Những cánh tay nối dài của Mẹ Lộ Đức
Thứ ba - 14/02/2017 09:46
1523
Sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ cùng với một thân thể lành nặn, tôi chợt nghĩ: “Nếu một ngày nào đó, mình không còn đôi tay, đôi chân, hay thậm chí mất đi cửa sổ tâm hồn là đôi mắt thì hẳn cuộc sống sẽ trở nên đen tối biết bao”. Nghĩ đến đây, tôi thấy trong mình một sự thương cảm sâu xa đối với những người đang mang trong mình căn bệnh “phong cùi”.
Để hưởng ứng lời kêu gọi trong sứ điệp ngày quốc tế bệnh nhân năm 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô, đoàn thiếu nhi Giáo xứ Liên Thuỷ đã tổ chức đi thu gom phế liệu chuẩn bị những món quà nho nhỏ cho ngày đi thăm các bệnh nhân tại trại phong Vân Môn (Thái Bình). Trong lần đi này, nhóm Huynh - Dự Trưởng được chọn làm những người đại diện cho đoàn thiếu nhi để mang Chúa đến cho những người xấu số.
Trước khi đi, Dì trưởng đoàn đã nói lên mục đích và ý nghĩa của cuộc hành trình. Dì nhấn mạnh rằng: như Đức Mẹ đã đến với chị Thánh Bernadetta và nhìn chị như một con người, chúng ta cũng hãy nhìn nhận nơi tất cả những bệnh nhân nhân vị và phẩm giá của những con người được Thiên Chúa dựng nên, những con người đáng thương hơn nên cần được yêu nhiều hơn. Món quà chúng tôi mang đến không chỉ bằng vật chất, nhưng hơn cả là sự yêu thương, ân cần, và cảm thông.
Sau những lời nhắc nhở, chúng tôi khởi đầu hành trình lúc 12h 45’, với phương tiện là xe đạp điện và xe máy, nên cũng gặp đôi chút khó khăn trong việc vận chuyển quà. Đến hơn 2h, chúng tôi có mặt tại Trại phong Vân Môn, và gần 300 phần quà đang đợi để được trao đến từng bệnh nhân. Chúng tôi nhanh nhẹn chia đoàn làm 3 nhóm, và mỗi nhóm sẽ có một “hướng dẫn viên không chuyên” là các em nhỏ đang sống tại nhà các Cha, các Thầy dòng Phanxicô. Nhóm chúng tôi được chia đến khu liệt. Vừa đến, chúng tôi đã đón tiếp nồng hậu của các cụ ở đây. Gọi là cụ vì ở đây, toàn những người lớn tuổi.
Chúng tôi bước vào căn phòng đầu tiên là nơi cư trú của hai cụ quê gốc ở Hà Nội. Ông chia sẻ: “Chúng tôi đã ở đây hơn 50 năm rồi. Căn bệnh đến với chúng tôi từ thời bao cấp. Thời đó chưa có thuốc men điều trị nên các con vi trùng phong hoành hành rất dữ”. Ông còn cho chúng tôi xem đôi chân giả: “ Cưa chân đi cho bớt đau đớn, chứ để vậy thì khổ lắm”. Chúng tôi trao quà cho ông bà và hát tặng ông bà bài “Ông bà ơi, cháu yêu ông bà lắm….” để làm món quà tinh thần. Lúc này thì cảm xúc mới thực sự vỡ oà và bà thì khóc không kìm lại được. Sang đến những phòng khác, chúng tôi thấy nhiều cụ ở đây chỉ còn đôi mắt trắng dã, chỉ hơi xám xám ở con ngươi. Họ hoàn toàn mất thị giác. Mặc dù bệnh tật, nhưng họ cũng mỗi người làm một công việc. Có cụ trước kia đã từng là giáo viên tại trại phong này. Cụ tự hào kể về tấm bằng được nhà nước trao tặng vì đóng góp vào sự nghiệp giáo dục. Tôi vẫn còn nhớ như in cái tên Hương của cụ. Ước mong sao giữa cuộc đời đầy đau khổ và tủi nhục, cụ vẫn luôn toả hương thơm cho đời bằng sự lạc quan, và vui tươi. Có cụ kể với chúng tôi rằng, thời bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Trước kia, nhìn thấy bộ dạng của cụ thì ai cũng tránh né và cũng chẳng xe nào dám cho đi vì sợ bị lây. Giờ thì cụ có thể tự bắt taxi hoặc xe buýt về thăm nhà. Cụ còn xúc động trước một vài nghĩa cử đẹp của những thanh niên thời nay khi họ dẫn cụ qua đường, nhường chỗ ngồi,… Nghe đến đây, tôi thấy trong mình rạo rực một niềm vui khó tả. Tôi vui khi nghĩ đến thế hệ trẻ ngày hôm nay, và vui cho những con người đang mang trong mình căn bệnh phong, cùng với sự mặc cảm vì bị kỳ thị, và khinh miệt. Chúng tôi hỏi cụ có buồn không, cụ bảo: “Buồn thì có buồn, nhưng cũng vui vì có những người như các cô, các cậu đó”.
Sau khi đã đi thăm và phát quà cho các bệnh nhân, chúng tôi ra về, nhưng vẫn không thể quên được hình ảnh của những con người giàu nghị lực. Dù sống trong cảnh nghèo và khổ, nhưng vẫn toát lên một sự lạc quan yêu đời và yêu người. Ước chi, những người trẻ ngày hôm nay có thể nhận ra những Chúa Kitô trong cuộc sống thường ngày của mình, nơi những người già cả, bệnh tật, và có thể là chính những người thân của mình.