Thánh giá, nguồn tình yêu hồng ân
Thứ hai - 13/09/2021 23:21
957
Yêu thương là dâng hiến, nhưng trước hết là tự hiến dâng. Chúa Giêsu Kitô đã nhập thể bằng tình yêu, đây là hồng ân của Thiên Chúa đối với con người. Tất cả đời sống của Ngài, mọi sự đều biểu lộ một tình trạng ân ban tiếp diễn chính mình. Sự biểu lộ như thế được thể hiện trên đồi Calvario, là dấu chỉ tối cao của một tình yêu toàn hảo. Trong cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu đã yêu thương môn đệ, đã hoàn tất một dấu chỉ vĩ đại là chịu thử thách trăm bề: hy sinh vì họ. Sống tình yêu trong ý nghĩa từ bỏ tất cả để trao ban cho mọi người, chính Chúa Giêsu trước đó đã chứng tỏ bằng việc thực hành và gợi cho các môn đệ: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Thập giá muốn nói với chúng ta rằng, những ý nghĩa yêu thương đã hé mở cho chúng ta một tia hy vọng về đời sống thâm sâu của Thiên Chúa, là từ bỏ chính mình, trong mối tương quan tồn tại, sự trao tặng hoàn toàn. Ngài xác định việc hoán đổi thực tế của nhân loại trong chân lý căn bản: “Thiên Chúa là tình yêu”. Khi tình yêu nhập thể trở thành Thánh giá: miêu tả sự xác thực của Thiên Chúa[1]. Nhưng cũng có thể biểu lộ sự hùng biện hơn về một tình yêu không giới hạn mà chúng ta được chiêm ngưỡng đó là Bí tích Thánh Thể. Một sự trao tặng hoàn toàn chính mình và một sự trao tặng hoàn toàn không thể tưởng được đối với chúng ta.
Thập giá là biểu tượng tình yêu lớn nhất mà Chúa Kitô dành cho Chúa Cha và nhân loại[2]:
“Thập giá Đức Kitô, nói được là tiếng nói cuối cùng của sứ điệp và sứ mệnh cứu thế của Người, Thập giá ấy nói gì với chúng ta? Đã đành,Thập giá chưa phải là lời cuối cùng của Thiên Chúa của Giao ước vì lời này sẽ chỉ được nói ra vào sáng sớm tinh sương, trước tiên là những phụ nữ, rồi các Tông đồ, đến mồ Đức Kitô đã bị đóng đinh vào thập giá, thì thấy mồ trống và nghe lời loan báo này: “Người đã sống lại”. Đến lượt họ, họ sẽ nói lại điều ấy và họ sẽ là những chứng tá của Đức Kitô sống lại. Tuy nhiên, ngay cả trong vinh quang của Con Thiên Chúa, Thập giá vẫn không thôi hiện diện, Thập giá này vẫn - thông qua chứng cứ cứu thế của Người - Chúa Con đã chịu chết trên đó - nói và không bao giờ thôi nói về Thiên Chúa - Cha là Đấng luôn luôn trung thành với tình thương đời đời của Ngài đối với con người, vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Tin vào Chúa Con đã bị đóng đinh vào Thập giá có nghĩa là “thấy Cha”, có nghĩa là tin rằng tình thương có mặt trong thế gian và tình thương này mạnh hơn những sự dữ đủ mọi hình thức mà con người, loài người và thế gian đã chìm vào. Tin vào một tình thương như thế có nghĩa là tin vào lòng thương xót. Lòng thương xót này, thật vậy, là chiều kích cần thiết của tình thương; lòng thương xót là như tên gọi thứ hai của tình thương và đồng thời là cách độc đáo mà tình thương được mạc khải và thực hiện để chống lại sự dữ ở trong thế gian, chống lại cám dỗ vây hãm con người, luồn lách vào tận trong lòng dạ con người và có thể “tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”[3].
Với những ai chưa tin vào Tình Yêu của Thiên Chúa, xin hãy bước vào con đường thập giá của Đức Giêsu để nhận ra mức độ yêu thương của trái tim Thiên Chúa đã chảy đến giọt máu cuối cùng vì tình yêu nhân loại như thế nào! Yêu những kẻ bất xứng và chà đạp tình yêu của mình, yêu những kẻ kết án và hủy diệt mình, yêu cho đến hy sinh mạng sống vì những kẻ ghét mình. Quả thật đó là chóp đỉnh của tình yêu và là bài thơ tình hay nhất của nhân loại.
Đức Kitô, Đấng bị đóng đinh vào Thập giá, là Lời sẽ không qua đi. Lời Tình Yêu đem lại một sự sống mới cho toàn thể loài người khi tất cả được nâng lên và được kéo về bình diện siêu nhiên qua cây thập giá, trong tình yêu viên mãn của Đấng Cứu độ. Tất cả chúng ta được thấy và chạm vào Đấng Thần – Nhân qua những dấu đinh tha thứ nơi bàn tay Ngài, qua vết thương nơi trái tim đã mở rộng đến từng giọt máu cuối cùng vì yêu. Cuộc sống chúng ta giờ đây luôn mang dấu ấn tình yêu thập giá bởi Ngài đã hiến mạng vì chúng ta và Ngài đã chiến thắng tử thần cũng vì chúng ta.
Gioan PhaoLô II, Thông điệp: Thiên Chúa giàu lòng xót thương, ban hành ngày 30-11-1980, số 7.