Tình Cha Nghĩa Mẹ
Thứ tư - 04/11/2015 10:34
9086
Tháng 11, tháng diễn tả tâm tình báo hiếu và cũng là tháng thể hiện lòng tri ân tình cha nghĩa mẹ. Trong thi ca và âm nhạc đã có biết bao bút mực diễn tả về mối tình thiêng liêng và cao quý này. Từ xa xưa, ca dao Việt Nam đã dùng những lời vàng ý ngọc để ca ngợi công ơn cha mẹ rất sâu sắc và ý nghĩa:
“Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Và thậm chí có thi sĩ còn ví von mạnh mẽ hơn:
“Núi Thái ngút ngàn đâu sánh được công cha
Biển sâu thăm thẳm chẳng so được nghĩa mẹ”.
Quả vậy tình cha nghĩa mẹ rộng lớn vượt trời biển, nào đâu có gì sánh ví được. Có một câu chuyện có thật và rất cảm động về tình mẹ như sau:
“Sau khi trận động đất đã qua đi, khi các nhân viên cứu hộ đến thu dọn ngôi nhà của một người phụ nữ Nhật, họ nhìn thấy thân thể cô ấy qua các vết nứt. Người đội trưởng đội cứu hộ đã rất khó khăn khi luồn tay mình qua khoảng cách hẹp trên tường để chạm tới cơ thể của người phụ nữ. Anh ấy đã hy vọng rằng người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Nhưng, cơ thể lạnh cứng của cô đã nói với anh rằng, cô ấy chắc chắn đã qua đời. Anh quỳ xuống, và lần tìm qua những khe nứt hẹp một chút không gian dưới cơ thể đã chết. Rồi đột nhiên, anh hét lên đầy phấn chấn : Một đứa bé ! Có một đứa bé !.
Cả đội cùng nhau cẩn thận bỏ từng cái cọc trong đống đổ nát xung quanh xác người phụ nữ. Có một bé trai 3 tháng tuổi được bọc trong một tấm chăn hoa ngay bên dưới xác người mẹ. Người phụ nữ rõ ràng đã thực hiện một hành động hy sinh cuối cùng để cứu con trai mình. Khi ngôi nhà của cô rơi xuống, cô đã dùng cơ thể của mình để làm tấm chắn bảo vệ con trai mình. Cậu bé vẫn ngủ một cách yên bình khi đội trưởng đội cứu hộ nhấc bé lên.
Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khoẻ cậu bé. Sau khi ông mở tấm chăn, ông nhìn thấy một chiếc điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn văn bản trên màn hình, nói rằng, "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con".
Chiếc điện thoại này đã lưu chuyển từ bàn tay này đến bàn tay khác. Tất cả những người đọc tin nhắn đều đã khóc. "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con”.
Câu chuyện trên đã vẽ lên hình ảnh rất cao đẹp của một người mẹ. Thật vậy, không có người mẹ nào mà lại không yêu thương và làm tất cả những gì có thể để mang lại hạnh phúc cho con cháu cả, thậm chí có những người mẹ đã dám hy sinh chính mạng sống của mình để cứu con...
Bên cạnh những người mẹ cao cả là những người cha vĩ đại, tuy người cha có vẻ thầm lặng hơn nhưng các ngài cũng luôn hết lòng yêu thương ta. Các ngài như những cây cao bóng cả che chắn giông bão, nắng mưa của cuộc đời, các ngài là điểm tựa vững chắc cho cuộc đời chúng ta khi gian lao khốn khó. Trên đây là một vài những suy nghĩ và trải nghiệm đời thường của con người về tình cha nghĩa mẹ.
Trở về với Tin Mừng nơi Thánh Kinh, sách Huấn ca đã nhắn nhủ chúng ta bổn phận hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ như sau: “Hãy hết lòng tôn kính cha con, và đừng quên ơn mẹ mang nặng đẻ đau. Hãy luôn luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy lấy chi đáp đền cho cân xứng”.
Bổn phận của con cái là phải biết đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Chữ hiếu đó không phải là lời nói suông mà cần được cụ thể hoá bằng hành động. Chúng ta có thể bày tỏ tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ bằng cách; quan tâm, giúp đỡ, phụng dưỡng cha mẹ cả khi các ngài còn trẻ cũng như lúc đã về già…
“Cây khô chưa dễ mọc chồi
Mẹ cha chưa dễ ở đời với ta”.
Trong thực tế, không có cha mẹ nào sống mãi, rồi một ngày nào đó các ngài cũng sẽ giã từ chúng ta để về với Thiên Chúa Yêu Thương. Vì vậy, cuộc sống hiện tại là cơ hội để cho ta có thể phụng dưỡng cha mẹ. Đây không chỉ là truyền thống hiếu nghĩa tốt đẹp của người Việt Nam, mà đó còn là đạo lý của người công giáo trong điều răn thứ 4: “hãy thảo kính cha mẹ”. Ngoài ra, “thụ ơn ắt phải báo đền”, mẹ cha là hình ảnh của Thiên Chúa: ngoài việc sinh thành, dưỡng dục, các ngài còn là người đại diện Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa tình thương hằng bao bọc, che chở và nuôi dưỡng chúng ta nên người. Chính trong bậc sống gia đình, cha mẹ được Thiên Chúa mời gọi để cộng tác vào chương trình tạo dựng của Ngài, để cống hiến cho đời những người con tài đức mang hình ảnh Chúa. Vì thế, trong bổn phận thảo hiếu, ngoài việc con cái phải phụng dưỡng, giúp đỡ cha mẹ khi già yếu, còn phải hằng ngày cầu nguyện cho cha mẹ: luôn sống xứng đáng với bậc mình, sẵn sàng hy sinh để nuôi dưỡng và giáo dục con cái cho tròn bổn phận của người làm mẹ làm cha.
Xin mượn bài thơ Công Cha Nghĩa Mẹ thay cho lời kết.
CÔNG CHA NGHĨA MẸ
Dẫu một đời con gom mưa nhặt nắng
Cũng không thể đáp đền hết công Cha
Cha mãi là vầng Thái Dương ngời sáng
Soi dẫn con trong đêm tối mờ xa
Đôi vai gầy Cha gánh gồng gian khổ
Mong mai sau con khôn lớn nên người
Xây cuộc đời bằng con tim khối óc
Sống tin yêu đời tươi sáng đẹp ngời
Dẫu một đời con gom gió nhặt sương
Cũng không thể đáp đền xong nghĩa mẹ
Mẹ mãi là vầng nguyệt sáng yêu thương
Chở che con… nâng cung đời trôi nhẹ
Đôi tay không mẹ vun trồng hạnh phúc
Bao vui buồn lẫn cay đắng truân chuyên
Giữa canh khuya con nghẹn ngào thổn thức
Sống thành nhân cũng mong để đáp đền?
Bụi Đá