Người trẻ bước đi, tìm kiếm, ước mơ, phục vụ

Thứ tư - 19/09/2018 23:21  1700
ĐTC với người trẻ: Bước đi, tìm kiếm, ước mơ và phục vụ
 
untitled 2

Walk, Search, Dream, Serve

Đức Thánh Cha đã trả lời ba câu hỏi mà các bạn trẻ đưa ra trong chuyến thăm đảo Sicillia – Ý ngày 25-09-2018.

Câu hỏi 1. Làm sao để nghe tiếng Chúa và đáp trả một cách đúng đắn?

Đức Thánh Cha đã đưa ra bốn việc cần làm để nghe được tiếng Chúa đúng đắn. Đó là bước đi, tìm kiếm, ước mơ và phục vụ.

Bước đi

Trước tiên là bước đi. Người ta không lắng nghe Chúa khi ngồi trên ghế bành tiện nghi. Nếu ngồi một chỗ thì sẽ bị nhiễu sóng không nghe rõ được Lời Chúa vì Lời Chúa thì năng động. Do đó, người ta khám phá ra Thiên Chúa khi họ bước đi chứ không phải khi ngồi chờ đợi điều gì đó xảy ra như một phép thuật trong cuộc sống. Trong Thánh Kinh, Chúa luôn kêu gọi những người trẻ và thích nói với người trẻ đang trên hành trình, như hai môn đệ trên đường Emmaus, hoặc là khi người ta đang bận rộn như vua Đa-vít đang chăn đàn gia súc, còn các anh của ông thì đang thoải mái ở nhà. Thiên Chúa chống lại sự lười biếng và Người thích những hoạt động. Những hoạt động này không phải là chuyển động bên ngoài, nhưng là chuyển động của con tim. Như Samuen ngày đêm ở trong đền thờ, nhưng lại luôn di chuyển. Bởi vì cậu ta không bị chìm ngập trong các công việc, nhưng là tìm kiếm: Bước đi và tìm kiếm.

Tìm kiếm

Chúa nói với người tìm kiếm. Ai tìm kiếm thì bước đi. Khi tìm kiếm thì người ta ở trong trạng thái lành mạnh. Khi cảm thấy mình đã đến nơi, nhất là đối với chúng con, đó là một thảm kịch. Lời của Chúa Giê-su: Các con hãy tìm và sẽ gặp. Nhưng tìm ở đâu? - Không phải ở điện thoại di động. Những lời mời gọi của Chúa không gửi đến trên các điện thoại. Cũng không phải là trên tivi, nơi mà Chúa không làm chủ một kênh truyền hình nào; và cũng không phải ở trong những tiếng nhạc chát chúa hay đều đều mê hoặc. Ở đó, đường điện thoại nối với trời bị cắt đứt giữa chừng. Chúa cũng không được tìm kiếm trước tấm gương, nơi mà các con cô đơn một mình và có nguy cơ bị thất vọng khi thấy chính mình. Đừng tìm Chúa nơi căn phòng nhỏ, nơi chúng con đóng kín mình và nghĩ về quá khứ hay lang thang với một ý nghĩ cho một tương lai không biết được.

Chúa nói trong các mối tương quan. Các con đừng khép kín mình nhưng hãy có tương quan với Chúa, tin tưởng và tín thác nơi Người. Hãy tìm Chúa trong cầu nguyện, các con sẽ hiểu rằng Chúa Giê-su tin vào các con hơn là các con tin vào chính các con. Các con sẽ hiểu rằng Người yêu các con hơn các con yêu chính mình. Các con hãy cố gắng đi ra khỏi chính mình. Người chờ đợi các con ở đó, ở tại cánh cửa của trái tim. Các con hãy chia sẻ những kinh nghiệm mạnh mẽ.

Tiếp đến để tìm gặp Chúa hãy sống thành Giáo Hội. Các con hãy họp thành nhóm, hãy lao vào điều tốt đẹp mà không sợ hãi. Đó là một cuộc đi bộ, một chuyến hành hương, những cuộc gặp gỡ cầu nguyện, một sự gặp gỡ những người khốn khổ. Cha Puglici khi làm thành Giáo Hội đã dạy cách chia sẻ, dạy công bình, dạy Tin Mừng và đưa các thanh thiếu niên ra khỏi thế giới ngầm. Bởi vì Tin Mừng là trường học của cuộc sống, là cuộc thám hiểm kỳ diệu của tình yêu, là bản đồ kho báu của sự sống. Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ ra khơi dấn thân vào đời sống với lời mời gọi của Chúa Giê-su: hãy theo ta. Chúa gọi các bạn trẻ hãy đi ra xa bờ, đừng hài lòng ngắm nhìn chân trời, hãy bước vào cuộc đời. Chúa không muốn các bạn trẻ ở sau hậu trường ngắm nhìn người khác hoặc ngồi trên bục để phê bình, nhưng bước ra sân khấu. Hãy tham gia vào cuộc chơi, đừng sợ mình sẽ trở thành kẻ ngốc nghếch. Hãy kiên nhẫn! Bị mất mặt không phải là một bi kịch của cuộc sống. Bi kịch của cuộc sống là không dám tham gia, không dám trao tặng cuộc sống tốt hơn là đi vào những giấc mơ đẹp với sự ngốc nghếch hơn là trở thành những người về hưu chọn cuộc sống yên tĩnh.

Mơ ước

Điều thứ ba các bạn trẻ cần làm là dám mơ ước. Chúa đã gọi Samuen vào ban đêm và với Giuse cũng thế, vào ban đêm trong giấc mơ nhận ra tiếng Chúa. Để lắng nghe tiếng Chúa, bên cạnh việc bước đi và tìm kiếm, cần biết mơ. Các con đừng dập tắt những giấc mơ, những giấc mơ thật, những giấc mơ vĩ đại mà chúng con mơ với đôi mắt mở to, hãy mơ với trái tim mở rộng và để cho Chúa đi vào trái tim chúng con.   

Phục vụ

Động từ cuối cùng giúp chúng ta ở cùng tần số với Chúa, đó là phục vụ. Dường như là nhiều quá, người ta nói rằng người trẻ ngày nay muốn được tự lập, không muốn nghe nói về phục vụ, về tình nguyện. Cha không tin như vậy. Bởi vì phục vụ thêm hương vị cho cuộc sống, giúp người ta cảm thấy sống động. Cần đề ra việc phục vụ với lòng can đảm và nhớ rằng ai không sống để phục vụ thì không phục vụ để sống. Phục vụ thì không đánh mất thời giờ, không phải với khuôn mặt chảy dài bởi vì họ làm việc như một người chủ. Trong trái tim, họ không có sự buồn chán, không có những khoảnh khắc khủng hoảng, nhưng là những chân trời rộng mở, một tình yêu, gương mặt và tiếng nói của những người khốn khố. Khi phục vụ, người ta chú ý đến tiếng nói của tình yêu, là tiếng nói của Thiên Chúa.

Như thế, các con hãy bước đi - tìm kiếm – ước mơ và phục vụ. Các con đừng sợ! Chúa làm cho các con sẽ nghe tiếng của Người. Người không hét to nhưng nói với các con tim không mê ngủ, không bị gây mê.

Câu 2. Đón tiếp và nhân quyền quan trọng thế nào đối với một Ki-tô hữu?

Sicillia, Trung tâm của Địa Trung Hải, luôn là đất của gặp gỡ. Đó không chỉ là một truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhưng là một sứ điệp đức tin. Bởi vì đức tin được xây dựng trên sự gặp gỡ. Thiên Chúa đã bước xuống trần gian muốn gặp và cứu độ chúng ta như một dân tộc chứ không như những cá nhân. Do đó, đối với chúng ta, tha nhân, phẩm giá của họ, sự đón tiếp, tương trợ không phải là những thiện ý của những người được giáo dục, nhưng là đặc điểm riêng biệt của người Ki-tô hữu. Ki-tô hữu tin rằng, Thiên Chúa đã làm người và do đó yêu thương con người, yêu mỗi con người chính là yêu Chúa. Điều mà ngày nay còn thiếu, còn đói khát đó là tình yêu. Nó không phải là tình yêu cảm tính trên các show truyền hình, nhưng là tình yêu cụ thể của Tin Mừng.

Thiên Chúa yêu thương ai trao tặng với sự vui tươi. Thiên Chúa yêu thương ai trao tặng. Để sống, người ta không chỉ phân biệt nhưng cần tham gia vào, cần sống với người khác. Người ta không giải thích cuộc sống, nhưng là sống. Điều này đúng hơn nữa đối với đời sống Ki-tô giáo. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra: tôi có dùng các tài năng của tôi không? Tôi có thời giờ dành cho người khác không? Tôi có thực hành một tí yêu thương cụ thể trong ngày sống của tôi không? Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự hợp nhất tương trợ tạo nên một mạng liên kết thực sự để kiến tạo tương lai, chứ không phải là các mạng ảo xã hội. Và các bạn trẻ là người xây dựng các mạng này, là người kiến tạo tương lai. Điều này có nghĩa là khởi đi từ những giấc mơ và những dự án lớn, khởi đi từ tha nhân, không hài lòng với những nhu cầu hiện tại. Nó có nghĩa là không xây dựng trên cái tôi, nhưng trên cái chúng ta, từ bỏ lối luận lý của tôi, các mối quan tâm của tôi, các lợi ích của tôi, thời gian của tôi. Người ta không chuẩn bị tương lai với tất cả những nhu cầu riêng tư hôm nay.

Những người kiến tạo tương lai cần biết nói “không” với bức tường của sự im lặng, nói không với tư duy của bọn Mafia, với sự bất hợp pháp và phi pháp, là những chất độc ăn mòn phẩm giá của con người. Nói không với bạo lực. Những người sử dụng bạo lực không phải là con người. Cha tha thiết kêu mời: Các con hãy hứa với cha rằng sẽ không có sự bắt nạt, ức hiếp nào từ phía các con. Nếu chúng con bắt nạt và ức hiếp thì các con không phải là những con người mà là những kẻ hèn nhát. Người mạnh mẽ không sử dụng bạo lực bằng miệng, bằng tay hay ngay cả bằng tư tưởng. Hãy hứa với cha không bao giờ sử dụng bạo lực, không bao giờ bắt nạt ai.

Cuối cùng, chúng ta cần những con người thực sự, những con người tố cáo sự phi pháp và bóc lột, những người sống các mối tương quan tự do và giải phóng, những người yêu thương người yếu đuối nhất và say mê sự hợp pháp – tấm gương của sự chân thật nội tâm.

Câu hỏi cuối: Làm sao sống như những người trẻ tại mảnh đất này?

Các bạn trẻ là những ánh bình minh của niềm hy vọng. Vì từ họ, hy vọng sẽ bừng lên ở Palermo, ở Sicillia, ở Italia, ở trong Giáo Hội. Để được như thế, người trẻ các con hãy có trái tim trẻ trung tràn đầy hy vọng, chiến đấu để không cảm thấy mình già cỗi, không đầu hàng trước luận lý không thể tha thứ. Lối luận lý đang lan tràn mà theo đó không có ơn cứu độ trên mặt đất này. Không, nói không với chủ thuyết tiền định và nói có với niềm hy vọng Ki-tô giáo. Nói không với sự cam chịu, nói không với việc câm nín, trước những kẻ muốn chúng ta phải câm miệng. Có một sứ vụ cần thực hiện, có một ơn gọi cần hiện thực: Đó là trở thành những người mạnh mẽ mang niềm hy vọng Phục Sinh, bình minh của hy vọng tới cho người khác. Hãy khơi dậy niềm mong đợi một tương lai của con cái tự do. Để làm điều này, các con hãy nuôi dưỡng nơi các con những điều mang đến hy vọng: Tin mừng, sự dấn thân cho tha nhân và cho nền văn hóa. Việc đọc nhiều rất là quan trọng. Đừng hài lòng với các khẩu hiệu mà truyền hình và các mạng xã hội ném cho các con. Nó nói về cái bao tử chứ không nói về trí óc và con tim.

Thật là đẹp khi nhìn thấy Giáo Hội với những người mang tin vui mừng về niềm hy vọng. Niềm hy vọng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Chúng ta hãy cùng nhau mơ ước và sống một Giáo Hội hy vọng không đẩy ai ra bên ngoài. Một Giáo Hội được linh động bởi tình yêu, xây dựng những tương quan mang lại phúc lợi cho tất cả mọi người. Một xã hội vạch trần sự ác. Các con hãy thắp lên các ước mơ của các con. Bình minh của tất cả sẽ rực sáng hơn.

 
Tiểu Bôi biên tập theo Đài Vatican

Nguồn tin: zenit.org

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập411
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm380
  • Hôm nay50,150
  • Tháng hiện tại910,511
  • Tổng lượt truy cập78,913,962
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây