Ngày 22/07: THÁNH NỮ MARIA MAĐALÊNA
Dc 3,1-4a; Ga 20,1-2.11-18
Trong sắc lệnh ngày 3 tháng 6 năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định nâng bậc lễ nhớ Thánh Maria Mađalêna thành lễ kính, ngài đã nhắc lại lời của Thánh Tôma Aquinô gọi Thánh nữ là “Tông đồ của các Tông đồ” (Apostolorum Apostola), vì Thánh nữ đã báo tin Chúa sống lại cho các Tông đồ, và các Tông đồ lại loan tin ấy cho toàn thế giới.
Sở dĩ Phụng vụ đặt lễ kính Thánh nữ Maria Mađalêna ngang hàng với các Tông Đồ vì Thánh nữ có một vị trí và vai trò rất đặc biệt đã được các sách Tin Mừng ghi lại. Trong cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm, bà Maria Mađalêna luôn đứng đầu danh sách các phụ nữ đi theo giúp đỡ Chúa Giê-su. Tin mừng thánh Mátthêu không cho biết lai lịch của bà. Tin mừng thánh Luca cho biết bà là người được giải thoát khỏi bảy quỷ (Lc 8,2). Tin mừng thánh Máccô cũng lặp lại thông tin này trong phần kết (Mc 16,9). Trong Kinh Thánh, con số bảy chỉ sự tròn đầy, bảy quỷ tức là toàn bộ quyền lực của quỷ, đó là một biểu thị về việc quỷ ám nặng nề. Chúng ta không biết tình trạng của bà khi bị bảy quỷ hành hạ như thế nào, cũng không biết bà được Chúa cứu trong hoàn cảnh nào, nhưng có một điều chắc chắn là bà đã được Chúa giải thoát khỏi bảy quỷ.
Từ đó, Maria Mađalêna ở trong nhóm phụ nữ nhiệt thành đi theo Chúa Giêsu và các Tông đồ, rong ruổi trên suốt hành trình loan báo Tin Mừng, đem theo của cải giúp đỡ các Ngài (Lc 8,1-3). Khi Chúa chết, bà là “chứng nhân” đứng dưới chân thập giá và có mặt với các môn đệ trong lúc mai táng Chúa (Mt 27,55-61; Mc 15,40-47; Lc 23,49-56). Trong sách Tin Mừng thánh Gioan, lần đầu tiên bà Maria Mađalêna xuất hiện lại là lần bà đứng chung với Đức Mẹ, để chứng kiến cái chết của Chúa trên thập giá (Ga 19,25).
Sau khi Chúa phục sinh, Maria Mađalêna đóng vai người yêu đi tìm chàng rể trong sách Diễm Ca (Dc 3,1-4a). Bà cũng là hình ảnh tượng trưng cho Hiền Thê là Hội Thánh đi tìm Đức Lang Quân của mình là Chúa Kitô. Thánh Giáo Hoàng Ghêgôriô Cả đã nói về lòng khao khát tìm gặp Chúa của Thánh nữ như sau:
Khi bà Maria Mađalêna đến mộ mà không thấy xác Chúa ở đó, bà tưởng người ta đã đem đi mất, nên đi báo tin cho các môn đệ. Các ông đã đến, đã thấy và tin như người phụ nữ đã nói. Rồi sau đó, Kinh Thánh đã viết về các ông rằng: Các môn đệ trở về nhà, và tiếp theo ngay : Bà Maria đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc.
Vì thế, cần phải suy nghĩ xem sức mạnh của lòng yêu mến đã đốt cháy tâm trí của người phụ nữ này như thế nào. Dù các môn đệ bỏ mộ Chúa ra về, bà vẫn không chịu bỏ về. Bà cố tìm Đấng bà không gặp, vừa khóc vừa tìm, và vì lửa yêu mến bùng lên, bà khao khát tìm Đấng bà tưởng người ta đã đem đi mất. Và bà ở lại để tìm, cho nên bà là người duy nhất được gặp thấy Chúa, bởi vì sự kiên trì là sức mạnh không nhỏ của bất cứ việc lành nào. Đấng là chân lý đã nói: Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
Vậy trước hết bà đã tìm mà chẳng gặp; bà cứ kiên trì tìm kiếm và rốt cuộc bà đã gặp. Sự thể là ao ước mà không được mãn nguyện, thì càng ao ước hơn ; khi lòng ao ước tăng lên, thì nó sẽ chiếm hữu điều nó tìm được. Quả thật, lòng ao ước thánh thiện càng bị trì hoãn thì càng tăng. Còn nếu lòng ao ước càng bị trì hoãn mà suy giảm thì không phải là ao ước thật. Bất cứ ai muốn đạt tới chân lý, thì phải cháy lên ngọn lửa tình yêu này. Như vua Đavít đã nói: Linh hồn tôi khao khát Chúa Trời là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan, và Hội Thánh cũng nói trong sách Diễm Ca: Trái tim tôi đã bị thương tích vì tình yêu, rồi thêm: Tâm hồn tôi tan chảy.
Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ? Bà được hỏi vì sao bà đau buồn là để cho lòng ao ước của bà tăng thêm; vì khi thấy bà nhắc đến Đấng bà đang tìm, thì lòng bà còn cháy lửa yêu mến Người hơn nữa. Đức Giêsu gọi bà : Maria ! Sau khi Người đã gọi bà theo cách nói chung và bà không nhận ra thì Người gọi bà đích danh. Dường như Người muốn nói với bà : Chị hãy nhận ra Đấng đã nhận chị. Thầy không biết chị như bất cứ ai, Thầy biết rõ chị. Vậy bà Maria vì đã được gọi đích danh, nên bà đã nhận ra Đấng tác thành, và bà liền kêu lên: Rápbuni, nghĩa là Lạy Thầy. Bởi chính Đấng bà đôn đáo tìm kiếm, thì cũng đang dạy dỗ trong tâm hồn bà để bà tìm kiếm Người. (Trích bài giảng của Thánh Giáo Hoàng Ghêgôriô Cả về bài Tin Mừng).
Như vậy, các sách Tin Mừng giúp chúng ta khám phá ra vai trò rất đặc biệt của Thánh nữ Maria Mađalêna. Thánh nữ là người luôn đứng đầu danh sách các phụ nữ đã theo Chúa từ Galilê, rong ruổi khắp các nẻo đường truyền giáo cho đến khi đứng dưới chân thập giá chứng kiến cái chết của Chúa. Đặc biệt, Thánh nữ là người đầu tiên gặp Chúa Phục sinh, và được Chúa trao sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục sinh cho các tông đồ. Tất cả những điều này nhằm nhấn mạnh đến sứ vụ đặc biệt của Thánh nữ, như một tấm gương và hình mẫu cho toàn thể Hội Thánh, và nhất là các phụ nữ khám phá ra vai trò và vị trí đặc biệt mà Chúa muốn dành cho mỗi người trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.