Lời nói lung lay gương lành lôi kéo
Chủ nhật - 10/05/2020 05:44
1815
Bản chất của Giáo hội là truyền giáo, nhưng truyền thế nào và truyền những gì luôn là một thách đố. Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, ĐGH Phaolô VI viết : “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Và “Thế giới mặc dầu đã tỏ ra muôn ngàn dấu hiệu khước từ Thiên Chúa, nhưng thực ra lại đang đi tìm Người bằng những đường lối bất ngờ và đang thiết tha cảm thấy cần có Người. Thế giới kêu nài những người rao giảng Tin Mừng hãy nói về một Thiên Chúa mà họ đã biết và tiếp xúc như thể thấy Đấng Vô hình” (x. Dt 11, 21). Quả thật, thế giới đang kêu nài và mong thấy nơi các mục tử và tín hữu một đời sống đơn sơ, tinh thần cầu nguyện, tình bác ái đối với mọi người, nhất là đối với trẻ em và người nghèo.
Kỳ nghỉ vừa qua, tôi có cơ hội thăm một giáo xứ miền núi phía Nam. Giáo xứ có hơn 2 ngàn dân thì quá nửa là người Stiêng và một số ít dân tộc thiểu số khác. Tuy không hẳn là một trọng điểm truyền giáo như các giáo điểm, nhưng với số đông giáo dân là anh em sắc tộc thì việc đưa Chúa đến với họ cũng là vấn đề lớn đối với chủ chăn nơi đây và việc học hỏi ngôn ngữ là một bước đệm cần thiết. Vì từ việc học hỏi ngôn ngữ, người ta hiểu được văn hóa, phong tục, lối sống, suy nghĩ và cả các vấn đề tâm linh. Chính vì vậy Cha xứ cùng một số người có nhiệt tâm, khả năng cùng kinh nghiệm đang chuyển dịch Kinh nguyện, Kinh Thánh và Sách lễ sang tiếng Stiêng để giúp người dân ở đây hiểu mà yêu mến Lời Chúa hơn.
Sau khi tham dự một thánh lễ bằng tiếng dân tộc, tôi thắc mắc với Cha xứ : Con thấy họ nói được tiếng Kinh, sao Cha không dâng lễ bằng tiếng Kinh luôn cho đỡ phải học? Cha trả lời rằng: Người ta hiểu tiếng Kinh như con hiểu tiếng Anh ấy. Con chỉ biết được mấy câu đơn giản thôi. Họ cũng vậy.
Nghe Cha giải thích, tôi mới thấy sự cần thiết của việc thấu hiểu... Cha hiểu suy nghĩ, trình độ dân trí và khả năng của họ nên cách thức giảng Lời Chúa cho họ cũng đặc biệt. Trong những bài giảng ngắn, Cha tranh thủ giải thích Kinh Thánh một cách đơn sơ, rõ ràng cùng những lời khuyên nhủ gần gũi thân thương. Nghe cung cách Cha giảng dạy, tôi cảm nhận được đó là ngôn ngữ xuất phát từ một tâm hồn đã cảm nhận sâu xa về Thiên Chúa với đầy tràn lửa mến. Lúc ấy, tôi thấy mình thật hạnh phúc và như yêu hơn cái linh đạo “Nói với Chúa và Nói về Chúa” mà tôi đang theo.
Sau thánh lễ, tôi theo Cha đi đọc kinh Mân Côi liên gia. Anh chồng đã bỏ đến nhà thờ một thời gian rồi, chỉ vợ con còn giữ lễ Chúa nhật. Tôi nhìn một lượt, ngôi nhà có mỗi cửa ra vào, gian chính chứa được khoảng 15 người với 1 cây quạt, 1 chiếc Ti vi đen trắng, vài cái ca nhựa uống nước. Căn nhà nhỏ vừa đủ che nắng che mưa, nhưng trong cái đơn sơ và thiếu thốn ấy tôi cảm nhận được đầy tình người. Mọi người đến nói chuyện vui vẻ, ánh mắt trong và sáng tỏa ra nét vui tươi. Lúc ở nhà tôi cũng hay đi đọc kinh Mân Côi với mẹ, nhưng chưa bao giờ bắt gặp những hình ảnh này: Một đàn thiên thần nhỏ da ngăm đen; Cha xứ ngồi hàng kế; tôi và mấy ông bà ngồi hàng cuối, góc nhà là anh hàng xóm đứng tay bưng cây quạt ọp ẹp giơ lên quay trái quay phải cho mọi người trong nhà. Anh đứng như vậy suốt buổi đọc kinh mà không tỏ ra phiền hà hay mệt mỏi cứ như làn gió không phải từ quạt mà từ việc anh thấy mọi người được mát và đang dâng lên tòa cao những lời kinh sốt mến. Còn chính tâm hồn tôi thì được những người, những việc đạo đức bình dân nơi đây thổi vào một làn gió mát kì diệu.
Sau khi kết thúc kinh tối, Cha ban phép lành cho mọi người, chị chủ nhà bưng ra 1 đĩa kẹo và sau 3 cái chớp mắt thì dưới đất chỉ còn lại cái đĩa không... lũ trẻ đã chạy hết ra sân. Chị chủ nhà lại bưng ra một đĩa nữa, và vì nhà không có bàn nên tất cả đều được hạ xuống đất, khi ấy cái quạt cũng được anh hàng xóm hạ xuống. Chị trao cho Cha và tôi mỗi người một chai La Vie 330ml (chắc nhà chỉ có 2 chai). Tôi từ chối nhưng Cha thì nhận với lời cảm ơn. Cha ngồi xuống, quay trái quay phải để tìm gì đó… Cha cầm một cái ca ở dưới đất rót nước ra, phần trong chai thì đưa cho ông bên cạnh. Hành động của Cha làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa thấy nó quá đỗi bình dị, thân thương. Những hành động bình thường, lối sống đơn giản của Cha có lẽ đã đi vào lòng người nơi đây như đã đi vào lòng tôi hôm nay. Sau khi nói chuyện thăm hỏi, động viên, Cha nhận được lời hứa sẽ tham dự lễ Chúa Nhật hàng tuần của anh chủ nhà trong cái bắt tay nồng ấm…
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì tình thương Chúa dành cho nhân loại, đặc biệt cho những con người nghèo khổ. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con những vị mục tử đã dành cả cuộc đời mang Chúa đến với những con chiên xa đàn. Chắc chắn trên những nẻo đường truyền giáo còn có nhiều tâm hồn, nhiều con người đang hy sinh thầm lặng, đang quên mình để thắp sáng ngọn lửa đức tin trong những tâm hồn vắng Chúa.
Chúa Giêsu đã đến ở với loài người trong cái nghèo khó của gia đình Nazareth. Chúa đã xuống với tận cùng của kiếp người để dạy chúng ta biết bài học yêu thương. Yêu thương là dòng chảy không ngừng. Chúa yêu con người hơn bản thân mình nên đã ‘Hy sinh tính mạng vì đoàn chiên’. Tình yêu bao trùm tất cả nên Chúa còn băn khoăn thao thức vì ‘Có những chiên khác không thuộc đàn này. Tôi phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi và sẽ chỉ có một đàn chiên và một Mục Tử’. Xin cho Giáo hội có thêm nhiều tâm hồn cùng băn khoăn thao thức với Chúa, cùng sẵn sàng đáp lại: Vâng! Lạy Chúa! Con đây.
Tác giả: Maria Đỗ Thị Thảo