Huyền nhiệm ơn gọi dâng hiến
Thứ ba - 17/04/2018 22:29
5473
Chúa Nhật thứ IV mùa Phục sinh là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Chúa Nhật cầu nguyện đặc biệt cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Ban Mục vụ Ơn gọi Giáo phận Bùi Chu tổ chức đại hội Ơn gọi tại đền thánh Kiên Lao. Nhân dịp này, xin được chia sẻ đôi điều về ơn gọi đời dâng hiến.
Trước hết, ơn gọi là ân huệ tặng không của Thiên Chúa dù đó là ơn gọi ngôn sứ trong thời Cựu Ước hay ơn gọi linh mục trong thời Tân Ước. Quả vậy, Giêrêmia đã xác tín sâu xa về điều này: “Trước khi ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). Vì là một ân huệ nhưng không nên không nhất thiết trước đó Giêrêmia phải là người thế nào như lời bộc bạch của ông, “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói” (Gr 1,6). Trẻ hay già, giỏi hay dốt, tài ba hay khờ khạo, nhanh nhẹn hay chậm chạp không quan trọng vì một khi Chúa đã chọn ai, dùng ai, Ngài sẽ ban cho họ đủ khả năng để thi hành sứ vụ.
Kinh nghiệm về ơn gọi của Giêrêmia cũng là kinh nghiệm của các môn đệ được thánh Gioan ghi lại trong Tin Mừng: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt đặt anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Chính Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ trước. Ngài gọi và chọn họ làm tông đồ, nâng họ lên làm bạn hữu, chia sẻ cho họ cả sứ mạng lẫn quyền năng của Ngài, mời gọi họ ở lại trong tình yêu và chỉ cho họ cách ở lại trong tình yêu là “ Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Tình thương của Đức Giêsu dành cho các môn đệ là tình thương của Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu và cho nhân loại: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15,9), một tình yêu mãnh liệt đến độ hy sinh cả mạng sống mình: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13). Đây cũng là trải nghiệm của thánh Phaolô được ghi lại trong thư gửi tín hữu Côrinthô, “Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí” (2 Cr 4,1).
Thứ đến, ơn gọi là ân ban của Thiên Chúa luôn đi đôi với sứ mạng. Ân ban càng lớn, sứ mạng càng quan trọng thì người nhận lãnh được đòi hỏi càng nhiều. Quả thật, khi tặng ban cho Giêrêmia ân huệ lớn lao là làm ngôn sứ thì đồng thời Chúa cũng đòi ông nói lời của Ngài cho dân, một đòi hỏi thật không dễ dàng: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói... Ta đặt ngươi đứng đầu các nước, để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng” (Gr 1,7.10). Khi chọn gọi các môn đệ và nâng họ lên làm bạn hữu, Chúa Giêsu đòi họ ở lại trong tình thương của Ngài bằng việc yêu thương anh em như chính Chúa đã yêu, yêu cho đến cùng là hy sinh mạng sống cho bạn hữu, một việc làm không dễ dàng. Hơn nữa, khi chọn các ông làm môn đệ, Ngài sai họ sai họ ra đi sinh nhiều hoa trái là các việc lành, một công việc đòi phải nỗ lực và hy sinh thật nhiều, đòi bỏ mình vác thập giá hằng ngày mà theo, chấp nhận mất mạng sống mình ở đời này. Nói theo thánh Phaolô, Chúa yêu thương chọn gọi ai thì Chúa cũng trao cho họ sứ mạng loan báo Tin Mừng, “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16), một sứ mạng đòi phải hết mình như: chịu bắt bớ, đánh đòn, đắm tàu, tù đầy và cuối cùng là chết vì đức tin.
Sau nữa, một ngôn sứ hay một linh mục không thể chu toàn sứ mạng mà không cần đến ơn Chúa. Giêrêmia trong bài đọc một đã thưa với Chúa, “con đây còn quá trẻ, không biết ăn nói” (Gr 1,7). Thiên Chúa đã đáp lại, “Đừng nói ngươi còn trẻ! … Ta truyền cho ngươi nói gì thì ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,7-8). Và rồi chính Thiên Chúa đã thánh hiến ông và trao lời của Ngài cho ông. Được thánh hiến, được trao ban lời hằng sống và trợ lực, Giêrêmia đã can đảm trung thành chu toàn sứ mạng cho dù gặp không ít khó khăn thử thách. Các môn đệ thân tín của Chúa Giêsu năm xưa cũng vậy, tất cả đều nhận được sức mạnh từ tình yêu, từ sự hỗ trợ và bảo đảm của Chúa Giêsu để cuộc đời của họ trổ sinh hoa trái tồn tại mãi và cũng chính Ngài bảo đảm cho lời cầu nguyện của họ thành hiện thực. Thánh Phaolô trong các thư của mình cũng cho ta thêm phần xác tín rằng dù cuộc đời tông đồ còn nhiều chông gai, lắm thử thách và sóng gió, nhưng ơn Chúa luôn đủ cho mỗi người tùy theo địa vị và hoàn cảnh riêng”dù phải khốn khó tư bề, nhưng anh em không bị quật ngã” (2 Cr 4,8-9) vì “ơn Ta luôn đủ cho con” (x. 2 cr 12,9 ).
Cuối cùng, Chúa gọi ai đó là Chúa muốn cho họ làm bạn hữu của Chúa “Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy”. Chẳng có mấy ai được gọi lại không cảm nghiệm thật sâu sắc tình yêu của Thiên Chúa. Từ những người rất đỗi bình thường, đầy giới hạn và yếu đuối, có những lúc tưởng chừng ơn gọi hoàn toàn bế tắc, gặp bước đường cùng, tăm tối dày đặc, Thiên Chúa lại mở ra cho người được kêu gọi một con đường, một lối đi khác. Ngài cho họ khả năng, cho họ phương tiện, cho họ lòng nhiệt thành và thái độ kiên nhẫn để an tâm bước đi giữa những tăm tối của cuộc đời, của hành trình ơn gọi. Nhiều linh mục, tu sĩ sau một hành trình dài đã phải thừa nhận, ơn gọi của tôi, hành trình đời tôi, là chuỗi dài vô tận những hồng ân của Thiên Chúa. Đời tôi, hành trình ơn gọi của tôi được dệt bằng ân huệ, xuyên qua những thử thách đau thương. Chính thử thách đau thương ấy làm nên ý nghĩa cho cuộc đời dâng hiến, cuộc đời bỏ mình vác thập giá theo Chúa Giêsu cho đến cùng.
Ơn gọi quả thật là một huyền nhiệm, một huyền nhiệm được ban tặng nhưng không bất chấp người được chọn gọi là ai và thế nào. Huyền nhiệm cao cả ấy được liên kết với sứ mạng cao cả nhưng không kém phần khó khăn mà chỉ có thể hoàn tất nhờ ơn thánh Chúa và sự nỗ lực hết mình của người được tuyển chọn. Người được tuyển chọn cuối cùng xác tín rằng Chúa kêu gọi là để họ trở nên bạn hữu của Chúa, được chung chia với Chúa vận mệnh, sứ mạng, và vinh quang. Ước mong cho nhiều bạn trẻ nghe được tiếng Chúa gọi, mở lòng ra cho huyền nhiệm ơn gọi trở thành hiện thực, và nỗ lực làm cho huyền nhiệm ấy trổ sinh thật nhiều hoa trái hầu làm sáng danh Chúa và đem lại phần rỗi cho tha nhân.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh