Lòng Chúa xót thương và lối sống người kitô hữu
Thứ tư - 09/11/2016 15:15
2348
Thiên Chúa giàu lòng xót thương là sứ điệp trung tâm của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, đến độ có thể nói toàn bộ mạc khải được thâu tóm vào ba chữ Lòng thương xót[1]. Tuy nhiên, khi đứng trước sự dữ xảy ra dưới thiên hình vạn trạng, từ những thiên tai lũ lụt đến những bất công xã hội và nỗi đau xảy đến cho người vô tội, thì Lòng thương xót của Chúa bị con người đặt thành vấn đề nghi vấn. Có người đã coi sự dữ như là bằng chứng để tố cáo sự bất lực của Thiên Chúa hay phủ nhận sự hiện hữu của Ngài: Thiên Chúa nhân lành và quyền năng ở đâu, khi sự dữ xảy ra, và Ngài ở đâu khi nó kết thúc... ? Lời biện giải tốt nhất để cứu vãn danh dự cho Ngài, đó chẳng phải là thừa nhận Ngài bất lực, không có mặt hay không hiện hữu sao?[2] Có người lại cho rằng vấn đề sự dữ và Lòng thương xót của Chúa là điều không thể hiểu nổi, bao lâu còn sống trên trái đất. Chẳng hạn, Romano Guardini cho rằng vào ngày chung thẩm, không phải chỉ có ông là người bị tra hỏi, nhưng chính ông cũng sẽ là người chất vấn Thiên Chúa: “Lạy Chúa, tại sao người vô tội phải chịu đau khổ? ” và ông hy vọng khi đó sẽ nhận được câu trả lời rõ ràng và dứt khoát.[3]
Mầu nhiệm nói chung và mầu nhiệm Thiên Chúa xót thương nói riêng không phải để hiểu hay lý giải cho bằng để cảm nhận và sống. Vì vậy, bài viết này không có tham vọng nào khác ngoài việc muốn chia sẻ một lối tiếp cận Lòng thương xót Chúa, khởi đi từ chính kinh nghiệm của con người về lòng thương xót, để từ đó có thể đón nhận được tia sáng nào đó cho lối sống thường ngày của người Kitô hữu.
1. Từ kinh nghiệm của con người về lòng thương xót
Trong một lần đi thăm bác ái dịp Giáng sinh năm 2015, tôi với bốn thầy đến thăm một gia đình hai cụ già. Cụ ông đã 85 và cụ bà 83. Từ khi chúng tôi bước vào nhà, đúng hơn phải gọi là túp lều, cho đến lúc nói lời chào cáo biệt, cả hai cụ đều khóc. Tôi hỏi sao hai cụ khóc, cụ ông thều thào trả lời: “đây là lần đầu tiên có các đấng các bậc vào nhà chúng con.”
Các cụ tuy nghèo thật, nghèo đến độ không có đủ năm cái ly để rót mời anh em chúng tôi mỗi người ly nước, nhưng rõ ràng các cụ khóc không phải vì cân đường hộp sữa chúng tôi đem biếu. Các cụ xúc động và khóc, vì chính cuộc viếng thăm và sự hiện diện của chúng tôi, mà theo kiểu nói của các cụ, là sự hiện diện của các “đấng bậc” trong đạo. Người cùng khổ sẽ cảm thấy ấm lòng khi cảm nhận đƣợc có ai đó đã “hạ cố”, “hạ mình”, “đi xuống” để ngồi chung và chia sẻ thân phận nhỏ bé, khốn cùng của họ, chứ không phải chỉ vì đã nhận được tặng vật.
2. Đến cảm nghiệm và chiêm ngắm Lòng thương xót Chúa
Kinh nghiệm trên giúp tôi hiểu đôi điều về lòng Chúa xót thương dành cho con người. Vì thật ra, Thiên Chúa giàu lòng xót thương là gì nếu không phải là một Thiên Chúa đã tự hạ để đến với con người, chia sẻ thân phận và cứu độ con người khỏi tình trạng khốn cùng của họ. Sự tự hạ và đi xuống này được thể hiện trước tiên ngay trong Sáng thế chương ba và những chương tiếp theo nói về việc con người sa ngã và những hậu quả của tội. Kinh Thánh kể, sau khi phạm tội, con người rơi vào cảnh khốn cùng: phải ân hận xa lìa Thiên Chúa, sự chết nhập vào thế gian, quan hệ vợ chồng trở nên xa lạ, ngượng ngùng và chiếm hữu, anh em ghen tị và giết hại nhau, thiên nhiên trở nên gai góc chống lại con người. Chính nỗi khốn cùng (miseria) này của nhân loại và vũ trụ đã chạm đến trái tim (cordia) của Thiên Chúa, khiến Thiên Chúa như một người mẹ đầy lòng xót thương phải thân hành tìm đến con người đang trong cảnh khốn đốn và tuyệt vọng, để mở ra cho nó niềm hy vọng vào Đấng Cứu Độ sẽ được tặng ban.
Tiếp theo đó là việc Thiên Chúa tiếp tục đi xuống để dong duổi theo đuổi con người mà đại diện ở đây chính là dân Israel. Ngài đã tuyển chọn, đồng hành, dạy dỗ, kiên nhẫn đợi chờ và cứu giúp Israel. Đặc biệt, Ngài đã năm lần bảy lượt tự nguyện trở thành đối tác ngang hàng với con người, ràng buộc danh dự của mình vốn là danh dự của một Thiên Chúa vô cùng cao cả vào trong những giao ước với con người tự bản chất vô cùng thấp hèn, trải dài từ giao ước sau Lụt Hồng Thuỷ, qua Abraham đến tận giao ước trên đỉnh Sinai.
Và cuối cùng, khi “thời gian viên mãn”, Ngôi Lời vĩnh cửu đã mặc lấy xác phàm và “cắm lều” giữa nhân loại. Nơi Đức Giêsu, lòng thương xót của Thiên Chúa không còn là cái gì trừu tượng hay một trạng thái xúc cảm thuần tâm lý, nhưng đã trở thành con người có hình hài là Đức Giêsu[4], để từ nay người ta có thể chiêm ngưỡng và chạm đến được. Ngài đã giảng dạy về lòng thương xót, đã tất tưởi đi tìm từng con chiên lạc, đã đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi, đã đưa tay chạm đến những thi thể, những vết thương lở loét của người bệnh phong vốn bị coi là ô uế để phục sinh và chữa lành... Và trên hết, Ngài vốn vô tội nhưng đã tự liệt mình vào hàng tội nhân, đến xin Gioan làm phép rửa cho để tỏ lòng sám hối và cuối cùng đã chết giữa những phạm nhân trên đỉnh đồi Golgotha. Trên thập giá, khi đã bị hành hạ và tước đoạt đến tận cùng chỉ còn lại tấm thân trơ trọi, Ngài đã kêu lên “mọi sự đã hoàn tất”. Hai tiếng “hoàn tất” nghe âm thanh thật ngắn, nhưng tiếng vọng lại thật xa, thật sâu và dồi dào ý nghĩa, trong đó, không ngoại trừ điều mà Jean Galot trong tác phẩm của mình “Đấng Chiến thắng nhờ đau khổ” (Le Vainqueur par la souffrance) đã đề cập: “hoàn tất” có nghĩa là “Ngài đã đi đến tận đáy vực thẳm nỗi khốn cùng của nhân loại, để từ nay, bất cứ ai trong nhân loại đều có Thiên Chúa cứu độ là bạn”. Thiên Chúa xót thương cứu độ là như thế: Ngài xuống đến tận cùng nỗi thống khổ của con người để cảm thông tất cả, chia sẻ tất cả, hy sinh tất cả và tha thứ tất cả cốt chỉ để nâng vực con người khốn khổ chỗi dậy mà thông phần vinh phúc với Ngài và là chính Ngài.
Và kết luận
Mỗi người có một cuộc đời để sống, một lý tưởng để theo đuổi và ít là một khuôn mẫu để mô phỏng. Là những người đi theo Đức Kitô, người Kitô hữu xác tín rằng nếu lòng thương xót đã đẩy Thiên Chúa đi ra khỏi mình để đến với con người, sống như con người và hiến tế cho con người, thì việc thực thi lòng thương xót chính là lối sống, là con đường dẫn về với Chúa và Nước Trời. Vì thật ra, ngay trong diễn từ cánh chung[5], Chúa Giêsu cho thấy trong ngày chung thẩm, vị Thẩm Phán Chí Công sẽ dựa vào những việc người ta đã làm hay không làm cho ngƣời cùng khổ khi còn sống trên trần gian để xét xử muôn dân: Ai thực thi lòng thương xót, người ấy vào Nước Trời và ngược lại, ai không yêu đồng loại sẽ bị hư mất đời đời. Đây cũng chính là điều mà thánh Gioan Thánh giá đã khẳng định: “cuối cuộc đời bạn sẽ bị xét xử về tình yêu”. Tình yêu ở đây không phải chỉ là thứ tình cảm chung chung, nhưng là lòng trắc ẩn và thương xót dành cho người khốn cùng. Việc thực thi lòng thương xót, hay làm từ thiện bác ái, được nói đến trong kinh Thương Người Có Mười Bốn Mối, đối với người Kitô hữu, không phải chỉ là những lời khuyến thiện, nhưng còn là và chính là bổn phận phải thực thi nhằm cụ thể hoá ơn gọi của người tín hữu Kitô.
Năm Thánh Lòng Thương Xót đã đến hồi kết thúc, Năm phụng vụ của Hội Thánh 2015-2016 cũng đang dần khép lại để mở ra năm Phụng Vụ mới với khởi đầu là Mùa Vọng, Mùa Chúa đến. Xin cho Lòng Thương Xót trước nỗi khốn cùng của nhân loại đã khiến Chúa tự huỷ và biến mình thành quà tặng xót thương cho nhân loại[6] chạm vào trái tim nhân loại ngày nay, để đến lượt mình, mỗi người cũng vì chạnh lòng thương mà biến con người và cuộc đời mình thành quà tặng trao cho đồng loại, đặc biệt những ai đang sống trong lầm than của phận người.
Bụi Đất
ĐCV Bùi Chu, Ra Khơi số 15, tháng 11/2016, tr. 25-30.
[1] W. KASPER, Thách đố của lòng thương xót. Qiqujon, 2015, Torino, tr. 17
[2] x. Id, Lòng thương xót. Yếu tính và chìa khoá dẫn vào Kitô giáo, Paulist Press, 2014, New Jersey, tr. 2
[4] PHANXICÔ, Tông chiếu Dung mạo lòng thương xót (01/04/2015), số 6
[6] UỶ BAN GIÁO HOÀNG VỀ TÁI LOAN BÁO TIN MỪNG, Các Giáo Phụ và Lòng thương xót, (sách điện tử), San Paolo, 2015, tr. 54