Đức tin vay mượn
Thứ sáu - 09/10/2015 18:50
1916
Đã bao giờ bạn chất vấn về đức tin bạn đang sở đắc hay không? hiện trạng đức tin của bạn như thế nào? bạn có kinh nghiệm gì về Thiên Chúa trong cuộc đời? hay bạn đang sống đức tin ấy cách vật vờ, đại khái, ai sao tôi vậy, người ta thế nào tôi thế ấy, cứ bình bình, cứ tà tà là ổn? Một vài suy tư dưới đây, người viết mong muốn cùng với bạn đọc rà soát lại hành trình đức tin của chính mình, để xem đức tin chúng ta đang sở hữu có phải là đức tin của chính mình chăng, hay là đức tin vay mượn của một ai đó?
Trước hết, đối với một số Linh mục, rất có thể đức tin của các Ngài đôi khi trở thành đức tin vay mượn, mỗi khi Cha chán ngán với việc giải tội, hay khi Cha chẳng mặn mà với việc cử hành các Bí tích, hoặc có lúc Cha chẳng thiết tha gì với việc dâng Thánh lễ mỗi ngày. Cha vay mượn đức tin khi không soạn bài giảng ngày Chúa Nhật cho thật chu đáo, khi Cha không cảm thấy hạnh phúc và an vui trong sứ vụ. Cha sở hữu đức tin nửa vời khi phải tiếp đón giáo dân với thái độ nóng nảy, cau có, khó chịu, cửa quyền, hách dịch… Những lúc như vậy là Cha chưa chu toàn sứ mạng người Mục tử mà Chúa đã trao ban.
Đối với nhiều Tu sỹ, từ việc là những người đi vay mượn đức tin, chúng ta dễ dàng trở thành kẻ đi vay mượn ơn gọi, vay mượn tấm áo Dòng, vay mượn Lời khấn, vay mượn tình huynh đệ, tình chị tình em. Ơn gọi là của tôi đấy, nhưng thực sự có là của tôi hay tôi mượn của ai đấy? Tôi đi tu không phải vì nghe được tiếng Chúa gọi, nhưng là để thỏa mãn nguyện ước của cha mẹ. Điều ấy có thể lắm, hoặc có thể tôi đi tu vì để nâng cao danh tiếng cho gia đình và làm cho dòng họ được vẻ vang, vì thế tôi mượn Ơn gọi của cha mẹ, của anh chị em, của xóm giềng. Thành ra, tôi sống đời tu cách nhạt nhẽo, vô vị, thiếu đi lửa nhiệt thành, yếu ớt trong tinh thần dấn thân phục vụ mọi người. Một khi đã trót bước chân vào chốn Viện tu thì không bao giờ tôi dám buông tấm áo Dòng ra về vì sợ cái này sợ cái kia. Sống trong Dòng mà người Tu sỹ ngỡ là quán trọ tạm trú bên đường. Ẩn sau bốn bức tường của Tu Viện là những con người sống chưa hoàn thiện, hay dòm ngó, khích bác, ghen tương, đố kỵ, hạch sách, bất hòa, chia rẽ... Đằng sau tấm áo Dòng xem ra nết na, thánh thiện là những Tu sỹ èo ọt, giả tạo, tư cách không hơn người đời. Khi sống đời tu như thế, liệu đó có phải là người có đức tin chăng?
Linh mục, Tu sỹ là thế, còn đối với người giáo dân, chuyện đi vay mượn đức tin càng trở nên vấn nạn vì ít khi họ dám tuyên xưng đức tin ra cho người ngoại đạo biết được. Nơi công sở, ngoài quán ăn, người Công giáo ngại ngùng khi làm dấu thánh giá để tuyên xưng niềm tin của mình. Họ sợ ngưới khác kỳ thị, khích bác, mất công ăn việc làm, mất quyền lợi, mất địa vị chức tước. Nhiều Kitô hữu ngày nay cũng sống bê tha, trộm cắp, nghiện ngập, cướp của, giết người như ai. Nhiều gia đình Công giáo cũng bất hòa, chia rẽ, vợ chồng ly dị, con cái bất hiếu, hỗn loạn. Thử hỏi: chúng ta sẽ làm gương sáng cho ai đây khi chúng ta sống đức tin cách hình thức, xảo trá như vậy. Chắc chắn bạn và tôi sẽ phải nhận trách nhiệm về mình và phải tự trả lời câu hỏi đó trước Thiên Chúa và trước tòa án lương tâm của mỗi người. Mỗi người chỉ có một linh hồn, vì thế chúng ta đừng bao giờ để đức tin của mình bị bóp nghẹt giữa những tham vọng của cuộc đời này.
Đôi khi bạn và tôi tự hào cho rằng mình là người có đức tin, là người đạo gốc, nhưng chúng ta hãy rà soát lại đức tin của mình xem liệu chúng ta đã làm trổ sinh hoa trái đức tin giữa cuộc đời này hay chưa? Bao nhiêu hành động, bao nhiêu cử chỉ, bao nhiêu lời nói minh chứng rằng chúng ta không có một nền tảng đức tin thực sự trưởng thành. Bởi lẽ, nếu thực sự là một người có đức tin thì có lẽ bạn và tôi đã hành xử khác rồi. Nếu có đức tin, chúng ta đã không bao giờ quẩn quanh với nhu cầu bản thân mà quên đi tinh thần Tông đồ. Nếu có đức tin, chúng ta sẽ sẵn sàng nới rộng bước chân để đến với những người đang khát khao tình thương, lòng bao dung và sự tha thứ. Nếu là người có đức tin, chúng ta đã suy nghĩ khác, đã hành động khác, đã yêu thương khác và đã dấn thân khác rồi.
Chúng ta thường nghe nói: Tôi có đức tin là nhờ người này, người nọ và rất có thể một ngày nào đó chúng ta lại nói: Tôi mất đức tin là tại Cha này hay tại Sơ kia. Thực ra, đức tin là ơn Chúa ban tặng cho con người chứ không phải do người này hay người kia mà có. Người phàm không có khả năng ban phát đức tin hay cho ai vay mượn đức tin. Tha nhân chỉ có khả năng làm trung gian để chúng ta nhận được đức tin từ Thiên Chúa mà thôi. Người có đức tin và sống đức tin cách trưởng thành tựa như người đi giữa sa mạc khô cằn chợt nhìn thấy một cụm cỏ hay một cánh hoa dại. Đó là cả một chân trời hy vọng cho những người lạc lõng và vô định trong sa mạc. Giữa sa mạc cuộc đời nắng cháy, một tiếng suối róc rách là cả một nguồn hy vọng tràn trề cho những ai đang đói khát…Giữa một sa mạc khô cằn tình người, giữa một thế giới mà bao giá trị tinh thần và đạo đức bị bóp nghẹt, thì chứng từ của người Kitô hữu lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Nói lên thực trạng đức tin như trên, tác giả không có ý vạch áo cho người xem lưng, nhưng là đánh thức người Kitô hữu hãy luôn ý thức trách nhiệm của mình trong việc giữ cho ngọn đèn đức tin luôn luôn cháy sáng. Chúng ta phải tích cực sống đức tin, chứ không thể vay mượn đức tin của người khác. Nếu chúng ta cứ mãi ngủ quên trong yếu đuối và tội lỗi thì dòng đời sẽ xô lấp và cuốn trôi chúng ta. Để sống đức tin cách trưởng thành, ngoài sự nỗ lực của bản thân, điều quan trọng đòi hỏi mỗi Kitô hữu hãy buông mình cho sự hướng dẫn và tác động của Thánh Thần, để nhờ đó đức tin của chúng ta được lớn lên mỗi ngày.