Đẹp thay bước chân sứ giả Tin mừng
Thứ ba - 03/12/2024 02:58
55
Có một thời người ta quan niệm rằng “Việc loan báo Tin mừng là của các Giám mục, linh mục, tu sĩ”, còn giáo dân chỉ cần giữ đạo là đủ. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm vì nhiệm vụ truyền giáo là của mọi kitô hữu. Qua Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng , Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi: “Tôi muốn hướng đến mọi Kitô hữu Công Giáo, mời gọi họ bước vào một giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa, được ghi dấu ấn của niềm vui này và vạch lối đi cho Giáo Hội trong những năm tới” bởi lẽ sứ vụ truyền giáo là sứ vụ chính yếu của Giáo Hội nói chung và của mọi Kitô hữu nói riêng. Đó là trách nhiệm tiên khởi của chúng ta.
Trước khi về trời, Đức Giêsu đã chỉ thị các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo" (Mc 16,15). Mệnh lệnh này không chỉ khép lại với cái chết của vị tông đồ cuối cùng nhưng vẫn còn là một ơn gọi, một nhiệm vụ kéo dài của Giáo hội nói chung và của mỗi người nói riêng trong cuộc lữ hành đức tin trên trần thế này. Loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo là gì nếu không phải là "kể câu chuyện về Đức Giêsu Kitô": Người đã nghĩ, đã nói và đã làm gì khi đến trần gian. Chúa Giêsu Kitô trở nên người phàm để bắc lại nhịp cầu nối kết giữa Thiên Chúa với nhân loại. Việc nhập thể của Người là bằng chứng cụ thể của tình yêu Thiên Chúa đối với con người: “Từ địa vị một Thiên Chúa cao sang, Thiên Chúa đã từ bỏ để mặc lấy thân phận yếu hèn của con người”. Với sứ mạng của Đấng Cứu Thế, Đức Giêsu công bố cho thế giới về một Thiên Chúa yêu thương nhân loại cách vô điều kiện và yêu cho đến cùng. Chúa Giêsu Kitô là Tin mừng vĩ đại và duy nhất đối với nhân loại vì Người "là đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14, 6), Người cũng là hiện thân dung mạo tình yêu của Chúa Cha: trong Ngôi Lời nhập Thể, tất cả đều diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa (x. MV 8). Các môn đệ được Đức Giêsu sai đi khắp nơi, đem lại bình an, kiến tạo niềm vui, trao ban ơn cứu độ của Thiên Chúa cho muôn người. Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô muốn chia sẻ ý thức trách nhiệm và thái độ cần phải có của một người ra đi rao giảng Lời Chúa. Ngài rao giảng không phải để tự hào, nhưng đó là sự cần thiết mà lương tâm bắt buộc ngài phải làm. Ngài rao giảng với thái độ của một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tự nguyện chấp nhận trở thành nô lệ của mọi người vì phần rỗi của họ. Như vậy việc rao giảng Tin Mừng không hề có biên giới, cũng không phân biệt màu da hay chủng tộc, tầng lớp giai cấp hay chính kiến xã hội...Tất cả mọi người đều có quyền được thông chia phần phúc của Tin Mừng.
Hôm nay, Giáo hội mừng kính lễ thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo. Ngài là hiện thân của Tin Mừng phổ quát, không biên giới. Nhận ra ý nghĩa cuộc đời mình từ lời thách thức của Tin Mừng: "Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì ?", vị giáo sư trẻ tuổi nhiều tham vọng, đã từ bỏ tương lai đầy hứa hẹn, chỉ để đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của tha nhân. Từ giã vinh hoa phú quí, thánh nhân rong ruổi trên những nẻo dường Châu Á xa lạ. Ở đâu có vinh quang Thiên Chúa, Phanxicô Xaviê sẵn sàng lên đường. Mỗi một tâm hồn chinh phục được là một niềm vui cho vinh quang Thiên Chúa. Mỗi một thời khắc sống cho Tin Mừng, cũng chính là một cách đong đầy cho khát vọng cống hiến tìm Vinh Danh Chúa. Chính vì thế mà Phanxicô Xaviê đã không mỏi mệt ra đi, dấn bước lên đường: từ Nhật đến Ấn Độ rồi đến biên giới Trung Quốc. Mỗi chặng đường đi qua, lại là một lời “còn nữa” vang lên không ngừng. Tiếng gọi từ nhu cầu truyền giáo đã hớp lấy tâm hồn Phanxicô Xaviê. Thánh nhân đã sống do và cho tiếng gọi này đến hơi thở cuối cùng trên con đường sang Trung Quốc. Đúng là một con người đầy cao vọng, nhưng là một cao vọng đích thực chỉ mình Thiên Chúa mới có thể đong đầy, mới làm no thỏa. Cuộc đời của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ, bất hạnh thuộc mọi chủng tộc, mọi quốc gia. Trong 10 năm ngắn ngủi (1542-1552), Phanxicô Xaviê đã rảo bước khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai, Indonésia và Ấn Độ. Chưa đạt được giấc mơ đến Trung Hoa và Việt Nam, thánh nhân đã qua đời trong kiệt sức vì bệnh tật tại một hải đảo xa xôi, cách Hồng Kông 100 cây số.
Thánh Phanxicô là chứng nhân và mẫu gương lý tưởng trong đời sống truyền giáo cho mọi Kitô hữu. Trong khi phải đối diện với bao nhiêu thúc bách, đòi hỏi của lối sống tiện nghi vật chất và cá nhân chủ nghĩa, huấn lệnh truyền giáo của Đức Kitô vẫn không ngừng thúc giục chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Liệu chúng ta có đủ can đảm khởi bước qua ngưỡng cửa của cái tôi vốn chất chứa bao tư lợi, tham vọng, để hướng tới việc sống - làm chứng cho sứ điệp yêu thương của Đức Kitô. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Phanxicô Xaviê, xin Chúa giúp chúng ta ý thức được tầm quan trọng của sư mạng truyền giáo. Nhất là xin Chúa ban cho chúng ta có tinh thần khó nghèo, siêu thoát và khiêm tốn, hầu trở nên khí cụ bình an của Chúa trong sứ mệnh loan báo Tin mừng Chúa đến cho mọi người được nhận biết Chúa và được cứu độ đời đời.