Ngày Ơn gọi, xin cũng nhớ đến các gia đình

Thứ tư - 18/04/2018 17:11  2468
Toàn thể Giáo hội hoàn vũ bước vào Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi vào Chúa Nhật IV Phục Sinh, tức Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngày 22/04 tới đây. Sở dĩ Giáo hội làm việc này là căn cứ vào lời dạy bảo của Đức Giêsu khi khuyên các môn đệ cầu nguyện để xin Chúa Cha ban thêm nhiều thợ gặt xuống cho cánh đồng của Giáo hội.
 
Ngày cầu nguyện cho ơn gọi, được cử hành ở mọi cấp độ từ giáo phận, giáo hạt, giáo xứ cho đến các chủng viện và dòng tu. Một cuộc quy tụ cấp giáo phận sẽ giúp các bạn trẻ tăng thêm nhiều nhiệt huyết và nuôi dưỡng mầm mống ơn gọi triển nở ngày một hơn trong tâm hồn họ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại một ngày như là một cuộc biểu dương mang tính rầm rộ bề ngoài mà không chú ý đến những ngày rộng tháng dài còn lại trong suốt cả một năm để đồng hành với các bạn trẻ thì âm hưởng của ngày đó cũng mau chóng qua đi. Chính vì vậy, trong khuôn khổ của chủ đề ơn gọi, người viết bài này muốn đề cập đến môi trường ươm mầm đầu tiên của ơn gọi đó chính là gia đình để chúng ta chú tâm hơn đến vai trò không thể thiếu của gia đình trong việc nuôi dưỡng ơn gọi.
 
Trong thánh lễ an táng của ông cố Giacôbê Đỗ Trí được cử hành vào lúc 8 giờ 30 sáng thứ Ba, ngày 10/04/2018 vừa qua, tại giáo xứ Phát Hải thuộc giáo phận Xuân Lộc, có đến 3 Đức Giám mục và hơn 300 linh mục hiện diện. Tại sao một thánh lễ an táng mà trang trọng như vậy ? Thưa rằng người quá cố chính là thân phụ của bốn linh mục là cha Phanxicô Xaviê Đỗ Đức Lực, chánh Văn phòng Tòa Giám mục Xuân Lộc ; cha Đỗ Đức Dũng, SDB (dòng Salêdiêng), giảng dậy tại Roma ;  cha Giuse Đỗ Đức Hân,SDB, Phó Giám đốc Học viện Don Rua Đà Lạt và cha Philipphe Đỗ Đức Hoan, SDB, đang phục vụ tại giáo xứ Plei Rơngol Khop, thuộc giáo phận Kontum. Bản thân ông cố Giacôbê được chính Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI phong cho danh hiệu Hiệp sỹ vì đã quảng đại dâng hiến cho Giáo hội nhiều ơn gọi. Điều đó càng giúp chúng ta xác tín rằng qua gương sáng và sự giáo dục của các bậc cha mẹ, ơn gọi sẽ phát triển và nảy nở một cách dồi dào.
 
Đặc biệt trong thời cuộc xã hội hiện nay tại Việt Nam, những giá trị gia phong đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi lối sống vật chất và hưởng thụ. Hiện tượng di dân đến các thành phố lớn trong nước hoặc đi tìm công việc lao động ở nước ngoài cũng khiến cho gia đình bị xáo trộn không nhỏ. Có những trường hợp gia đình chỉ còn lại một cha hoặc một mẹ ở nhà hoặc cả hai cha mẹ để con cái lại cho ông bà chăm sóc thay để đi tìm công ăn việc làm nơi khác. Thậm chí, có trường hợp đứa trẻ trong suốt quãng thời gian dài từ tuổi mới khôn lớn cho đến tận tuổi trưởng thành mười tám đôi mươi thiếu hẳn đi bóng dáng của người cha, với lý do người cha ấy tìm công ăn việc làm ở nước ngoài. Trong hoàn cảnh ấy, đứa trẻ không thể được tiếp thu đầy đủ của cả người cha lẫn người mẹ để phát triển con người một cách toàn diện không chỉ nhân cách mà cả đời sống đức tin. Sự thay thế của ông bà, cô dì và chú bác trong trường hợp cả cha và mẹ vắng nhà, hoặc người cha kiêm thêm vị trí làm mẹ và người mẹ kiêm thêm vị trí làm cha trong trường hợp một trong hai người ấy vắng mặt sẽ không thể giúp trẻ em trong giai đoạn hình thành nhân cách có được sự quân bình cần thiết để thiết lập những mối tương giao cũng như học hỏi phục vụ và chia sẻ.
 
Chưa cần để cập đến chiều kích đời sống đức tin, yếu tố nhân cách không thể thiếu đối với người dấn thân dâng mình cho Chúa. Điều này đã được Đức Thánh Cha đề cập đến trong buổi gặp gỡ các chủng sinh và linh mục du học tại Roma vào ngày 16/03 vừa qua. Đặc biệt, trong cuộc gặp gỡ với các nhà đào tạo của Ý hôm 13/04 vừa qua trước sự hiện diện của Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ Beniamino Stella, Đức Tổng Giám mục Tổng Thư ký Patrón Wong đã có bài nói chuyện với tựa đề : « Giáo hội cần những linh mục là những con người và là những người nhân văn một cách sâu xa ».
 
Hơn nữa, những gì xảy ra với Giáo hội Pháp trong vòng một nửa thế kỷ vừa qua đã chứng minh điều đó. Cách đây đúng 50 năm, tại Pháp đã bùng nổ cuộc cách mạng văn hóa vào tháng Năm 1968. Những người trẻ muốn trút bỏ các giá trị về luân lý và nền nếp gia phong. Họ phá bỏ ranh giới khu nội trú giữa sinh viên nam với sinh viên nữ trong việc tự do sống chung. Hậu quả để lại mà Giáo hội Pháp cũng như xã hội phải đương đầu đó là khủng hoảng về gia đình kéo theo khủng hoảng về ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến.
 
Lo lắng cho tương lai của Giáo hội Việt Nam, Hàng Giáo phẩm đã chú trọng đến mục vụ hôn nhân và gia đình được triển khai cho một chương trình tổng thể cho hướng đi của mình trong vòng 3 năm, để đồng hành với các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và đồng hành sát sao với các gia đình, nhất là các gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt. Đó cũng hướng mục vụ thiết thực trả lời cách thỏa đáng trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay.
 
Và như vậy, khi cầu nguyện cho ơn gọi trong ngày đặc biệt này, chúng ta cũng đừng quên cầu nguyện cho các gia đình, cho các bậc cha mẹ, để môi trường gia đình là vườm ươm mầm ơn gọi cách hữu hiệu và vai trò của các bậc cha mẹ qua đời sống gương sáng và bổn phận giáo dục con cái luôn trở nên những nhà đào tạo đầu tiên trong gia đình, vốn được ví là Giáo hội tại gia. Xin Gia đình Nazareth mà ở đó mỗi thành viên đều giúp nhau thăng tiến mọi mặt, nhất là giúp nhau thi hành thánh ý, luôn đồng hành, che chở và chúc lành cho mỗi gia đình của chúng ta.
 
Phó Mộc  
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập255
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm236
  • Hôm nay40,491
  • Tháng hiện tại627,373
  • Tổng lượt truy cập70,655,130
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây