Những điều chưa nói về ĐHGT miền Bắc 2019

Thứ hai - 16/12/2019 04:46  3431
Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVII với chủ đề “Hãy về với thân nhân” tổ chức tại Giáo phận Bùi Chu đã khép lại gần một tháng nhưng chắc chắn vẫn còn dư âm tốt đẹp với những ai tham gia. Thông tin liên quan đến đại hội được nhiều người tìm kiếm. Những cụm từ “hoành tráng”, “choáng ngợp”, “ôi thật bất ngờ”, “vượt sự mong đợi” được nhắc đến. Mạng xã hội ngập tràn những hình ảnh, video chia sẻ về đại hội. Nhiều người còn chia sẻ cảm nhận: “Không đi phí nửa đời người”, “Bạn sẽ tiếc hùi hụi nếu bỏ lỡ đấy”, “Tôi đang choáng và rơi vào trạng thái đê mê đây”. Ban Truyền thông Giáo phận liên tục cập nhật những hình ảnh đẹp nhất, tuyệt vời nhất, lung linh nhất trước, trong và sau đại hội. Không thể phủ nhận những thành công về mặt tổ chức, đón tiếp hay quy mô nhưng “để tôi nói cho mà nghe” những điều chưa được kể về đại hội lần này.
 
dsc 0297

22 giờ 30 phút ngày 19 tháng 11
Hơn hai mươi ngàn người trẻ đang thắp lên những ngọn nến sáng giữa cái rét khắc nghiệt của mùa Đông Bắc Bộ. Hai mươi ngàn tâm hồn đang lắng đọng trong giây phút sống thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể. Hai mươi ngàn cõi lòng đang mở ra đầy khát khao để được Thiên Chúa Tình Yêu đụng chạm vào: “Chạm lòng con Chúa ơi, ngay giờ này...” Hai mươi ngàn trái tim đang thổn thức “về với thân nhân”.

Đứng trước tôi ở phía cuối của quảng trường là một thanh niên còn rất trẻ nhưng đầy chất chơi, “xăm trổ hổ báo” khắp mình. Không biết vì lý do gì mà anh cũng không mặc đồng phục của đại hội. Trên người chỉ có một chiếc áo ngắn tay với những hoạ tiết kỳ quái, nhưng anh đang ôm mặt khóc nức nở. Tôi có cảm tưởng anh khóc như chưa bao giờ được khóc. Có lẽ cộng thêm cái rét nên trông anh run run lẩy bẩy lạ thường. Vì tôn trọng anh nên tôi cũng không lấy điện thoại ra để lưu lại khoảnh khắc đầy xúc động này.

Chúa đã chạm vào lòng anh. Lý do anh được đánh động thì tôi cũng không rõ. Tôi thầm nghĩ đại hội rất thành công bởi lẽ như chính lời Chúa Giêsu phán dạy: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7.10). Quý đấng bậc, ban tổ chức sau những vất vả, lo lắng chắc cũng cảm thấy ấm lòng. Biết bao hy sinh, công sức, tiền bạc đã bỏ ra như nhận được một sự đền đáp. Sẽ là không đủ nếu chỉ dừng lại ở con số “khủng” tham dự viên. Đông, vui có lẽ là những cảm nhận hết sức sơ khởi. Sân khấu, chương trình văn nghệ hoành tráng đến đâu cũng không nói lên tất cả. Đại hội đã trở thành một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa qua việc gặp gỡ nhau. Có lẽ đó mới là tiêu chí, là thước đo đánh giá sự thành công cho một cuộc hội ngộ của con cái Chúa.

Một tác giả trưng dẫn trường hợp Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài luôn tạo được sức thu hút, tập hợp hàng chục, hàng trăm ngàn tín hữu, phần đông là giới trẻ, phấn chấn, hồ hởi mỗi khi ngài có dịp tông du. Nhưng mệnh lệnh của ngài về những vấn đề đạo đức riêng tư dường như rơi vào khoảng không. Người Anh nói: “the singer not the song” – đi xem ca sĩ chứ không phải đi nghe bài hát. Điều mà giới trẻ tìm đến quanh ngài là một sự ấm áp hiếm có để cùng nhau cụ thể sống niềm tin trong một ngày, trong một tuần. Rồi ai về nhà nấy, mang theo một kỷ niệm đẹp nhưng ngọn lửa không bền... Tính tôn giáo tan vỡ ra giữa tín, hành, nhập. (Cao Huy Thuần, Tôn giáo và xã hội hiện đại, Nxb Hồng Đức, 2017, tr. 76-78). Mặc dù đó là nhận xét của cá nhân ông về những biến chuyển của lòng tin ở phương Tây nhưng cũng là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận và trả lại ý nghĩa thánh thiêng và đích thực cho các kỳ đại hội.

01 giờ 30 phút sáng ngày 20 tháng 11
Sương lạnh buốt da, hàng người đứng chờ lãnh nhận Bí tích Hoà giải vẫn rất dài. Quý cha vẫn kiên nhẫn ngồi toà. Tôi không vui mừng cho bằng có cái gì đó băn khoăn. Tôi cũng không thực sự ấn tượng cho bằng những thao thức. Sao cứ phải đợi đến đại hội thì chúng ta mới đến giao hoà với Chúa. Sao không thường xuyên hơn? Sao không sớm hơn? Thiên Chúa luôn khoan dung ôm ấp những tội nhân trở về. Tình thương của Người thì luôn lớn lao hơn lỗi tội của chúng ta. Toà cáo giải luôn mở đợi chờ chúng ta đến. Các thừa tác viên của Giáo hội luôn sẵn sàng nhân danh Chúa ban ơn tha tội. Phần chúng ta, tại sao lại chần chừ?

Tại sao lại chần chừ? cũng là tựa đề một cuốn sách trong bộ Cẩm nang của bạn trẻ ngày nay. Thiên Chúa thì luôn hành động còn chúng ta lại thích chần chừ. Dân gian ta thường nói: Nhất tội nhì nợ. Còn gì đau khổ, dằn vặt hơn là đang cưu mang tội trong mình. Chúng ta chần chừ như thể còn nhiều thời gian lắm. Chần chừ nên càng chìm sâu vào nẻo quanh co. Chần chừ nên tìm mọi cách biện minh, thoả hiệp. Chần chừ nên lương tâm dễ chai lỳ, khô cứng. Chần chừ nên cũng ngại thay đổi. Trong mùa Vọng này, chúng ta được nghe rất nhiều đến thái độ tỉnh thức vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến (x. Mt 24,42; 25,13; Mc 13,33). Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates bảo rằng: “Ngã xuống không phải là thất bại. Thất bại đến khi bạn ở nguyên nơi mình ngã”. Thật vậy, thất bại không phải là vấp ngã mà là cứ nằm lỳ sau khi ngã, là từ chối cơ hội để đứng dậy. Bạn sẽ không chết đuối vì ngã xuống nước, bạn chỉ chết đuối nếu ở lại trong nước.

Nếu có dịp đồng hành cùng các bạn trẻ trong các dịp Đại hội Giới trẻ hay Lễ Truyền thống học sinh, sinh viên thì không khó để nhận thấy các bạn bỏ rước lễ rất nhiều. Tạm không truy vấn nguyên nhân nhưng có điều gì đó còn chưa trọn vẹn cho những cuộc hội ngộ. Những người hữu trách có lý do để tỏ ra lo lắng, thất vọng. Dĩ nhiên, phận phàm nhân hèn yếu, tôi không dám đánh giá sự thánh thiện càng không đủ tư cách để xét đoán lòng đạo đức nhưng thực sự tôi cảm thấy xao lòng. Rồi cũng nhiều người như tôi hẳn cũng rất buồn khi nhiều bạn trẻ Công giáo vẫn chung sống trước hôn nhân và nạo phá thai. Tôi còn được biết chỉ vì cái danh mà có bạn sẵn sàng lựa chọn phá thai để đổi lại một lễ cưới trọng thể. Liệu chút sĩ diện hão có đem lại hạnh phúc? Chúng ta có thể vừa đau khổ nhưng vẫn hạnh phúc nhưng không thể vừa phạm tội mà vẫn hạnh phúc.

 
img 7852

Bạn trẻ thân mến!
Sau đại hội, nhiều lời khen ngợi dành cho các bạn lắm: Nhiệt tình, năng động, vui tươi, gần gũi, thân thiện. Thậm chí có người còn đề nghị cách nhìn mới về giới trẻ qua đại hội lần này. Nhưng cũng không ít phàn nàn về thế hệ của các bạn: Bốc đồng, tục tĩu, hung hãn, bất chấp. Một người trưởng thành thì không vội phản ứng trước những lời khen chê nhưng biết khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại. Không ai biết các bạn cho bằng chính các bạn. Năm mục vụ Giới trẻ 2020 của Giáo hội Công giáo Việt Nam có chủ để “Đồng hành với người trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn diện”. Bước đầu tiên của sự trưởng thành có lẽ là xác định được sự thật về con người mình. Nhớ lại câu nói của cựu vận động viên quần vợt người Mỹ gốc Phi Arthur Robert Ashe: “Bắt đầu từ nơi bạn đứng. Sử dụng những gì bạn có. Làm những gì bạn có thể”. Bắt đầu từ nơi bạn đứng với tất cả khả năng và tình yêu.

Trong Bài giảng Đêm Canh thức Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Panama vào ngày 26/01/2019, Đức Thánh cha Phanxicô nói: “Chỉ có tình yêu mới làm cho chúng ta nhân bản hơn và viên mãn hơn; mọi thứ khác chỉ là những thứ dược phẩm giả hiệu gây dễ chịu nhưng vô dụng”. Tình yêu dành cho Chúa làm cho chúng ta gần gũi với Người và khao khát đến với Người để được tha thứ, chữa lành và biến đổi. Tình yêu dành cho Giáo hội khiến chúng ta dấn thân đầy xác tín. Tình yêu dành cho gia đình làm cho chúng ta có trách nhiệm hơn. Tình yêu dành cho tha nhân làm cho chúng ta muốn gặp gỡ, sẻ chia nhiều hơn. Như thế giấc mơ hiệp nhất và hoà giải của Thiên Chúa dần trở thành hiện thực. Gần đây, trong Tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống), ngài đề nghị các bạn trẻ: Tìm kiếm Chúa, giữ Lời Người, tìm cách đáp lời Người bằng chính đời sống của mình, lớn lên trong các nhân đức, điều này làm cho tâm hồn của những người trẻ trở nên mạnh mẽ (số 158).

“Hãy về với thân nhân” vẫn là một lời mời gọi bỏ ngỏ cho các bạn. Mọi người mong chờ những tâm hồn lạc lối trở về “nhà” của mình. Mọi người hy vọng những trái tim cô đơn, bơ vơ gặp lại “thân nhân” của mình. Mọi người đón đợi những cõi lòng tan nát được biến đổi bởi được gặp gỡ với chính Thánh giá Chúa Kitô, nguồn ơn cứu độ. Hội Thánh đang cần đà tiến của các bạn, cần những trực giác và đức tin của các bạn (x. CV, số 299).

Tác giả: Hân Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập350
  • Máy chủ tìm kiếm68
  • Khách viếng thăm282
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại692,519
  • Tổng lượt truy cập70,720,276
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây