An Bài, 150 năm Hồng ân  

Thứ tư - 29/11/2017 20:51  3505
Khi nhìn lại quá trình hình thành và phát triển giáo xứ An Bài với 150 năm Hồng ân (1867 – 2017), con dân An Bài cần đọc lại quá khứ với nhiều bước thăng trầm. Dải đất hình thành nên cộng đoàn An Bài thật thiêng liêng và nhiều dấu chứng lịch sử: Về mặt địa lý, giáo xứ An Bài thuộc thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Lịch sử cho biết dải đất Cồn được biển Đông bồi đắp kéo dài từ xã Hải Lý đến tận xã Hải Giang ngày nay thuộc huyện Hải Hậu.
 
DJI 0053

Tạo Hóa đã dựng nên vẻ đẹp tự nhiên trong vũ trụ và cũng đã tạo nên một dải cồn tuyệt đẹp nhô chiếc cật lên khỏi mặt nước tạo thành một con long thả mình dài bên mép biển rộng. Quả thật, Thượng Đế đã tạo nên bãi cồn xinh đẹp tự nhiên này để dành tặng cho con người. “Đất lành chim đậu” thật không sai, mảnh đất đẹp ắt hẳn sẽ có con người tìm đến tạo lập cơ ngơi: Khoảng năm 1750, dân từ làng Trà Lũ (thuộc giáo xứ Phú Nhai ngày nay), Ninh Cường và vùng lân cận đến đây lập ấp gồm cụ Vũ Hữu Điển (con trai cụ Vũ Hữu Toản), cụ Huyến, và ông Thuần được coi là những người đầu tiên định cư trên mảnh đất này. Họ đã tìm đến dải cồn này để thuận bề làm nghề chài lưới. Đặc biệt, cụ Điển tìm điểm cao nhất của bãi bồi để dựng lều làm nơi cư ngụ tạm. Bãi bồi nằm song song với con sông yên bình chảy dài đổ phù sa ra cửa biển tạo thành bãi vẹt, cuốn hút nhiều loài chim tìm về nương ẩn, và chỗ mà cụ Điển chọn làm nơi cư ngụ chính là ‘rốn’ của con ‘rồng biển’ xinh đẹp (nơi ông bà Vũ Hữu Súy đang cư ngụ ngày nay).
 
Với mảnh đất màu mỡ rộng lớn, cụ Điển tự sức mình làm không xuể nên cần nhiều người chung tay xây đắp. Khởi từ dòng họ Vũ đến lập nghiệp kéo theo họ Trần, họ Nguyễn, họ Hoàng, họ Lại, họ Lê,…cùng đến chung tay làm nên lịch sử mảnh đất Cồn. Cứ sáng sớm tinh sương, trên bãi biển rộng đã kín người chài lưới, ánh biển sáng rực như màu bạc trắng tích dần trong rương của những người dân chài cần cù một nắng hai sương. Người dân cứ dần giàu lên nhờ biển, họ hằng thầm cảm ơn Tạo Hóa không những đã ban tặng cho họ một mảnh đất màu mỡ để họ làm ăn sinh sống mà còn ban cho họ nguồn tài nguyên biển dồi dào. Cuộc chung sống thuận hòa cùng nhau mưu cầu hạnh phúc trên mảnh đất tự nhiên trù phú, tình đất tình người thắm đượm hài hòa thu hút nhiều loài chim về chung sống, nên dải đất này còn được gọi là ‘cồn cuốc’.

Mảnh đất đã có sẵn tiềm năng phát triển, nay như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần khi có ông chánh tổng Vũ Hữu Luận (chắt cụ Toản) cai quản cả miền Quần Phương hạ rộng lớn. Nhờ ông mà dải đất Cồn càng thêm phát triển, con đường kéo dài cắt ngang làng Cồn (đường 48C ngày nay) được người đời gọi là ‘đường cái quan – làng có quan lớn cư ngụ’. Ngôi làng trông giống như hình ‘võng cáng’ thật thơ mộng. Có nét đẹp tinh tế này là nhờ Tạo Hóa ban tặng, biển đã bồi đắp nên bãi đất được bồi đắp tự nhiên tạo thành hình võng, nên ‘làng võng cáng’ có tên gọi từ đó. Người đời khi thấy mảnh đất tự nhiên phong thủy hữu tình thì coi đây là điều may mắn, người có niềm tin lại coi đây là hồng ân Thiên Chúa thương ban, và nghĩ mảnh đất này như đã được Thiên Chúa an bài. Từ ý nghĩ đó, họ quy tụ lại với nhau và lập nên làng An Bài – mảnh đất được Thiên Chúa ban thưởng.
 
Ngôi làng mỗi ngày thêm phát triển cả đời sống vật chất cũng như tinh thần. Con ‘long giang’ trải dọc theo dải cồn là nơi giao thương thuận lợi, nên đời sống kinh tế của bà con nhờ đó mà khá giả. Theo người đời truyền lại, thời bấy giờ có khoảng 185 thuyền đinh làm ăn buôn bán trên sông. Nhờ đời sống vật chất nâng cao, nên đời sống tinh thần cũng thuận đà vươn lên mạnh mẽ. Họ thấy rõ những gì mình đang nhận được là nhờ hồng ân Thiên Chúa nên họ cần dành một nơi xứng hợp để cảm tạ và tôn thờ Người. Bà con An Bài cứ thao thức từng đêm, và rồi những nỗ lực đã được đáp đền: Ngôi nguyện đường gỗ lim ba gian (nằm gọn trong lòng nhà thờ giáo xứ hiện nay), mái lợp lá cọ hiện lên trước mắt làm họ sung sướng đến rơi lệ, vì từ nay Thiên Chúa đã có nơi xứng hợp để ngự trị, dân làng có nơi quy tụ để cầu kinh sáng chiều. Cuộc sống cứ êm đềm trôi dần theo lời kinh sáng chiều với những lao công vất vả hằng ngày. Ngôi làng được bao quanh với chín con đường làng (mà người đời gọi là ‘cửu long – chín con rồng’). Đặc biệt, ngôi làng được khép kín với những chiếc cổng làng kiên cố như sức mạnh của Thiên Chúa đang bao bọc, hầu bảo vệ cho dân làng.
 
Ngay từ năm 1867, Đức cha Garicia Cezon Khang (1865-1880) đã chính thức ban sắc thành lập giáo họ An Bài, và nhận Thánh hiệu Rosa làm Quan thầy. Cộng đoàn An Bài nhỏ bé lúc đầu thuộc về giáo xứ An Nghĩa rộng lớn, rồi đến năm 1880, Đức cha Riano Hòa (1880-1884) tách giáo xứ An Nghĩa thành giáo xứ Tứ Trùng và An Nghĩa. Lúc này, vùng đất An Bài nối liền với giáo xứ Xương Điền, giáo họ Thượng Trại và giáo xứ Tứ Trùng. Như vậy, giáo họ An Bài thuộc về giáo xứ Tứ Trùng[1]. Cuộc sống của bà con đang phát triển mạnh mẽ về tinh thần đạo, giáo họ đã mua thêm đất và xây dựng lại ngôi nhà thờ lần thứ hai rộng rãi và đẹp hơn (vị trí của ngôi thánh đường thứ hai nằm trước nhà giáo lý đang xây dựng hiện nay của giáo xứ). Hằng ngày, mỗi khi tiếng chuông cất vang thì tất cả bà con dân làng đều tề tựu về ngôi thánh đường nhỏ xinh để cầu nguyện. “Tạ ơn chính là tiền đề của việc xin ơn tiếp theo”, nên cộng đoàn giáo họ An Bài không ngừng tạ ơn Chúa vì biết bao hồng ân Người đã thương ban, để rồi nhận lại những hồng ân lớn lao gấp bội. Giáo họ mỗi ngày lớn mạnh theo thời gian, dần trở thành đàn anh đàn chị trong giáo xứ.
 
Theo lẽ tự nhiên, con cái trưởng thành sẽ ra ở riêng hầu tạo lập một gia đình mới. Cũng vậy, giáo họ An Bài đã phát triển mạnh mẽ và cũng đã đến tuổi có thể ra ở riêng. Do số tín hữu ngày càng tăng nên vào năm 1927, Đức cha Muñagorri Trung (1900-1936) đã nâng giáo họ An Bài lên hàng giáo xứ, tách khỏi xứ mẹ Tứ Trùng. Ngoài giáo họ nhà xứ, giáo xứ An Bài còn có thêm ba họ lẻ gồm: Giáo họ Đức Bà Lên Trời được thành lập năm 1889, với tước hiệu: Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Nhà thờ đầu tiên được xây dựng năm 1940, với chiều dài 16m, rộng 7m, và cao 6m. Nhà thờ mới được xây dựng từ năm 2003 – 2012, với chiều dài 42m, rộng 23m, và cao 13m, thuộc xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; giáo họ Bảy Sự được thành lập năm 1887, với tước hiệu: Đức Mẹ Bảy Sự. Nhà thờ đầu tiên được xây dựng năm 1914, với chiều dài 32m, rộng 10m, và cao 10m. Nhà thờ mới được xây dựng từ năm 2009 – 2011, với chiều dài 40m, rộng 13m, và cao 15m, thuộc xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; và giáo họ Trái Tim được thành lập khoảng năm 1900, với tước hiệu: Trái Tim Chúa. Nhà thờ đầu tiên được xây dựng năm 1940, với chiều dài 16m, rộng 6m, và cao 6m. Nhà thờ mới được khởi công xây dựng từ năm 2013 đến nay, với chiều dài 33m, rộng 13m, và cao 13m, thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Theo số liệu thống kê năm 1995, giáo xứ An Bài có 2.641 nhân danh[2]. Như vậy, giáo xứ An Bài nằm trên địa bàn bốn xã gồm: Hải Tiến (ngày nay đã sát nhập vào thị trấn Cồn), Hải Sơn, Hải Cường, và Hải Phú. Theo truyền thống của tổ tiên, giáo dân giáo xứ An Bài vẫn gìn giữ được nét đạo sáng mãi.
 
Với sự lớn mạnh của xứ đạo, ắt hẳn ngôi thánh đường nhỏ bé lâu niên không thể bao bọc hết được số giáo dân đông đúc đến cầu nguyện cũng như tham dự Thánh lễ hằng tuần. Những gì giáo xứ mới đang phát triển đều được Bề trên giáo phận quan tâm, Đức cha Muñagorri Trung đã bổ nhiệm cha Khanh và cha Đa-minh Phạm Quang Chiểu về coi sóc xứ đạo. Từ những nhu cầu thiết thực: Số bà con giáo dân đông đúc, nhà thờ lại nhỏ bé và đã xuống cấp, cha Khanh cũng như xứ đạo thao thức hằng đêm, hầu tìm ra những phương thế thích hợp để xây dựng ngôi thánh đường mới, xứng tầm với một giáo xứ trong giáo phận. Từ ý thức đó, cha xứ và giáo dân An Bài đã quyết định xuống móng ngôi thánh đường mới rộng lớn và bề thế hơn, hầu có thể là nơi che mưa che nắng cho mọi người con trong xứ đạo. Nhà thờ bắt đầu được khởi công từ năm 1931 đến năm 1933 thì hoàn thành. Ngôi thánh đường mới với chiều dài là 50 m, rộng 17 m, và cao 8 m. Đặc biệt, ngôi nhà thờ có ba mươi ba cửa, mang dấu ấn hoàn thành vào năm 1933. Có được thành công như vậy là nhờ vào sự đoàn kết một lòng một ý giữa cha xứ với mọi thành phần trong giáo xứ.
 
Việc lấy đất đốt gạch cũng cả là một kỳ công. Theo người đời truyền lại thì gạch được đốt bằng cỏ, nên gọi là gạch thất, và được đốt tại lò Ốc (phía tây may nghĩa địa của giáo xứ ngày nay). Để chuyển gạch vào sân nhà thờ, giáo xứ đã phải đào một con sông từ lò gạch dẫn tận vào khuôn viên nhà thờ. Toàn bộ chân móng nhà thờ cũng như tháp chuông được dải bằng gỗ lim, nền móng nhà thờ được xây bằng đá tảng. Đặc biệt, nhà thờ được mặc một lớp áo vôi trộn mật cùng với giấy bản và rơm băm, nên toàn bộ bức tường được bảo vệ rất bền lâu. Điều độc đáo nữa là ngôi thánh đường có hai tháp chuông chính nằm ở phía nam nhà thờ, cao năm mươi thước. Hai tháp chuông có cổng bằng gỗ lim chắc chắn. Nhìn từ xa, hai cây tháp trông giống như hai thiên thần bảo vệ Ngai tòa Thiên Chúa ngự trị. Một tháp chuông báo (cao ba mươi thước) nằm sát phía đầu nhà thờ, giáp với khu vực nhà xứ. Theo người đời truyền lại, tháp chuông này thường được người nhà chung báo hiệu trước giờ lễ hằng ngày, sau đó hai tháp chuông chính mới reo vang kêu mời bà con xứ đạo đến tham dự Thánh lễ.
 
Ngoài ra, phía Tây cuối nhà thờ còn có một ngôi nhà sáu gian làm bằng gỗ lim, và lợp ngói lam; mặt tiền ngôi nhà hướng lên nhà thờ. Phía Tây May có một ngôi nhà thương năm gian của giáo xứ. Phía Đông nhà thờ còn có một ngôi nhà gỗ lim năm gian dùng để dạy kinh bổn cho con em trong xứ đạo. Từ khuôn viên nhà thờ tiến dần vào nhà xứ với lối vào qua tháp chuông báo, dẫn tới ngôi nhà phụ nhà xứ khép kín ba mặt nằm theo hình chữ U, bao quanh ngôi nhà trung tâm mục vụ ở giữa với hình mái củ lâu, trông thật sang trọng và tao nhã. Kể từ sau khi Bề trên giáo phận bổ nhiệm cha Khanh (1930) và cha Đa-minh Phạm Quang Chiểu (1930 – 1935) về coi sóc và xây dựng giáo xứ, An Bài không những lớn mạnh về vật chất, mà còn phát triển không ngừng về đời sống thiêng liêng. Các cha nối tiếp về phục vụ tại giáo xứ gồm cha Vinhsơn Liễn (khoảng năm 1936), cha Đa-minh Trí (khoảng năm 1940), cha Thụ (khoảng năm 1944), rồi tiếp đến cha Hương, cha Đản, cha Phê-rô Viễn (khoảng năm 1946), cha Đa-minh Trần Đình Thục (từ năm 1946 -1951), cha Giuse Đoàn Ngọc San (khoảng năm 1952). Trước năm 1954, do thời cuộc cha Đa-minh Thục và cha Giuse San đã chuyển vào Sài Gòn. Đời sống thiêng liêng cũng giống như lương thực hằng ngày, hiểu rõ được nhu cầu cấp thiết đó, Bề trên giáo phận sai cha Đa-minh Phạm Độ Việt coi sóc miền Lục Phương và An Bài từ năm 1952 - 1969, và ngài ở tại giáo xứ Lục Phương; tiếp sau là cha Giuse Đinh Vĩnh Bảo về coi sóc vùng Tứ Trùng rộng lớn và An Bài từ năm 1969 - 1972, ngài ở tại giáo xứ Tứ Trùng; sau cha Bảo, cha Vinh-sơn Nguyễn Đức Hiệp tiếp tục về coi sóc các giáo xứ Tứ Trùng, An Bài, Nam Phương, Trùng Phương, Phúc Hải, Ninh Sa, Ninh Mỹ, Tư Khẩn, và Giáp Năm từ năm 1973 - 2002.
 
Dường như nhà xứ cũng trở nên lạnh lẽo sau nhiều năm không có cha ở, từ sau khi cha Thục và cha San chuyển vào Sài Gòn cho đến mãi thời sau này. Cha Gioakim Nguyễn Văn Tường về coi sóc giáo xứ An Bài, Tứ Trùng, Nam Phương, và Trùng Phương (từ năm 2002 - 2006), ngài ở tại giáo xứ An Bài. Tiếp thời cha Gioakim, cha Phanxicô Savier Phạm Hoan Đạo về coi sóc giáo xứ được chín năm (từ năm 2006 – 2015), sau đó cha Giuse Nguyễn Văn Toanh từ Đại Chủng viện Bùi Chu về nối tiếp sứ vụ mục tử tại giáo xứ An Bài từ năm 2015 đến nay. Ngoài các mục tử phục vụ tại giáo xứ, An Bài còn có sự hỗ trợ thiêng liêng của Nhà Mụ ngay từ năm 1931; thế rồi do thời thế, cộng đoàn giáo xứ sau một thời gian dài vắng bóng Nhà Mụ cho đến ngày 02 tháng Ba năm 1998, Tu viện Mến Thánh Giá Kiên Lao đến hiện diện với cơ sở đơn sơ tại giáo xứ. Đáp lại ơn Chúa thương ban, giáo xứ An Bài đã sản sinh cho Giáo hội các vị mục tử nhân lành như cha Giuse Nguyễn Đức Thịnh, cha Giuse Vũ Văn Hảo (chịu chức năm 2012), cha Giuse Phạm Thanh Tính (chịu chức năm 2012),…; ngoài ra còn có các nữ tu đang phục vụ ở nhiều miền tổ quốc.
 
Như vậy, kể từ khi cộng đoàn An Bài được Bề trên giáo phận nâng lên hàng giáo họ cho đến nay đã được vừa 150 năm, từ năm 1867 đến năm 2017. Trải qua 150 năm với biết bao thăng trầm về đời sống đạo, bà con giáo dân đã nỗ lực không ngừng vươn lên hầu dựng xây cộng đoàn giáo xứ mỗi ngày thêm lớn mạnh về lòng đạo. Nhìn lại quá khứ để tạ ơn Thiên Chúa đã luôn an bài cho mảnh đất biển bồi xinh đẹp được thuận buồm xuôi gió. Với những bước thăng trầm đã qua, giáo xứ An Bài luôn được Thiên Chúa quan phòng và che chở, 150 năm lịch sử chính là thời gian Ân sủng Thiên Chúa thương ban cho giáo xứ. 
 
(Ngoài những tư liệu từ 3 cuốn sách tham khảo: Sử Ký Địa Phận Trung, Giáo hội Công giáo Việt Nam, và Lịch sử Địa phận Bùi Chu, còn có sự cộng tác đắc lực của ông trùm Giuse Vũ Xuân Khánh trong giáo xứ!)   
 

[1] x. Sử Ký Địa Phận Trung, Phú Nhai Đường 1916, tr.159
[2]x. Lm Trần Đức Huynh, Lịch Sử Địa Phận Bùi Chu, Hoa Kỳ 2000, tr.232

Tác giả: Truyền thông An Bài

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay64,043
  • Tháng hiện tại989,256
  • Tổng lượt truy cập78,992,707
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây