Đời sống thánh hiến, tấm bánh bẻ ra
Chủ nhật - 07/05/2017 22:13
3167
Tĩnh tâm không chỉ là việc đi tìm sự hiểu biết, cảm xúc hay cảm giác nhất thời mà là đi sâu vào nội tâm để ở cùng Thiên Chúa là nguồn tình yêu. Vì thế, mỗi lần Tĩnh tâm là một lần hâm nóng lại đời sống thiêng liêng. Nhớ lại những hồng ân Chúa đã trao ban, xét mình qua những hoa trái đã trổ sinh, rồi đưa ra quyết tâm nào đó cho tương lai. Người viết xin chia sẻ chút suy tư được gợi hứng trong tuần tĩnh tâm, đó là: “Đời sống thánh hiến - Tấm bánh bẻ ra cho cuộc đời”.
Lối sống ích kỷ dường như là điều bình thường, sự thờ ơ, vô cảm đang trở thành bệnh của thời đại. Thái độ ấy bóp nghẹt lòng người, đẩy con người vào đau khổ bất hạnh, làm phân hóa xã hội. Trước hiện tình này, những ai bước theo Đức Kitô trong đời dâng hiến được mời gọi hãy là “tấm bánh bẻ ra” cho muôn người. Ơn gọi và sứ mạng phục vụ đó phải trở nên chỉ nam cho mọi công việc, mọi hành vi và suy nghĩ của người môn đệ Chúa Kitô.
Như Đức Giêsu đã“bẻ bánh đời mình” để trao cho nhân loại không phải chỉ trên thập giá nhưng là trong suốt cuộc đời trần thế. Là Kitô hữu mỗi người cũng được mời gọi trở nên tấm bánh được chính tay Giêsu bẻ ra. Do đó, hành trình dâng hiến đích thực là một hành trình bẻ ra. Từ lúc cất bước theo tiếng Chúa gọi là bắt đầu của hành trình bẻ ra; bẻ ra khỏi tấm bánh của gia đình; bẻ ra khỏi mẹ cha; bẻ ra khỏi quê hương xứ sở; bẻ ra khỏi bạn bè lối xóm; bẻ ra khỏi những gì thân quen một thuở.
Được Chúa bẻ ra khỏi cuộc sống để:“Đem vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2, 16).Chính vì tình yêu, người tu sĩ đã tuyên khấn Ba Lời khuyên phúc âm. Với lời khấn Vâng phục, chúng ta dâng hiến ý trí, từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa qua ý của Bề trên. Chúng ta dâng hiến quyền yêu và được yêu khi tuyên khấn Khiết tịnh. Và ngay cả quyền sở hữu tài sản chúng ta cũng không còn khi khấn đức Thanh bần. Đời thánh hiến trao dâng tất cả và Chúa đã bẻ chúng ta ra khỏi những gì là phải có của một con người. Có như thế, chúng ta mới thành một tấm bánh thơm ngon. Bẻ vụn tấm bánh tặng cho đời, mỗi mảnh vụn làm lương thực nuôi dưỡng sự sống yêu thương giữa thế giới đang đói khát tình thương. Đời tu phải là tấm bánh bẻ ra để chia sẻ sự sống, nuôi dưỡng niềm hy vọng giữa xã hội đang tuyệt vọng. Bẻ ra bằng cách nào?
Đó là lúc chúng ta bỏ nơi an toàn của mình để chấp nhận một cuộc sống bấp bênh khó nghèo; Là khi chúng ta biết chấp nhận xóa đi những thói quen, phong tục, tập quán riêng mình để hoà nhập với cuộc sống chung; Lúc chúng ta biết chia sẻ cho anh chị em, không chỉ những thứ dư thừa mà cả những nhu cầu cần thiết khả năng, sức lực, trí tuệ… Vì sự chia sẻ chính là dấu chỉ của tình yêu thương, cảm thông, lòng bác ái. Với cách sống đó, tôi mới trở nên một ‘tấm bánh được bẻ ra’ cho mọi người. Quả vậy, tấm bánh chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được bẻ ra để phân chia, bị tan biến, bị tiêu hao. Người tu sĩ trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, huỷ hoại, tiêu hao vì hạnh phúc người khác.
Tuy nhiên, nhiều khi tôi bị cản trở rằng ‘chiếc bánh cuộc đời’ tôi quá nhỏ và đầy giới hạn. Trong khi đó, nhu cầu của người khác lúc nào cũng đầy dẫy, cho bao nhiêu cũng chẳng đủ! Với Thiên Chúa vấn đề không phải là ‘lượng’, nhưng là ‘phẩm’, là trái tim dám cho đi. Chúa muốn tôi cộng tác với Ngài bằng thiện chí, cố gắng, kiên nhẫn, hy sinh thời gian, sức khoẻ. Ngài mời gọi tôi bẻ bánh cuộc đời bằng tình thương và lòng mến. Vượt ra khỏi chính mình.
Ngài không đòi tôi phải đem đến thật nhiều. Chỉ cần những gì tôi đang có: đôi tay vạm vỡ hay gầy guộc, đôi chân dẻo dai hay đã chùn bước, môi miệng biết nói những lời ngọt ngào hay cứng cỏi…Như em bé có năm chiếc bánh và hai con cá (x. Ga 6, 9 -11). Em có thể giữ lại cho riêng mình nhưng làm thế thì chỉ mình em được ăn mà thôi. Nhưng em đã trao tất cả cho Chúa. Và Ngài đã dùng quyền năng làm cho bánh và cá hóa ra nhiều cho hàng ngàn người cùng được ăn.
Con người hôm nay không chỉ đói khát lương thực nhưng còn đói khát sự thật, tình thương, hy vọng và sự sống. Cái đói đã làm cho bao người đánh mất chính mình, sẵn sàng bán rẻ lương tâm để có của ăn, áo mặc. Trước hiện thực đó, người tu sĩ phải có nhiệm vụ‘cho họ ăn’, để trở thành tấm bánh thơm lành trong tay Chúa. Tu sĩ phải chịu nghiền nát bằng sự khiêm tốn phục vụ, để cho dòng nước từ cạnh sườn Chúa hòa trộn vào nắm bột đời ta. Nướng tấm bánh ấy trên ngọn lửa Thánh Thần và hiến dâng cho đời tấm bánh mang tên Giêsu.
Tác giả: Nt. Cecilia Hương Xinh, Đaminh Bùi Chu