Thứ Tư đầu tháng, Noi gương thánh Giuse làm việc
Thứ tư - 31/05/2023 04:52
885
Ai cũng phải làm việc. Các việc làm chiếm nhiều thời giờ và năng lực của một đời người. Đứng trước công việc, thông thường, ta có hai thái cực trái ngược nhau: (1) cảm thấy mệt mỏi, uể oải: công việc sao mà nặng nề, cực nhọc quá; (2) coi công việc là tất cả, rồi đặt mọi kỳ vọng to lớn của mình vào trong công việc: làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ, để rồi, đánh mất những giá trị cao đẹp của cuộc sống mình. Theo truyền thống, Hội Thánh thường dùng ngày thứ Tư đầu tháng để kính nhớ Thánh Giu-se, đây là dịp thuận lợi để chúng ta nhìn ngắm mẫu gương lao động của Thánh Cả: chăm chỉ siêng năng làm việc, mà vẫn không quên dành tình cảm cho các thành viên trong gia đình. Đây cũng là dịp chúng ta đặt mình trước Chúa, nhìn lại thái độ của chúng ta đối với các công việc hằng ngày, để rồi, điều chỉnh lại mọi việc theo như Chúa muốn.
Người lười biếng là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình, và xem những người siêng năng là những kẻ dại: không biết tinh ranh, và không biết trốn tránh gánh nặng như mình. Kẻ lười biếng, viện mọi lý do để trốn việc, chẳng học hỏi, chẳng cầu tiến, chẳng phát huy khả năng Chúa ban. Xin thánh Giu-se cầu bầu cùng Chúa cho ta: biết siêng năng làm việc như ngài, để qua những thành quả, từ các công việc mà ta đã làm, mọi người sẽ nhận ra vinh quang của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho ta: việc làm, với óc sáng tạo, để chinh phục thiên nhiên, và tận hưởng thế giới do chính Người đã tạo dựng cho ta.
Ta được Chúa dựng nên để làm việc, nhưng, ta cũng là một thành viên trong gia đình, một công dân ngoài xã hội, một phần tử của cộng đồng. Thời gian của ta không chỉ để làm việc, mà còn để quan tâm đến những người quanh ta, cũng như, để tưởng nhớ đến Đấng đã dựng nên mình. Chúa với quyền năng tuyệt đối có thể làm việc liên tục, ấy thế mà, sau sáu ngày sáng tạo, ngày thứ bảy: Chúa nghỉ ngơi. Điều này cho thấy: một đàng, ta phải nỗ lực làm việc, đàng khác, ta phải dành giờ cho Chúa và tha nhân, không để mình bị mất hút trong các công việc, để rồi, vuột mất những tương quan tốt đẹp mang lại hạnh phúc cho cuộc đời ta.
Sau khi tạo dựng con người, Thiên Chúa liền đưa họ vào vườn địa đàng để trồng trọt và chăm sóc vườn. Việc làm vừa là lời mời gọi vừa là ân ban của Thiên Chúa dành cho con người. Tiếc thay, vì con người bất tuân, đất đã bị nguyền rủa, con người phải làm lụng vất vả, phải đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn. Việc làm, tự nó không phải là gánh nặng, không phải là sự nguyền rủa, nhưng, chính do tội lỗi, chính tội lỗi đã làm cho công việc trở nên nhọc nhằn, gai góc. Noi gương thánh Giu-se, chúng ta hãy mau mắn tuân hành thánh ý Chúa, để các công việc của chúng ta: sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu và sinh được nhiều hoa trái tốt đẹp.
Qua công việc, chúng ta sẽ khám phá ra được: ơn gọi của chính mình, chúng ta sẽ nhận ra được: mục đích của đời mình, và chúng ta sẽ tìm thấy được: niềm vui thỏa trong khi thực hiện các công việc mà Chúa giao phó, để hoàn thành mục đích, ơn gọi làm người của mình. Noi gương thánh Giu-se làm việc: một người chồng sẽ hạnh phúc khi bương chãi để lo cho vợ con; một bà nội trợ sẽ vui sướng khi hoàn tất một món ăn ngon cho gia đình; một người con sẽ hân hoan khi chu toàn bổn phận học tập của mình. Tất cả là hồng ân, là niềm hoan lạc, khi ta hăng hái làm việc để hoàn thành thánh ý Chúa trong cuộc đời ta.
Noi gương thánh Giu-se làm việc, chúng ta sẽ có được lương thực hằng ngày và đóng góp vào sự tiến bộ cho cộng đồng xã hội. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được kêu gọi: “Hãy sinh sôi nảy nở thêm đầy mặt trái đất, và hãy làm chủ vũ trụ này”, mặc dù, những lời này không trực tiếp nói đến vấn đề “làm việc”, nhưng, chúng vẫn ám chỉ cách gián tiếp đến “việc làm”, vì đó là hoạt động của con người trên trần gian này. Chúng ta là hình ảnh của Chúa, được Chúa ủy nhiệm cho việc chăm sóc cả vũ trụ này. Khi thi hành lời ủy nhiệm đó, là ta đang cộng tác vào trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
“Làm việc” là nền tảng xây dựng gia đình, bởi vì, muốn tồn tại, gia đình phải có những điều kiện để sinh sống, mà những phương tiện giúp sinh sống này, phải nhờ làm việc mới có được. Tất cả tiến trình giáo dục một con người, cũng chịu ảnh hưởng bởi tinh thần và lòng nhiệt thành trong khi làm việc. Gia đình là một trong những căn cứ điểm quan trọng nhất, mà trật tự xã hội và đạo đức của con người phải dựa vào để hình thành. Do đó, các thành viên trong gia đình phải noi gương Gia Đình Na-da-rét xưa: ra sức làm việc để xây dựng gia đình mình: thành một tổ ấm hiệp thông, một trường học dạy và thực hành các nhân đức.
Ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế, Đấng Tạo Hóa đã gắn liền “việc làm” cùng với con người, và coi đó: như là sứ mạng của con người trên trần gian này. Những thính giả đầu tiên của Đức Giê-su ở Na-da-rét đã phải ngạc nhiên, bảo nhau: “Ông ta chẳng phải là người thợ mộc hay sao?”. Đức Giê-su ưa chuộng, và quý mến công việc của con người. Người âu yếm, thiết tha làm việc, và tôn trọng các hình thức của công việc. Mỗi hình thức của công việc là một phương cách cho thấy: con người là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng mà Đức Giê-su quả quyết: “Cha Ta không ngừng làm việc”, hay “Cha Thầy là người trồng nho”.
Lời giáo huấn của Đức Giê-su về “làm việc” còn để lại một âm vang rất mạnh mẽ trong lời giáo huấn của thánh Phao-lô. Thánh Phaolô làm nghề dệt lều. Ngài đã tự hào, khi dùng nghề này, để vừa có thể làm việc tông đồ, vừa có thể mưu sinh: Ngày đêm chúng tôi làm việc vất vả lam lũ, để không phải phiền hà đến ai trong anh em. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Giu-se, xin Chúa ban cho chúng ta cũng biết chuyên cần làm việc như thánh Phao-lô dạy: Dù anh em làm việc gì, thì như thể làm cho Chúa, chứ không phải làm cho loài người, vì biết rằng anh em sẽ được hưởng phần gia nghiệp mà Chúa ban thưởng cho.
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB