Yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu
Thứ sáu - 08/04/2016 22:57
2035
PHẦN II
LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG TÂN ƯỚC
I. Ô, một bông hồng…nở giữa mùa đông
Mát-thêu và Lu-ca mở đầu tác phẩm của mình bằng việc giới thiệu cuộc đời công khai và sứ điệp của Chúa Giê-su, mà người ta thường đặt tên cho phần này là: phần kể chuyện thời thơ ấu. Có lẽ nên gọi là «thời tiền sứ mạng công khai của Đức Giê-su» thì tốt hơn là gọi là «thời thơ ấu»[1]. Bởi vì, từ một góc độ lịch sử, trình thuật này gợi ra một số vấn nạn đặc biệt. Thật vậy, nó không tường thuật lại một biến cố được chứng kiến tận mắt, giống như phần lớn ở trong hai Tin mừng. Dù sao, hai thánh sử này cũng không tự tạo ra trình thuật tiền lịch sử này! Họ sáng tác câu chuyện theo một truyền thống trước đó, và nó có giá trị đối với họ; cụ thể hơn, họ sáng tác câu chuyện theo hai truyền thống khác nhau. Vì vậy mà, ngoài những điểm khác nhau, thì có những điểm quan trọng giống nhau: chẳng hạn như việc sinh hạ đồng trinh, hay Chúa Giê-su được sinh ra ở Bê-lem. Chính điểm cốt lõi này làm cho câu chuyện tiền lịch sử mang một số yếu tố lịch sử đáng tin cậy. Hơn thế nữa, chúng ta còn thấy lời khẳng định nghiêm túc nơi trình thuật Lu-ca: ngài đã cẩn thận tra cứu tất cả, kể cả trình thuật tiền lịch sử, rồi mới soạn thảo Tin mừng mang tên mình. Như thế, rõ ràng Ngài nhấn mạnh tới thực tại lời loan báo của mình (Lc 4,2-4).
Đó là vài yếu tố rõ ràng mà người ta không thể mô tả trình thuật tiền lịch sử trên như là một bản ghi chép lịch sử theo nghĩa hiện đại; nhưng người ta cũng không thể bỏ qua nó như là câu chuyện không có giá trị lịch sử, được dựng nên như là huyền thoại thiêng liêng. Vấn nạn này thuộc thể loại đặc biệt của lịch sử. Tiền sử là lối kể thần học theo cách diễn nghĩa (haggadah) của người Do-thái[2]. Theo cách thức này, Lu-ca nhấn mạnh rằng điều mà ngài đang truyền đạt thuộc lối thần học kể chuyện cắm rễ trong thời gian và không gian. Cụ thể là ở một nơi chốn đặc biệt, nhất là ở Bê-lem, rồi ở trong một lịch sử rõ ràng và một thể chế chính trị có tên gọi là hoàng đế Au-gút-tô và quan tổng trấn Qui-ri-ni-ô (Lc 2,1). Còn theo Mát-thêu, câu chuyện xảy ra dưới triều đại vua Hê-rô-đê (Mt 2,1).
Tất cả những gì xảy ra tại một nơi chốn ở trong một mốc điểm thời gian đặc biệt của lịch sử đều thuộc về câu chuyện Thiên Chúa tiếp xúc trọn vẹn với con người. Theo gia phả của thánh sử Mát-thêu, Chúa Giê-su dìm mình trong lịch sử cứu độ, mà khởi đầu là Áp-ra-ham (Mt 1,1-7). Theo hướng này, câu đầu tiên của Tin mừng Mát-thêu là: «Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu Áp-ra-ham ». Còn Lu-ca lại muốn lội ngược dòng lịch sử sâu xa hơn, ngài đặt Đức Giê-su trong lịch sử của toàn thể nhân loại bắt đầu với A-đam (Lc 3,23-38).
Cho dù chúng ta đề cập tới một biến cố thực trong lịch sử, thì biến cố này không đến từ lịch sử. Theo cả hai Tin mừng, Chúa Giê-su bước vào thế gian bằng hành động của Chúa Thánh Thần (Mt 1,20; Lc 1,35). Ngài xuất hiện một cách lạ lùng với sự can thiệp của Thiên Chúa, Ngài là Con Thiên Chúa (Lc 1,32-35). Phép lạ đích thực ở đây không phải là cuộc sinh hạ đồng trinh; đó chỉ là dấu chỉ thể lý qua đó con đường ân sủng của Thiên Chúa bước vào lịch sử mà thôi[3]. Nhưng, phép lạ vĩ đại và ngỡ ngàng hơn việc sinh hạ đồng trinh chính là phép lạ về việc Thiên Chúa đến với con người bằng cuộc nhập thể của Ngài. Tên «Giê-su» chỉ rõ điều này: Thiên Chúa cứu, Ngài là Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở với chúng ta (Mt 1,23). Như vậy, câu chuyện tiền lịch sử đã hàm ẩn điều hiển nhiên về lịch sử cuộc đời công khai của Đức Giê-su. Câu chuyện ấy kể cho chúng ta biết Đức Giê-su là ai, và từ đâu Ngài đến.
Nếu chúng ta nhìn nội dung thần học một cách chi tiết về câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng tất cả những điều lưu tâm chính yếu như: động lực, các chủ đề về cuộc đời công khai của Đức Giê-su cùng với lời giảng dạy của Ngài đều đã được loan báo ở trong đó như là một khúc dạo đầu của bản nhạc. Câu chuyện tiền lịch sử này giống như là Tin mừng vắn gọn. Nó núp mình hoàn toàn dưới lòng xót thương của Thiên Chúa[4]. Câu chuyện tiền lịch sử ấy hiểu cuộc đời Đức Giê-su như là công trình hoàn tất lời hứa cứu rỗi được loan báo từ xưa (Mt 1,22). Nó thuộc về lịch sử hành động của lòng xót thương Thiên Chúa (evleoj) từ đời nọ tới đời kia (Lc 1,50). Như Ngài đã hứa, bây giờ Thiên Chúa độ trì Ít-ra-en, vì Ngài nhớ lại lòng thương xót của Ngài (Lc 1,54).
«Ngài tỏ lòng thương xót đã hứa với tổ phụ chúng ta,
Và nhớ lại lời xưa giao ước» (Lc 1,72).
Với tình thương xót của Thiên Chúa, Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi trong bóng tối tử thần (Lc 1,78tt). Trình thuật giáng sinh theo thánh sử Lu-ca tuyên xưng biến cố giáng sinh của Đấng Cứu Thế, với niềm hy vọng tràn trề: «Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, Đức Chúa» (Lc 2,11).
Lời loan báo về Đấng Thiên Sai đã được kiện toàn nơi những người thuộc dòng dõi quyền quý nhà A-ha-ron (Lc 1,6) và nhà Đa-vít (Mt 1,20; Lc 1,27; 2,4). Những người như Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét (Lc 1,5), Si-mê-on và An-na (Lc 2,25-38) cũng thuộc số những người đơn sơ, đạo hạnh, số nhỏ cụ thể khát khao mong đợi Đấng Cứu Tinh đến. Như vậy, lịch sử này làm đảo lộn lối suy nghĩ của con người; nó trình bày một thang giá trị vượt lên trên những quy tắc hành xử thông thường của con người: một phụ nữ hiếm hoi như Ê-li-sa-bét và một trinh nữ như Ma-ri-a lại trở thành những người mang thai (Lc 1,7.34); kẻ quyền thế bị lật khỏi ngai, còn người phận nhỏ lại được nâng cao; kẻ đói nghèo được đầy dư trong khi kẻ giàu có lại trở về tay không (Lc 1,52t). Theo chiều hướng này, lịch sử hoàn tất điều đã được loan báo trong câu chuyện Cựu Ước về bà An-na, mẹ của Sa-mu-en khi bà cất tiếng ca tạ ơn Thiên Chúa. Đó là trình thuật về một Thiên Chúa, Đấng cầm quyền sinh tử, Người bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp và Người cũng nhắc lên cao (1Sm 2,1-11). Câu chuyện đó như được tham dự trước vào bài giảng trên núi của Chúa Giê-su. Trong bài giảng ấy, Chúa đảo ngược những lối suy nghĩ thuần túy con người: người nghèo khó, kẻ khóc than, người bất lực, người có lòng thương xót, người kiến tạo hoà bình, và những người bị bách hại được mời gọi để lãnh nhận lời chúc phúc (Mt 5,3-11; Lc 6,20-26).
Với những đặc tính tuyệt vời trên, lịch sử này phá toang cách đo lường đã giới hạn dân Ít-ra-en, và hướng họ mở ra với toàn thể nhân loại. Nó nới rộng, lội ngược dòng lịch sử vượt qua Mô-sê tới Áp-ra-ham, nhờ người mà cả nhân loại trên mặt đất được chúc lành (St 12,2t). Và lịch sử này còn lội tận tới A-đam, tổ tiên của tất cả nhân loại. Chiều kích phổ quát này cũng được diễn tả trong trình thuật các nhà chiêm tinh đến từ phương Đông. Qua đó, cả vũ trụ và các tôn giáo dân ngoại cũng được liên đới (Mt 2,1-12). Sự kiện này như được tham dự vào huyền nhiệm mà Cựu Ước đã loan báo về cuộc hành hương cánh chung của các dân nước về Núi Si-on (Is 2; Mk 4,1.3; x. Mt 8,11).[5] Khi Đức Giê-su đến, Ngài mang theo bình an (shalom) cho mọi người Chúa thương (Lc 2,14).
Cuối cùng, cụ già Si-mê-on đã chúc tụng Chúa trong Đền Thờ:
«Vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ,
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân,
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
Là vinh quang của Ít-ra-en, dân Ngài» (Lc 2,30-32).
Câu chuyện Giáng sinh thật tuyệt vời cảm động, nó có thể được biến chế thành tiểu thuyết tình cảm. Nhưng thực ra, câu chuyện thuật lại rằng: Đấng Cứu Thế mới sinh ra không ở trong nơi bình thường, mà là ở giữa những người mục đồng nghèo khổ, bị Hê-rô-đê tìm cách giết, sự kiện sát hại các trẻ vô tội ở Bê-lem, cuộc chạy trốn sang Ai-cập và có lời tiên tri báo trước rằng Đức Giê-su sẽ trở thành dấu cho người ta chống đối, và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu trái tim mẹ Người (Lc 2,34tt). Ngay từ khởi đầu này, bóng thập giá đã bao phủ câu chuyện mà bây giờ sẽ được bắt đầu.
Như thế, câu chuyện tiền lịch sử của Tin mừng không hề là một huyền thoại bình dị phổ biến. Câu chuyện này xé toang tất cả ý niệm và mong đợi bình thường: Đấng Cứu Thế sinh ra từ một trinh nữ, không phải ở trong cung đình mà là ở nơi máng cỏ bò lừa giữa những người nghèo, những người mục đồng bên lề xã hội. Không hề có chuyện giống như thế được sáng tác. Đó không hề là ngôn ngữ của một câu chuyện huyền bí hay thần thoại. Nếu cuộc đời của một con người, khởi đầu với máng cỏ và kết thúc ở trên cây gỗ, «thì câu chuyện ấy chỉ có thể được rút ra từ một lịch sử thật, chứ không hề từ một huyền thoại vàng son dễ thương»[6]. Tuy nhiên, trong nghịch lý đầy sức căng giữa tiếng hát của các thiên thần trên trời và thực tại tàn bạo lịch sử dưới đất, ta thấy một sự kỳ diệu độc nhất vọt chảy lên từ câu chuỵên Giáng sinh: sự kỳ diệu này làm cho nhiều tâm hồn được vươn cao và đã sờ chạm vào con tim họ.
Câu chuyện này chỉ dễ hiểu với những tâm hồn cao thượng. Ngay sau thời Tân Ước, I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a đã nhận biết ý nghĩa sâu xa của trình thuật Giáng sinh. Ngài nhận định rằng: Chúa Giê-su Ki-tô có nguồn gốc từ Thinh Lặng viên miễn của Chúa Cha.[7] Giáo phụ này đã trích từ sách Khôn ngoan 18,14-15:
«Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng,
Lúc đêm trường chừng như điểm canh ba,
Thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài
Đã rời bỏ ngôi báu».
Nhà thần bí người Đức Ec-khát đã lấy lại ý tưởng này và triển khai thêm rằng[8]: Thiên Chúa xuất hiện, Ngài khác xa phàm nhân. Chúng ta chỉ tin và thờ lạy Ngài trong thinh lặng. Từ giữa đêm đen, theo ý muốn khôn thấu của mình, Thiên Chúa đã bước ra khỏi thinh lặng để đến thông truyền chính Ngài cho chúng ta nơi Ngôi Lời vĩnh hằng đã trở thành xác phàm, Ngôi Lời đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1,1.14).
Qua hai ngàn năm, câu chuyện Giáng sinh không hề mất đi sự hấp dẫn lôi cuốn của nó. Với hình thức bình dân hơn, câu chuyện này gợi lên sự ngỡ ngàng cho những người tin cũng như những người không tin, và cho tới cả ngày hôm nay nữa. Thánh Phan-xi-cô Át-si-si là người đầu tiên có sáng kiến làm hang đá để diễn tả cách hữu hình hơn câu chuyện này. Qua đó tình thương Thiên Chúa bộc lộ cho chúng ta theo cách thức không thể tưởng tượng nổi. Ngày nay, có rất nhiều người, ngay cả những người xa lạ với Giáo hội, đã viếng Hài Đồng nơi hang đá. Họ cảm nghiệm Ngài như là tia sáng tình yêu và hy vọng cho thế giới tăm tối băng giá.
Một bài thánh ca Noel truyền thống từ thế kỷ thứ 16 đã diễn tả sống động vượt sức tưởng tượng về sự tuyệt diệu của sứ điệp này: «Ô không, một bông hồng chưa bao giờ nở … giữa mùa đông lạnh giá. Vậy mà khi nửa khuya…». Một bông hồng nhỏ giữa mùa đông và nửa khua, hình ảnh này như thể kiện toàn lời ngôn sứ mà I-sa-i-a loan báo (Is 11,1). Nó gợi về một gốc rễ bề ngoài như thể đã chết và chẳng có giá trị gì cả, thế nhưng lại trổ sinh mầm sống mãnh liệt lạ lùng. Người ta khó có thể diễn tả hay hơn về sự mới mẻ lạ lùng cuốn hút của biến cố Noel.
[1] Joachim Gnilka, Das Matthäusevangelium, Freiburg: Herder, 1986, 1t. [2] Heinz Schürmann, Das Lukasevangelium, Freiburg: Herder, 1969, 18-25. [3] V. Green, Jesus the Christ, New York: Paulist Press, 1977, 25. [4] Ulrich Luz, Matthew 1 – 7: A commentary, Minneaplis: Fortress, 2007, 72-73. [5] Joachim Gnilka, Das Matthäusevangelium, Freiburg: Herder, 1986, 33-37. [6] Ernst Bloch, The Principle of Hope, Cambridge, 1986, 3. [7] Ignatius of Antioch, Epistle to the Magnesians, 8,23. [8] A.M.Haas, ‘Im Schweigen Gott zur Sprache brigen”, In God denken und bezeugen, Freiburg: Herder, 2008, 344-55.
Tác giả: Vincent Mai Kim chuyển ngữ