Can đảm thưa xin vâng

Thứ sáu - 22/12/2023 22:32  271
Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm B
Lc 1,26-38

istockphoto 498379500 612x612Trình thuật về cuộc truyền tin cho Đức Maria mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay đã làm nổi bật về lòng tín thác, can đảm chấp nhận mạo hiểm của Đức Maria qua lời thưa “Xin vâng”. Đức Maria đã chấp nhận tất cả, để cho Thánh ý Thiên Chúa được thực hiện nơi Mẹ. Chính việc can đảm đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa và tín thác hoàn toàn vào Ngài để thực hiện trọn vẹn sứ vụ của mình cách hoàn hảo, Đức Maria đã trở nên một Nữ Vương trong việc thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Thật vậy, trong toàn bộ Thánh Kinh, chỉ có Tin mừng theo thánh Luca (1,26-38) ghi lại biến cố truyền tin. Sứ thần Gabriel đến với một thiếu nữ đã đính hôn tên là Maria tại làng Nazaret để loan báo tin vui về việc hạ sinh Đấng Được Xức Dầu được đợi trông từ bao đời.  Sứ thần loan tin cho thiếu nữ: “Này đây, bà sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, và bà sẽ đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Tin báo này làm Đức Maria ngỡ ngàng, vì Ngài đã quyết chí giữ đức khiết tịnh[1]. Sứ thần đã giải thích về cách thức Thiên Chúa sẽ làm cho sự kiện mang thai lạ lùng xẩy ra: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không có thể” (x. Lc 1,37). Mặc dù đã có lời trấn an của sứ thần, nhưng chắc chắn Đức Maria cũng hoảng hốt vì Mẹ không biết đến việc vợ chồng. Tuy nhiên, Đức Maria đã can đảm và suy phục thánh ý Chúa nên đã thưa với sứ thần: “Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, xin hãy làm trọn nơi tôi điều sứ thần truyền” (x. Lc 1,38). Đây là giờ phút hệ trọng của cuộc đời Đức Maria, giờ phút mà con người cảm thấy mình sẽ không bao giờ hiểu thấu được từ “như thế nào”.

Nói lời “Xin vâng”, nghĩa là Mẹ đã chấp nhận đi vào một hành trình mới. Hành trình này có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng, ảnh hưởng đến cả danh dự cho chính bản thân Mẹ cũng như gia đình, dòng họ. Đáp tiếng “Xin vâng” có nghĩa là sẵn sàng nhận một cuộc “phiêu lưu mạo hiểm” mới, một cuốc sống mới, một hành trình mới. Mẹ đã từ bỏ một cuộc sống bình yên thường ngày của một cô gái thôn quê, để đi vào một hành trình nhiều biến đổi, nhiều thách đố, nhiều gian nan trong việc mang Con Chúa đến với nhân loại. Thái độ bối rối cũng nhanh chóng lùi xa để nhường chỗ cho một quyết định dứt khoát: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (x. Lc 1,38). Giờ đây, cuộc đời Mẹ luôn có Chúa đồng hành và Ngôi Lời chính là nguồn sống của Mẹ. Chính lời thưa “Xin vâng” của Mẹ đã mở ra một hành trình mới, một sứ vụ vô cùng quan trọng để Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình giữa nhân loại.


Hơn nữa, đối với một người con gái miền quê thời đó, để nói lời “Xin vâng” quả thật là điều không dễ dàng chút nào. Tổng lãnh thiên thần Gabrie đã hết sức cung kính, thánh thiện và nghiêm trang đã nói đúng theo lời các tiên tri từ xưa đã loan báo về Đấng Cứu Thế, rồi trưng ra phép lạ người chị họ Êlisabet đã già cả son sẻ mà vẫn sinh con để Mẹ hiểu và an tâm. Dẫu vậy, với lòng khiêm nhường thẳm sâu, Đức Mẹ vẫn nhận thấy những điều không thể hiểu: một là, người phàm trần như Mẹ, thì làm sao trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa; hai là một người nữ giữ mình đồng trinh tuyệt đối như Mẹ, thì làm sao thụ thai được? Những điều này không thể nào được thực hiện theo sức loài người. Dầu vậy, khi thiên sứ quả quyết rằng không có việc gì mà Thiên Chúa toàn năng không làm được, thì Đức Mẹ nhắm mắt tin vào Lời Chúa với tất cả mọi điều mạo hiểm, mọi sự nguy biến, mọi nỗi đau khổ hồn xác sẽ xảy ra trong đời mình. Vì thế, sau hai tiếng vắn gọn “Xin Vâng”, Đức Mẹ quyết sống trọn vẹn đức tin của mình: đức tin này không hề bị lay chuyển khi bị thánh Giuse hiểu lầm, khi bị hắt hủi tại Bêlem, khi sinh Con lạnh lẽo trong hang đá nghèo hèn, khi đứng lặng trên Núi Sọ dưới chân thập giá treo xác Con mình sau này.

Theo Cha Raoul Plus, khi Đức Maria nói lời “Xin vâng” cũng đồng nghĩa với việc Mẹ can đảm chấp nhận đau khổ: “Fiat ư? Tôi biết rõ từ này: đó là lời hấp hối. Tôi đã nghe Chúa Kitô thưa lên lời đó trong vườn Cây Dầu ở Giệtsêmani lúc ba mươi ba tuổi: “Lạy Cha, Cha ơi xin cất chén này xa Con. Nhưng xin theo ý Cha! Con chấp nhận. Fiat[2]. Như thế, đối với Đức Maria, không thể tham dự vào công cuộc cứu chuộc mà không phải trả giá. Đức Maria vì tình yêu Chúa và nhân loại thúc đẩy, đã can đảm chấp nhận mạo hiểm để nói lời “Xin vâng”. Từ đó Mẹ sẽ đi vào một hành trình mới của Thiên Chúa, hành trình ấy có vinh quang, có hạnh phúc, nhưng cũng không thiếu phần đau khổ, “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (x. Lc 2,35). Đức Maria chấp nhận mạo hiểm và can đảm nói lời “xin vâng” vì Mẹ cũng như toàn dân Israel đang khát khao mong Đấng Messia đến. Như thế, Đức Maria can đảm, chấp nhận mạo hiểm để nói lời thưa “Xin vâng” không chỉ liên quan đến cá nhân Mẹ mà còn liên hệ đến toàn dân tộc của Mẹ cũng như của toàn nhân loại. Đức Maria chấp nhận mạo hiểm nói lời Fiat vì trong tâm hồn của Đức Maria có sự dâng hiến cho Thiên Chúa những gì là của Mẹ và cả những gì của dân tộc Israel. Đức Maria là linh hồn, là tiếng nói và là sự diễn tả của ơn gọi của cả dân tộc Israel. Vì thế Mẹ can đảm, chấp nhận mạo hiểm trả lời Thiên Chúa với tư cách cá nhân, và với tư cách là trinh nữ Israel, nữ tử Sion, mang tính cách cho dân tộc Israel và liên hệ tới cả nhân loại nữa[3]

Với lòng tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, Mẹ chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận tất cả để nói lời “Xin vâng”. Mẹ đã hoàn toàn tin theo thánh ý Chúa và để cho ý Chúa được thực hiện nơi Mẹ. Bởi vì, Đức Maria đã chấp nhận mầu nhiệm trong sự tự do, tức đi vào một hành trình đức tin, bất chấp những gì sẽ xảy đến tiếp theo cho mình, có thể sẽ bị mang tiếng là phạm tội ngoại tình và theo Luật Do Thái giáo sẽ bị ném đá cho đến chết (x. Đnl 22,22-23). Sự chấp nhận mạo hiểm này không phải là sự nhu nhược, khiếp sợ hay mù quáng nhắm mắt ưng thuận, nhưng là sự tự nguyện có ý thức và tự do của Đức Maria. Bởi vì, sau lời đề nghị của Sứ Thần của Thiên Chúa, Mẹ đã nói: “Việc ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Sau khi Sứ thần Thiên Chúa giải thích cho Mẹ, Mẹ đã tự do nói lời “Xin vâng”. Tiếng “Xin vâng” của Đức Maria bao gồm định hướng của toàn bộ cuộc đời Mẹ hướng về Thiên Chúa, và chấp nhận tất cả các chọn lựa của Chúa Kitô từ Bêlem cho đến Thập Giá. Đúng hơn, đây là một khuynh hướng quan trọng của tình yêu hướng đến việc làm đẹp lòng Thiên Chúa, hướng đến điều làm vui lòng Ngài, và là một khuynh hướng thấm nhuần vào trong toàn bộ cuộc đời Đức Maria khi can đảm, chấp nhận mạo hiểm để nói lời “Xin vâng”[4].

Như vậy, khởi đầu hành trình mang Con Chúa đến với nhân loại, Đức Maria đã đón nhận Lời qua việc tự do, can đảm chấp nhận mạo hiểm để nói lời “Xin vâng”. Ngay sau lời thưa “Xin vâng”, Ngôi Lời đã đi vào nhân loại trở nên xác phàm trong cung lòng Trinh Nữ Maria. Xin cho mỗi người chúng ta luôn can đảm tuyên xưng Đức Tin của mình và biết “xin vâng” theo Thánh ý Chúa mỗi ngày trong cuộc sống. Amen.
 

[1] X. Maria Agrêđa, Thần Đô Huyền Nhiệm, Thư viện ĐCV. Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu, tr.78.
[2] X. Raoul Plus, S.J. Marie Dans Notre Historie Divine, Đức Maria trong lịch sử Thiên Chúa cứu độ, Giêrônimô Maria chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo 2011, tr.33.
[3] X. Đhy. Carlo Maria Martini, Con đường Tin Mừng của Đức Maria, Lm. Phạm Quốc Huyên chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo, 2015, tr.12.
[4] X. Đhy. Carlo Maria Martini, Con đường Tin Mừng của Đức Maria, Lm. Phạm Quốc Huyên chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo, 2015, tr.17.

Tác giả: Lm. Jos. Duy Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập273
  • Máy chủ tìm kiếm71
  • Khách viếng thăm202
  • Hôm nay66,204
  • Tháng hiện tại1,228,975
  • Tổng lượt truy cập71,256,732
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây