Cùng Mẹ học thầm lặng dưới chân thánh giá

Thứ tư - 10/04/2019 04:33  3129

untitled 2Khi nhìn về cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, chúng ta không thể bỏ qua một số nhân vật vì các ngài có liên quan trực tiếp tới ơn cứu độ của Thiên Chúa – như hoa trái đầu tiên của ơn cứu độ. Nhìn lên cây thập giá, chúng ta thấy hình ảnh của Đấng Bị Đâm Thâu, Đấng là nguồn ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Nhìn xuống dưới chân thập tự, lại thấy thấp thoáng bóng hình của một người nữ mang tên Maria. Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã quỵ. Người viết thiết tưởng, chúng ta nên đi lại hành trình của Mẹ Maria, từ biến cố truyền tin đến đỉnh đồi Canvê, để hiểu được tại sao trong sự thinh lặng Mẹ lại kiên cường đứng vững. Chúng ta cũng cần đi theo Đức Kitô như Mẹ, để có thể đứng vững và đi trọn con đường thập giá đời mình.

Sự có mặt của Đức Maria trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu cho thấy vai trò quan trọng của Mẹ trong nhiệm cục cứu độ, không chỉ cho Chúa Giêsu mà còn cho tất cả những ai đặt niềm tin nơi Người.“Đứng gần Thập giá Chúa Giêsu có thân mẫu Người” (Ga 19,25-27). Tin mừng Gioan cho biết Mẹ đứng đó - dưới chân thập giá, cùng với mấy người phụ nữ và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến, nhưng không nói rõ, Mẹ đứng đó làm gì?

Trong tâm thức bình dân của người tín hữu mọi nơi, mọi thời, Mẹ đứng đó dưới chân thập giá, “chắp đôi tay nguyện cầu” cho Con của Mẹ, cho nhân loại khổ đau thoát khỏi vòng tội lỗi. Dưới chân thập giá, Đức Maria đã hiệp thông cùng với Con của Mẹ, để chung chia phần đau khổ, để tham gia vào sứ mạng cứu độ.

Thánh Công đồng chung Vatican II, trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội đã khẳng định: “Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tâm tình của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy vật do lòng mình sinh ra”(số 58).

Dù hiểu thế nào thì đối với các tín hữu nói chung và những người dâng hiến nói riêng, hình ảnh Đức Maria dưới chân thập giá luôn là một hình ảnh đẹp và đầy ý nghĩa trong cuộc lữ hành dương thế. Bởi lẽ, Đức Maria đã góp phần quan trọng làm cho công cuộc cứu độ của Thiên Chúa được thành sự. Chính Mẹ chứ không ai khác đã sinh Chúa Giêsu cho trần gian và làm cho trần gian được hưởng nhờ ơn cứu độ. Việc chiêm ngắm Đức Maria dưới chân thập giá sẽ là uổng phí, nếu mỗi người không tự rút ra cho mình bài học nào đó thiết thực cho mình!

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết tha kêu mời gọi tín hữu để tâm chiêm ngắm và bắt chước Đức Maria: Trước hết, như là người nữ đã có thái độ ngoan ngoãn vâng nghe tiếng của Thần Khí; như là người nữ biết thinh lặng và để ý lưu tâm; như là người nữ của lòng trông cậy và hệt như Abraham, là người đã đón nhận thánh ý Thiên Chúa với lòng trông cậy dù không còn gì để cậy trông vào” (x. Rm 4,18). Đức Maria là hình ảnh phản chiếu trọn vẹn niềm trông cậy sống động mệnh danh là“anawin – người  nghèo của Thiên Chúa”, và là một gương mẫu sáng chói của những ai biết đặt trọn niềm tin tưởng vào những lời Thiên Chúa hứa. Thái độ của Mẹ trong suốt hành trình khổ nạn của Con Yêu Dấu là sự thinh lặng: thinh lặng vâng theo Thánh ý Cha mà dâng hiến Con; thinh lặng để trao ban sự tha thứ và thinh lặng trong niềm tin, niềm hy vọng vào sự Phục Sinh.

Thinh lặng vâng theo Thánh Ý Cha Trên Trời mà dâng hiến Con yêu dấu

Đức Trinh Nữ Maria đứng dưới chân cây Thập giá hoàn toàn thuận phục hoạch định của Thiên Chúa. Việc Đức Maria đứng dưới chân cây Thập giá, không dừng lại ở tình thương tự nhiên của một người mẹ, song do ơn Chúa và Thánh Ý. Trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Công đồng Vatican II đã quả quyết: “Đức Trinh Nữ trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên cây Thập giá là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng ở đó. Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy tế của Con, với một tấm lòng của một người mẹ hết lòng ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng dạ mình sinh ra”(số 58).

Cuộc tiến bước của Đức Maria lên núi Sọ có tính cách hoàn toàn tự nguyện và khởi sự từ rất sớm. Có thể nói nó bắt đầu ngay từ lời tiên báo của cụ già Simêon khi Mẹ tiến dâng Hài Nhi Giêsu trong Đền thờ Giêrusalem: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng… Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu hồn bà” (Lc 2,34-35). Ngay lúc khởi đầu cuộc sống tại thế của Chúa Giêsu, Mẹ đã thoáng thấy tấn thảm kịch trên núi Sọ. Ngôi Lời nhập thể là để thực hiện hy tế ấy. Ngài đã đến trong trần gian này là vì “giờ” của khổ nạn, giờ Ngài vượt qua thế gian này để về cùng Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). Thảm kịch trên núi Sọ không phải là một biến cố có tính ngẫu nhiên, hay có tính cách tình cờ đối với Mẹ nhưng Mẹ đã được chuẩn bị cho tấn thảm kịch đó từ lâu và mỗi ngày. Mỗi một ngày sống là Mẹ càng tiến sâu hơn vào đau khổ của Con Mẹ.

Cũng như Con yêu dấu của mình, Mẹ đã im lặng đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả, không kêu khóc, than van, phẫn nộ gì cả và Mẹ đã nhìn nhận trong các biến cố đau thương ấy theo thánh ý Cha trên trời với tất cả lòng tin, lòng cậy, lòng mến.

Đúng như Công đồng Vatican II đã nói trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội: “Lời ưng thuận trong ngày truyền tin mà Người đã không ngần ngại giữ vững bên Thập giá”(số 62). Giờ đây lời xin vâng ấy trở nên đau đớn hơn, biến thành “xin vâng” đồng thống khổ với Con Yêu Dấu. Cùng với Chúa Giêsu, Mẹ đã cộng tác vào việc dâng lên Thiên Chúa Cha một lễ tế đền tạ tội lỗi trần gian để nhận được ơn cứu rỗi cho nhân loại.

Thinh lặng để trao ban sự tha thứ

Mẹ thinh lặng dưới chân Thập giá không chỉ để hiến tế Con mà còn để trao ban sự tha thứ. Yêu thương của Mẹ cũng là yêu thương của Chúa Giêsu: một yêu thương sẵn sàng tha thứ và thứ tha luôn mãi. Yêu thương đó cũng còn là cầu nguyện cho những kẻ làm khổ mình.

Mẹ thinh lặng trước sự thay lòng đổi dạ của dân chúng. Mẹ không oán trách họ. Mẹ thinh lặng để cho những làn sóng vô ơn bạc nghĩa tràn vào lòng Mẹ. Thinh lặng đó là một thứ đối thoại âm thầm của trái tim dâng hiến.

Mẹ thinh lặng trước tình trạng “đóng băng” của Nhóm Mười Hai. Mẹ không trách cứ họ. Mẹ đón nhận cảnh tan rã thê thảm của các Tông đồ vào lòng. Thinh lặng của Mẹ là một thái độ tích cực có sức thánh hoá. Đó là một thứ đối thoại dịu dàng của tấm lòng hiền mẫu.

Mẹ thinh lặng trước bản án bất công của quan Philatô và trước những cực hình man rợ của quân thi hành bản án đối với Chúa Giêsu. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô đã đặt “Lời của Thập Giá”(x.1Cr 1,17 – 2,9) đối lập với ngôn ngữ khôn ngoan của nhân loại. Sự khác biệt nằm ở chỗ: khôn ngoan của thế gian thì diễn tả bằng lời nói, bằng những diễn từ văn hoa. Ngược lại, Thập Giá diễn tả bằng thinh lặng. “Ngôn ngữ của Thập Giá là thinh lặng” (Lm. Giuse Hoàng Văn Tới, Thánh mẫu học).

Thinh lặng trong niềm tin, niềm hy vọng vào sự Phục sinh

Nếu vào giờ của khổ nạn, các môn đệ thân tín đứng trước thử thách của lòng tin, đã hoảng loạn đến tan rã, thì riêng Mẹ vẫn thinh lặng, đứng vững không lay chuyển trong lòng tin sắt đá của mình. Mẹ vẫn đặt trọn niềm tin vào Người Con bị đóng đinh vào Thập giá, vẫn tiếp tục nhìn nhận Ngài như Vị Cứu tinh của nhân loại, tiếp tục nhìn nhận Ngài như là Con Đấng Tối Cao, là Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi.

Dưới mắt của nhiều người việc Chúa Giêsu bị bắt và bị hành quyết có vẻ là một thất bại rõ rệt nhưng bất chấp những dấu hiệu bên ngoài đó, Mẹ vẫn xác tín thảm kịch đang diễn ra trước mắt rồi đây cũng sẽ kết thúc bằng một sự vinh thắng của Con mình. Cũng như lời Kinh Thánh nói về Abraham, Đức Maria đã tin mạnh mẽ rằng Thiên Chúa đủ quyền năng làm cho Con mình sống lại “cũng từ trong kẻ chết”.

Mẹ quả là tín hữu tuyệt thế! Mẹ đã dự phần vào cái chết cứu độ của Con mình. Tiếng fiat được Mẹ không ngừng thốt lên trong từng giây phút của cuộc sống và đặc biệt trong những biến cố đầy thử thách. Điều này đã bộc lộ được ý nghĩa trọn vẹn đến mức tuyệt đỉnh của nó qua thái độ thinh lặng của Mẹ trên đồi Canve.

Thành ra, có thể nói rằng, năm xưa, “Mẹ đứng đó” trong suốt cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, thì hôm nay, giữa lòng cuộc đời, Đức Maria luôn hiện diện và đứng đó bên cạnh các con cái của mình, nơi mỗi gia đình, mỗi một người để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, để san sẻ cùng các con gánh nặng của cuộc sống. Năm xưa, “dưới chân thập giá” Mẹ đứng đó nguyện cầu và chia sẻ mầu nhiệm thập giá trong đời Con, thì hôm nay, Mẹ cũng đang đứng đó bên cạnh các Kitô hữu để giúp họ cam đảm vác những thập giá của cuộc đời.

Hóa ra, đường thập giá đời Con năm xưa có Mẹ, thì đường thập giá đời con hôm nay cũng có Mẹ. Đôi tay Mẹ chắp lại nguyện cầu cho Con trên đỉnh đồi sọ, thì đôi tay ấy, hôm nay cũng đang chắp lại nguyện cầu cho các con cái vượt qua mọi sóng dữ của cuộc sống gian trần lắm gian nan, nhiều vất vả. Năm xưa, dưới chân thập giá, Mẹ chia sẻ thập giá với Con, thì hôm nay, mẹ vẫn đang đứng đó bên các con trong các biến cố đau thương của cuộc đời để cứu giúp, chở che.

Và nếu như coi cuộc hội ngộ Mẹ - Con dưới chân thập giá như một hồi kết của một giai đoạn mà ở nơi ấy, Con Thiên Chúa làm người đã sống trọn vẹn kiếp nhân sinh bên cạnh người Mẹ của mình, thì dưới chân thập giá, một cuộc sinh hạ mới đã được bắt đầu, một nhân loại mới được tái sinh trong Đức Giêsu để trở nên con Thiên Chúa và làm con của Mẹ.

Con đường thập giá mà Đức Giêsu đã đi luôn có Mẹ, thì nay đã trở thành con đường của Hội thánh và của tất cả những ai tin cũng sẽ luôn có Mẹ đồng hành. Lời Đức Giêsu năm xưa nói với các môn đệ: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34) đang là thách đố và đang chờ lời đáp trả của các con cái của Mẹ, nhất là những người sống đời thánh hiến, trong cuộc lữ hành đức tin của mình.

Vấn đề là, mỗi chúng ta có “đón Mẹ về nhà” như thánh Gioan không? Bởi vì, trên “con đường về quê mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai, biết trông nhờ ai???”

Như thế, chính lúc Mẹ bình an dâng hiến người con Duy Nhất, Mẹ nhận lại gấp trăm, nơi Người Môn Đệ Đức Giêsu thương mến. Và Mẹ cũng không mất đi Người Con Duy Nhất của Mẹ, vì Ngài sẽ hiện diện ở nơi anh chị em mới của Ngài.

Xin Chúa cũng ban cho chúng ta có cùng một kinh nghiệm của Đức Mẹ: dưới chân thập giá đau thương của cuộc đời, của hành trình ơn gọi, xin chúng ta cảm nhận với niềm vui và hạnh phúc, sự sống mới của Đức Kitô đang phát sinh ngay hôm nay, và mãi mãi triển nở thật dồi dào.

Tác giả: Nt. Maria Nguyễn Minh Thuận

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập402
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm382
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại913,516
  • Tổng lượt truy cập78,916,967
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây