29/06: Phêrô và Phaolô, hai con người của ân sủng
Thứ tư - 28/06/2017 05:43
2876
Nhắc tới Phê-rô và Phao-lô, ai trong chúng ta cũng từng nghe biết về hai Ngài với những điều căn bản này. Thánh Phê-rô là một trong ba môn đệ đầu tiên mà Chúa Giê-su đã chọn gọi. Ông có mặt trong những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa Giê-su. Biến cố nổi bật nhất liên quan đến thánh nhân là sự kiện chối Chúa ba lần. Ngược lại với Phê-rô, thánh Phao-lô chỉ được biết đến sau khi Chúa Giê-su đã về trời.
Phao-lô không thuộc nhóm mười hai. Ngài được biết đến với danh hiệu ‘tông đồ sinh non’. Phao-lô là ‘lợi khí’ Thiên Chúa dùng trong việc loan báo Tin mừng tới cho người ngoại. Vì lẽ đó mà Ngài được gọi là tông đồ của dân ngoại. So với vị tông đồ trưởng, Phao-lô có vị trí khiêm nhường trong Tông đồ đoàn. Nhưng đóng góp của Ngài cho sự nghiệp mở mang Nước Chúa có lẽ không kém Phê-rô là bao. Điều này chúng ta có thể hiểu qua lời ‘tự biện hộ’ của ông trong một giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời, để nói lên niềm tin tưởng của Ngài vào Chúa : “Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin mừng” (2Tm 4, 17). Hành trình rao giảng Tin Mừng của Phao-lô trải dài qua nhiều miền, nhiều nơi khác nhau. Và sau cùng thánh Phao-lô được phúc tử vì đạo vào năm 67.
Lại nói về Phê-rô, sự kiện chối Chúa là một kinh nghiệm để đời thế nào. Thì lời tuyên xưng mạnh mẽ : “Thầy là Đức Ki-tô con Thiên Chúa hằng sống”, được Chúa Giêsu yêu mến và tín nhiệm ông đặc biệt. Người không ngần ngại trao quyền bính với sứ mạng ‘tháo - buộc’ cho ông, qua hình ảnh biểu trưng là chiếc ‘chìa khóa’. Để chính thức trao quyền lãnh đạo cho Phê-rô, Người đã trao “chìa khóa” cho ông (x. Mt 16, 19). Đối với dân It-ra-el xưa, người được nắm giữ chìa khóa trong cung sẽ là người có chức vụ cao nhất (x. Is 22, 22). Dựa theo truyền thống này, hành động trao chìa khóa cho Phê-rô là một công bố minh nhiên cho mọi người biết : Phê-rô là người có chức vụ cao nhất trong cung điện là Giáo Hội của Người.
Chức năng chìa khóa Đức Giêsu trao cho Phê-rô còn có ý nghĩa siêu nhiên (x. Mt 16, 19), những quyết định của ông không chỉ có hiệu lực dưới đất mà còn có giá trị trên trời. Phê-rô là nền tảng, là vị hướng đạo, là cơ quan quyết định tối hậu. Đó là quyền mà Thiên Chúa trao cho Phê-rô cũng như những ai kế vị Ngài. Trong Thánh Kinh, khi Thiên Chúa trao sứ mạng mới cho ai. Người thường khởi đầu bằng việc đổi tên (x. St 17, 5 và 32, 29). Thánh Phê-rô cũng được Thầy đổi tên. Từ Simon thành Phê-rô nghĩa là đá. Tên này phát xuất từ chữ Petros của tiếng Hy-lạp, theo quan niệm người xưa: đổi tên là đổi danh phận. Phê-rô từ một anh ngư phủ trở thành một ‘ngư nhân’ kiêm trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội sơ khai.
Thánh lễ mừng hai tông đồ đặc biệt này được cử hành lần đầu tiên vào năm 354. Phê-rô và Phao-lô, hai con người này là minh chứng sống động của ân sủng Thiên Chúa. Hai quá khứ đầy ắp những vấp phạm, lầm lỗi và yếu kém nhưng lại trở nên những vị Tông Đồ phục vụ Tin mừng cách đắc lực, trở nên hai cột trụ của Hội thánh.
Qua hai thánh Phê-rô và Phao-lô, chúng ta hiểu rằng ân sủng của Thiên Chúa thật lớn lao và kỳ diệu biết bao. Ân sủng có thể hoán cải những con người yếu đuối, bất toàn trở nên mạnh mẽ, làm nền đá vững vàng để xây Nhà Giáo hội. Là Kitô hữu chúng ta cần phải noi gương hai thánh nhân luôn đặt mình trong tay Chúa, được Ngài sử dụng và sai đi là một ân huệ to lớn cho chúng con.
Học viện, Đaminh Bùi Chu