Bốn mùa thánh thiện
Thứ sáu - 28/05/2021 00:10
1192
“Khi vào đền thờ, Chúa Giêsu liền đuổi những người mua bán ở đó”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Chúa yêu thương dân Ngài”, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác nhận một chân lý ngàn đời! Thế nhưng, dân Ngài không luôn luôn tôn kính Chúa, không ‘bốn mùa thánh thiện’ phụng thờ Ngài. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy hai thái độ đáp trả tình yêu trái ngược nhau của dân. Họ là những người lành thánh, được sách Huấn Ca khen ngợi; bên cạnh đó, họ còn là “những người qua đi như không bao giờ có họ”. Đó cũng có thể là ‘những người mượn danh Thiên Chúa’ để trục lợi như những người Chúa Giêsu xua đuổi khỏi đền thờ trong Tin Mừng hôm nay.
Sách Huấn Ca nói đến hai hạng người. Hạng “được ca tụng qua các thời đại”, “Họ là những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên”; “Miêu duệ họ trung thành với giao ước và con cái họ, nhờ họ, cũng được trung thành; vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ”, họ được coi như “các vĩ nhân, các tổ phụ” ‘bốn mùa thánh thiện’. Huấn Ca còn nói đến một hạng người khác, “Có những người không ai nhớ đến nữa; họ qua đi như không bao giờ có họ, họ sinh ra như thể không có họ sinh ra!”.
Thật thú vị! ‘Hạng thứ hai’ này được Tin Mừng hôm nay ví von như cây vả héo khô bị Chúa Giêsu chúc dữ. Khi Chúa Giêsu và các môn đệ vào thành, tình cờ, Ngài tìm quả ở một cây vả nhưng không thấy; Ngài quở nó, và hôm sau, nó héo khô, mặc dầu chưa đến mùa vả. Cây vả, ở đây, tượng trưng cho Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu mong đợi sẽ thấy những con người “ra công làm việc của Chúa Cha”; vậy mà thay vào đó, tại đền thánh linh thiêng này, Ngài chỉ thấy những con người ‘ra công’ vì những việc thế tục, và thường là những hành vi gian lận và bất công; Ngài lên tiếng, “Nào chẳng có lời chép rằng, ‘Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp!’”.
Với hình ảnh cây vả hôm nay, thánh giáo phụ Bêđa Khả Kính cho rằng, hành động của Chúa Giêsu mang tính ngụ ngôn. Cây vả tượng trưng cho nhiều người mà Ngài đã gặp và tiếp tục gặp, những người không sinh trái tốt trong đời họ. Họ là những người Pharisêu và những người khác, vốn chỉ thực hành đức tin theo những cách thức bên ngoài; thánh giáo phụ cho rằng, những chiếc lá biểu tượng cho ngoại cảnh của đức tin, và việc không sinh trái là biểu tượng cho hoa trái bên trong của sự thánh thiện và các việc lành vốn bị thiếu.
Bài học này cho chúng ta biết, Chúa Giêsu rất khắt khe. Ngài quyết tâm tìm bằng được trái tốt ‘ngay cả khi trái mùa’ trong cuộc sống của mỗi người; Ngài muốn chúng ta ‘bốn mùa thánh thiện’ thực sự, không phải theo mùa! Và khi Ngài chỉ tìm thấy những gì bên ngoài, Ngài sẽ quở trách chúng ta trong yêu thương, ngay cả những điều dù bên ngoài có tốt đẹp đến đâu, ‘đạo đức’ đến mấy, cũng bỏ đi. Ngài kêu gọi tất cả những người theo Ngài đến với một sự thánh khiết ‘được sống’, ‘được biến đổi’, ‘được biểu lộ’ và đem lại kết quả cụ thể cho Vương Quốc Ngài. Ngài muốn chúng ta, trong mọi đấng bậc, trở thành ‘một Kitô hữu’, ‘một môn đệ’, ‘một tông đồ’, không chỉ trên danh nghĩa nhưng ‘trong hành động’, ‘trong cách sống’ vốn phát xuất từ ‘trong máu’ là chính sự sống thần linh của Ngài. Cuộc đời mỗi người chúng ta phải thực sự sinh hoa trái tốt lành của sự thánh thiện; và hoa trái ‘bốn mùa thánh thiện’ này sẽ là lương thực Ngài dùng để nuôi sống sự đói khát thiêng liêng của các linh hồn.
Anh Chị em,
Như Thánh Vịnh 65 nói, “Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi”; nhờ việc lắng nghe Lời Chúa và Thánh Thể Ngài nuôi dưỡng mỗi ngày, chớ gì ‘cây vả linh hồn’ chúng ta luôn tươi tốt, bốn mùa sinh quả. Và chúng ta đừng bao giờ quên, Chúa Giêsu luôn đói khát linh hồn chúng ta; Ngài sẽ đến ‘tìm trái’ bất cứ lúc nào. Liệu Ngài có tìm thấy ở đó điều Ngài kỳ vọng, là những hoa thơm trái tốt ‘bốn mùa thánh thiện’ của các việc lành phúc đức, hay Ngài chỉ thấy ở đó không gì khác ngoài lá và lá, điều mà thánh Bêđa gọi là ‘ngoại cảnh của đức tin’.
“Lạy Chúa, khi con nằm xuống, có lẽ không cần phải có ai nhớ đến như sách Huấn Ca nói; nhưng ngay hôm nay, xin cho con được sai trái cả ‘bốn mùa thánh thiện’; vì cả bốn mùa, con được ân sủng Chúa tưới đẫm và sưởi ấm”, Amen.