Đại Hội qui tụ gần 200 tham dự viên, gồm quý linh mục, tu sĩ nam nữ và các tín hữu từ 27 Giáo phận. Đặc biệt, có sự hiện diện của Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, nguyên Tổng Giám Mục Giáo phận Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám Mục Giáo phận Hà Nội, Đức Giám Mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám Mục Giáo phận Ban Mê Thuột, Đức Giám Mục Anphongso Nguyễn Hữu Long, Giám Mục Giáo phận Vinh, Đức Giám Mục Lu-y Nguyễn Anh Tuấn, Giám Mục phụ tá Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh, Đức Giám Mục Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám Mục Giáo phận Cần Thơ cũng về tham dự và thuyết trình trong Đại Hội.
Khởi đầu mỗi ngày của Đại Hội là thánh lễ với các ý chỉ như sau: Ngày thứ nhất: lễ kính Chúa Thánh Thần, tác nhân chính của Thánh Kinh. Chúa Thánh Thần soi sáng cho cả người viết ra lẫn người đọc hiểu được Thánh Kinh. Ngày thứ hai: lễ kính Đức Maria là hình ảnh và là Mẹ của Hội Thánh. Đức Mẹ là mẫu gương cho mọi tín hữu lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Ngày thứ ba: lễ cầu cho việc loan báo Tin mừng cho các dân tộc. Đó là bản chất và là sứ vụ chính yếu của Hội Thánh.
Tiếp theo là nghi thức suy tôn Lời Chúa như muốn cho các tham dự viên nhận ra rằng tất cả chúng ta là những người tôi tớ phục vụ Lời Chúa nên Lời Chúa phải được thành kính lắng nghe, suy tôn và cảm mến… Lời Chúa vốn đã được Hội Thánh tuyên xưng ngay từ đầu cùng với tâm tình và kinh nghiệm sống đức tin của Thánh Phêrô, người ngư phủ Galilê đã được Đức Giêsu tuyển chọn và đặt làm nền tảng đức tin của Hội Thánh: “Lời Chúa bền vững đến muôn đời. Đó chính là Lời Tin Mừng đã được loan báo cho anh em” (1 Pr 1, 25).
Việc chăm chú đón nhận Lời Chúa đã được thực hành ngay từ thời sơ khai. Sách Tông đồ Công vụ đã diễn tả điều này: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Nghe Lời Chúa là một trong bốn trụ cột làm nên sự vững mạnh của đức tin nơi đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Hai ngàn năm đã qua, Giáo Hội lớn lên và phát triển cũng theo chiều hướng đó. Đặc biệt, từ Công Đồng chung Viticanô II với Hiến Chế Dei Verbum (1965), Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975) của ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Verbum Domini (2010) của ĐGH Benedictô XVI, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013) của ĐGH Phanxicô. Lời Chúa phải được đón nhận bằng khối óc, được yêu mến bởi con tim và được rao giảng qua ngôn ngữ cũng như hành động. Vì vậy, mục vụ Kinh Thánh đề nghị một chương trình gồm 3 phần: Học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện với Lời Chúa và rao giảng Lời Chúa.
Sau đó là các bài thuyết trình. Các thuyết trình viên trình bày tổng quát những giáo huấn chính yếu của Hội Thánh về Kinh Thánh. Đó là các bài thuyết trình về: Tầm quan trọng của Lời Chúa đối với đức tin người tín hữu của Đức Cha Giuse Võ Đức Minh (Giám Mục Gp. Nha Trang; Chủ Tịch Ủy Ban Kinh Thánh); Thăng tiến việc rao giảng và sống Lời Chúa trong các xứ đạo của Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên (Giám Mục Gp. Cần Thơ); Các hoạt động Mục vụ Kinh Thánh trong Giáo phận của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên (Tổng Giám Mục Gp. Hà Nội); Cử hành Lời Chúa trong gia đình và trong các Nhóm Kitô hữu của Đức Cha Lu-y Nguyễn Anh Tuấn (Giám Mục phụ tá Tgp. Sài Gòn); Lời Chúa trong Sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của Đức Cha Anfonso Nguyễn Hữu Long (Giám Mục Gp. Vinh); Lời Chúa trong việc dạy Giáo Lý của Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền (Giám đốc TTMV Tgp. Sài Gòn); Tác động của Lời Chúa trong các nghi thức Phụng vụ của Linh Mục Giuse Vũ Văn Hoàng (Thư ký UB Phụng Tự); Giới trẻ và việc lắng nghe Lời Chúa của Linh Mục Gioan Lê Quang Việt (Thư ký UB Mục Vụ Giới trẻ); Để giúp người giáo dân học hỏi và chia sẻ Lời Chúa của Linh Mục Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ (Giáo sư Kinh Thánh); Mục Vụ Kinh Thánh - Giới thiệu Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo (CBF) của Linh Mục M. Giuse Trần Hòa Hưng SDB (Thư ký UB Kinh Thánh); Dấn thân xã hội – bài học từ nhân vật Tô-bít của Linh Mục Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ (Giáo sư Kinh Thánh); Thiên Chúa thử lòng Ông Áp-ra-ham của Linh Mục Inhaxiô Hồ Thông (Giáo sư Kinh Thánh); Sứ điệp Nước Thiên Chúa trong Tin Mừng Máccô của Sr. Maria Kim Oanh, ĐMGV (Giáo sư Kinh Thánh).
Kết thúc mỗi ngày là phần chia sẻ nhóm, các tham dự viên chia sẻ những chứng từ về việc tham gia các khóa học hỏi Kinh Thánh, cầu nguyện, chia sẻ và thực hành Lời Chúa. Người giáo dân Việt Nam có thói quen chỉ cầu nguyện bằng việc đọc kinh mà ít khi suy niệm Lời Chúa. Tại miền Bắc, trải qua nhiều năm thiếu vắng linh mục, các nhà thờ không có thánh lễ, vì vậy người giáo dân không được nghe giảng Lời Chúa. Từ tình trạng khó khăn này nên nhiều thế hệ tín hữu chỉ biết đọc thuộc lòng một số kinh “chiều hôm ban sáng”. Vì thế, Đại Hội mục vụ Kinh Thánh nói lên thao thức làm sao cho cộng đồng Dân Chúa, đặc biệt là giáo lý viên và tông đồ giáo dân có dịp gặp gỡ và tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa trong cầu nguyện sâu lắng, được chính Lời Chúa dạy dỗ, hướng dẫn và nuôi dưỡng trong đời sống đức tin, cậy, mến.
Ước mong ba ngày đại hội này sẽ mang lại những thành quả tốt đẹp, nhất là tác động của Lời Chúa trên những tham dự viên, và sẽ lan tỏa thêm đến nhiều người. Nhờ đó, góp phần rèn luyện, canh tân, hun đúc đời sống thiêng liêng của các tín hữu qua việc học hỏi, chia sẻ, sống Lời Chúa và hăng say trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Tác giả: Lm GB Vũ Quốc Đạt