Bước vào đời sống hôn nhân đã ngót 10 năm, đã là mẹ của hai con trai, nhưng tôi chưa tham gia Hội các bà mẹ Công giáo. Điều đó cũng có nghĩa là tôi không sinh hoạt trong hội cũng như chẳng biết nhiều về hai vị thánh Quan Thầy của hội. Cho mãi tới những ngày giữa tháng 8 vừa qua, các chị trong hội mời tôi ghi danh làm thành viên của hội và thế là ngày 27/08/2016, tôi chính thức có thêm 2 đấng cầu bầu che chở nữa ngoài Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu của tôi, đó là thánh Monica và thánh Anê Lê Thị Thành. Thánh lễ quan thầy các bà mẹ Công giáo toàn giáo phận Bùi Chu, đồng thời cũng là ngày các bà mẹ hành hương lĩnh ơn Toàn xá, tôi tham dự ngày hành hương và thánh lễ với một tâm thế háo hức chờ đợi trong thinh lặng. Tôi cảm nhận được một điều gì đó rất mới mẻ, rất cuốn hút và rất bình an mà Chúa sắp dành cho tôi trong ngày đặc biệt này, và tất nhiên, tôi để tâm kiếm tìm….
Tôi có mặt trong thánh đường từ rất sớm, cầu nguyện riêng với Chúa một chút, rồi đợi chương trình bắt đầu. Các bà mẹ trong Giáo phận hành hương hôm nay thật sự đông đúc. Nhiều xe chở những đoàn người tiến về. Còn phải nói gì nữa, mỗi gia đình một bà mẹ, ấy là chưa nói đến những đại gia đình, tức là gia đình nhiều thế hệ thì phải có đến mấy bà mẹ ấy chứ. Các bà mẹ đông đến nỗi nhà thờ không đủ chỗ chứa. Một lần nữa, tôi lại bị ấn tượng bởi lòng đạo của con dân Bùi Chu nói chung và của quý bà quý mẹ nói riêng.
Sau phần khai mạc, Cha giáo Giuse Trần Quốc Tuyến thuyết trình chủ đề: "Cùng Mẹ Maria chiêm ngắm và thực thi Lòng Thương Xót. ”Bằng việc sơ lược lịch sử thành lập Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Cha nhắc nhớ về mẫu gương thánh Monica quan thầy và ý nghĩa của hai sắc trắng và xanh trên trang phục của Hội. Cha nhấn mạnh ơn gọi của các bà mẹ Công giáo là làm cho bản thân và gia đình nên thánh nhờ những nỗ lực để gia đình được trong trắng, thanh khiết (trắng) và làm tươi mát (xanh). Tiếp đó, Cha kêu mời các thành viên của hội hãy kết hợp với trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. Như Đức Mẹ hằng gắn bó với Chúa Giêsu, hằng “suy đi ngẫm lại trong lòng” những biến cố cuộc đời Chúa, các bà mẹ Công giáo cũng hãy thể hiện lòng thương xót là yêu thương con cái của mình, là sự xót xa, đau đớn cùng với những người con, là sự chia sẻ những thử thách, gian nan với con.
Sau các tiết mục văn nghệ là bài thuyết trình thứ hai đến từ Cha cố Giuse Phạm Xuân Thi với chủ đề “Vai trò truyền giáo của các bà mẹ”. Cha khẳng định rằng mỗi người Kitô hữu đều có trách nhiệm truyền giáo, vì khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được tham dự vào 3 chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô. Vẫn bằng lối truyền đạt dí dỏm và những câu chuyện gần gũi, Cha đã cho người nghe nhận ra “vai trò của người phụ nữ trong việc truyền giáo”. Cha dẫn chứng việc Chúa Giêsu sai bà Mađalêna là người đầu tiên đi rao giảng Tin mừng phục sinh. Một dẫn chứng nữa được thể hiện trong Tông huấn Niềm vui của Tin mừng là “Hội Thánh nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của phụ nữ đối với xã hội, bởi sự nhạy cảm, trực giác và một số khả năng của họ…”
Cuối cùng, Cha đưa ra một phương cách cụ thể để các bà mẹ Công giáo truyền giáo là nêu gương sáng cho con cái về lòng đạo đức. Các bà mẹ phải là những tấm gương về sự cầu nguyện, lòng đạo đức trong gia đình. Một gia đình có đời sống cầu nguyện sẽ cung cấp cho Giáo hội và xã hội những người con người cháu biết sống yêu thương phục vụ như Đức cha Tôma Giáo phận đã từng nhắn nhủ: “Nếu gia đình của các ông các bà không cầu nguyện, cha mẹ không gương mẫu thì đời đời không có linh mục”.
Đến đây, tôi đã cảm nhận rất rõ lời mời gọi Chúa dành cho tôi: Hãy sống đời cầu nguyện, hãy nêu gương sáng đạo đức, hãy vun đắp một gia đình hạnh phúc để tổ ấm của tôi thực sự ấm áp và để các con có một môi trường thánh thiện để lớn lên, hãy để tâm sức và thì giờ quan tâm dạy dỗ các con thành những bông hoa nhân đức trong vườn hoa Giáo hội. Đây chính là con đường truyền giáo phù hợp nhất mà tôi hằng thao thức tìm kiếm. Tôi đã tìm ra tại đây, trong ngày lễ đặc biệt này bài học quý giá đó. Tôi lặng lẽ ghi lại những cảm nhận của mình, tôi muốn lưu giữ những phút giây này mãi mãi, những phút giây tôi khám phá được trọng trách và cũng là diễm phúc của người làm vợ và làm mẹ của mình. Khi Cha kết thúc bài thuyết trình và đi xuống, tôi không thể không cất tiếng "Con cảm ơn Cha ạ”.
Cuộc hành hương bước qua Cửa Thánh bắt đầu và đoàn lễ nghi tiến ra Thánh đường. Thánh lễ được Đức Cha Tôma cùng với quý Cha cử hành.
Khi chia sẻ Lời Chúa, Đức cha Tôma diễn giải lời sách Huấn ca: “Thiên Chúa dựng nên người nữ với bản chất là hiền hòa, kiên nhẫn, thùy mị…để chăm lo cho hạnh phúc gia đình, để chồng con hạnh phúc.” Đức Cha nhắc tới cuộc đời đạo hạnh nêu gương của thánh Monica và thánh Anê Lê Thị Thành. Đặc biệt, Ngài cầu nguyện cho các bà mẹ còn đang hững hờ với trách nhiệm gia đình được biết trở về, hết lòng vì chồng vì con, biết nêu gương sáng và giáo dục con cái mến Chúa yêu người; để con cái trở nên triều thiên khi Chúa gọi chúng ta về đời sau.
Cuối Thánh lễ là phép lành với ơn Toàn Xá được ban bởi Đức Cha Tôma. Trước khi kết thúc Thánh lễ, Ban điều hành hội nói lên lời tri ân và tặng hoa Đức cha.
Tất cả những gì thuộc về hình thức bên ngoài trong ngày lễ hẳn ai cũng thấy, nhưng có những sự đánh động, có những ơn thiêng mà Thiên Chúa giầu Lòng Xót Thương đã ban xuống qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, thánh Monica và thánh Anê Lê Thị Thành đã nhẹ nhàng ngấm vào tâm hồn và trái tim của những người vợ, người mẹ, để rồi biến đổi những người phụ nữ bé nhỏ yếu đuối này trở nên vững vàng hơn, can đảm hơn trong khi thực hiện vai trò giữ lửa tình yêu trong gia đình, làm chứng nhân Tin mừng và là những cô giáo có trọng trách nhất với sự trưởng thành của con cái.