta không biết vì sao các ngài được tách riêng, nhưng về phía các tông đồ ấy, để được đi vào hành trình biến đổi cùng Chúa Giêsu, các ngài phải là những người chấp nhận để được “tách riêng”. Điều đó có nghĩa các ông chấp nhận để được đổi mới, chấp nhận rời bỏ những cái cũ, chấp nhận để được thanh tẩy.
Trong Kinh Thánh, núi là nơi thiêng liêng Thiên Chúa gặp gỡ con người. Lên núi là lên gần Chúa. Vì thế, việc các môn đệ được “lên núi” là được lên gần Chúa, lên với Chúa và bên cạnh Chúa. Sống tinh thần Mùa Chay, các tín hữu thực hiện hành trình biến đổi đời sống cũng bằng hành trình lên núi. Nghĩa là chấp nhận bước qua những gì đã cũ kỹ, lỗi thời, là yếu đuối, tội lỗi, những thói quen không tốt,… để bước “lên núi”, một vị trí khác cao hơn. Đó là vị trí gần Chúa hơn, tốt hơn, tích cực hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc phải chấp nhận thay đổi và vượt qua mọi thách đố. Để làm được, chúng ta cần một tinh thần kiên quyết và phó thác. Ông Áp-ra-ham (bài đọc 1) cũng đã thực hiện một hành trình lên núi, chấp nhận yêu cầu của Thiên Chúa khi sát tế chính con của mình. Dù là đứa con một, nhưng ông vẫn một lòng kiên quyết và tín thác cho Thiên Chúa. Nhờ tín thác tuyệt đối, Thiên Chúa chấp nhận tấm lòng thành của ông và kể ông là người công chính. Trên “ngọn núi” chấp nhận bước tới, chúng ta cũng cần phải có một lòng tín thác và kiên quyết như vậy.
Đi vào cuộc biến đổi cùng với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hôm nay “biến đổi hình dạng trước mắt các ông”, đó là việc Chúa Giêsu cố tình mạc khải về chính mình, và cho các tông đồ được tham dự vào vinh quang của Người. Chúa Giêsu muốn cho các tông đồ nhìn nhận một cách chắc chắn về vinh quang của Người, khi cho xuất hiện các nhân chứng Ê-li-a (đại diện ngôn sứ) và Mô-sê (đại diện lề luật). Cuộc biến đổi rực rỡ, trắng tinh của Chúa Giêsu, vừa là sự mạc khải vinh quang, vừa là mời gọi người môn đệ đi vào, ở trong sự vinh quang và biến đổi chính mình. Chúng ta cũng hãy cùng các môn đệ, bước vào trong vinh quang của Chúa Giêsu, để cho ánh sáng của Người phơi trần tâm hồn, tẩy trắng tâm hồn và làm cho rực rỡ.
Để biến đổi mình, trước hết phải biết bản thân mình cần biến đổi điều gì. Rất nhiều khi chúng ta tự thỏa mãn với những gì mình làm được, và cho đó là những thứ tốt lành. Rất nhiều người yên trí với lối sống của mình, và cho đó là tốt lành chuẩn mực. Chúa Giê-su đưa ba môn đệ lên núi là muốn đưa các ông thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại vốn đã quá quen thuộc. Ở lâu trong một tình trạng, thì làm sao biết được mình đang như thế nào và cần thay đổi gì! Người tín hữu muốn biết bản thân mình cần biến đổi điều gì, thì cũng phải thoát ra khỏi tình trạng hiện tại, đi vào một tình trạng mới: lối sống mới, suy nghĩ mới, và vị trí mới. Vị trí mới ở đây có thể là vị trí của tha nhân, vị trí của chức vụ, và vị trí của công việc. Nếu ai hay chê trách tha nhân, thì hãy thoát khỏi vị trí của mình mà đứng vào vị trí tha nhân. Nếu vợ chồng hay chê trách nhau hãy thử đảo vị trí cho nhau. Nếu người trên hay chê trách người dưới, hoặc ngược lại, thì hãy thử đứng vào vị trí của nhau. Vì tất cả những gì mình thấy, chỉ là một phần rất nhỏ trong một sự thật rất lớn. Những gì mình nói không phải luôn luôn đúng.
Hành trình “xuống núi”. Ai cũng thích hưởng thụ, sung túc và yên thân. Ngay các tông đồ cũng vậy, “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!” Chúa Giêsu không muốn các tông đồ ngủ yên trong sự hưởng thụ, bình yên, nhưng tất cả cần phải hoàn tất sứ mệnh của mình. Con đường thập giá đang chờ đợi Chúa Giêsu. Hành trình của các môn đệ cũng còn đó. Cả chúng ta nữa, hành trình “xuống núi” để chu toàn những bổn phận trần thế còn đó. Đôi khi chúng ta cảm thấy mình rất thánh thiện, rất ngoan đạo, rất “dễ bảo” bởi những giáo huấn của Chúa, bởi những nguyên tắc đạo đức tốt lành. Nhưng khi mà phải đối diện với trăm sự lựa chọn giữa thế gian, chúng ta lại khó hành động đúng.
Thật ra, sự biến đổi ở “trên núi” kia, phải trở thành những nguyên tắc hướng dẫn đời sống chúng ta trong sứ mệnh trần thế. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể sống được những giá trị đã lãnh nhận nhờ sự biến đổi. Hành trình biến đổi có thể chỉ 40 ngày chay, hoặc có thể nhiều hơn, nhưng quan trọng là chúng ta giữ được sự biến đổi ấy trong bao lâu. Thánh Phao-lô nói “Có Thiên Chúa bệnh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31b). Không những phải chống lại kẻ thù từ bên ngoài, chúng ta phải chống đỡ kẻ thù từ trong chính lòng mình. Chúng ta hãy tin tưởng Chúa sẽ giúp đỡ nếu ta luôn gắn kết với Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra giá trị của sự biến đổi, để Mùa Chay trở nên ý nghĩa và mạng lại nhiều lợi ích. Amen.