Bùi Chu, 13/09/2016 (gpbuichu.org) – Trong Tháng Chín, Tháng Giáo hội kính Thánh Giá Chúa Giêsu, Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, Giám mục Vĩnh Long đã viết thư mục vụ đề ngày 25 tháng Tám 2016 gửi hết mọi thành phần Dân Chúa trong toàn Giáo phận để tiếp tục cổ võ mọi người « sống Năm Thánh Lòng Thương Xót » với chủ đề của tháng Chín này: « Lòng thương xót trong đối thoại liên tôn »[1] vốn đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập tại số 23 trong Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót.
Phần trọng tâm của thư mục vụ, đấng bản quyền Vĩnh Long đã lặp lại luận điểm chính trình bày trong số 23 của Tông sắc về lòng thương xót, vốn là « một trong những thuộc tính quan trọng của Thiên Chúa » cũng được Do thái giáo và Hồi giáo tin nhận và đề cao như là nguyên lý cho công cuộc đối thoại liên tôn.
Đặc biệt, dựa vào Kinh Thánh Cựu Ước, Đức Cha Phêrô liệt kê những sắc thái khác nhau của lòng thương xót được Do thái giáo trân trọng như kho tàng châu báu : «Dân tộc Israel đã tiếp nhận mặc khải về Lòng thương xót. Những trang sách Cựu ước minh chứng điều đó (x. Tv 103; 146; 147): Thiên Chúa nhẫn nại và hay thương xót, Ngài không thích trừng phạt hay hủy diệt, Ngài thứ tha mọi lỗi lầm. Ngài giải thoát người bị áp bức. Ngài chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền. Và lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời (x. Tv 136). Ngài đã thực hiện rất nhiều việc lạ lùng để cứu vớt dân tộc Israel, đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và đưa về Đất Hứa ».
Trong khi đề cập đến lòng thương xót đối với tín hữu Hồi giáo, Đức Giám mục Vĩnh Long vừa trích dẫn nhận định của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng trong số 23 : “Không ai có thể đặt giới hạn cho lòng thương xót của Thiên Chúa, vì những cánh cửa của lòng thương xót ấy luôn được rộng mở”, vừa đưa ra kết luận của mình : « Cho nên, đối với họ, lòng thương xót của Thiên Chúa cũng vô bờ bến, không có điểm dừng trong không gian và thời gian ».
Sở dĩ Tông sắc nhắc đến điểm tương đồng này giữa Do thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo trong Năm Thánh là nhằm mục đích « thúc đẩy chúng ta gặp gỡ hai tôn giáo nêu trên, cũng như các truyền thống tôn giáo cao quý khác, giúp chúng ta cởi mở hơn trong việc đối thoại, để có thể biết nhau và hiểu nhau nhiều hơn. Mong sao Năm Thánh sẽ giải tỏa thái độ khép kín và thiếu trân trọng, cũng như loại bỏ mọi hình thức bạo lực và kỳ thị ».
Tưởng cũng nhắc lại việc đối thoại đại kết cũng như liên tôn được Giáo hội coi trọng. Cách đặc biệt, các Giáo hoàng gần đây như Gioan-Phaolô II, Bênêđictô XVI luôn theo đuổi đối thoại, một di sản quý của Công đồng Vaticanô II. Riêng Đức Phanxicô, một năm sau khi kế vị thánh Phêrô Tông Đồ, ngài đã có chuyến tông du Đất thánh vào dịp cuối tháng Năm 2014. Trong thời gian ấy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ và mời hai vị nguyên thủ quốc gia của Israel và Palestine là ngài Shimon Peres, và ngài Mahmoud Abbas đến cầu nguyện chung tại Vatican vào Chúa Nhật 08/06/2014. Đây là cuộc gặp lịch sử có một không hai mà công lớn thuộc về Đức Thánh Cha Phanxicô, người giữ vai trò trung gian.
Hơn nữa, những diễn biến mới nhất trên thế giới trước phong trào Hồi giáo cực đoan mà các nước Kitô giáo Tây Phương là đích nhắm trong các vụ khủng bố kinh hoàng xảy ra gần đây, trong đó một linh mục cao niên người Pháp, cha Jacques Hamel là nạn nhân bị cắt cổ đang khi cử hành thánh lễ, thì việc đối thoại liên tôn sẽ giúp các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau hiểu nhau hơn, và nhất là góp sức để xây dựng nền hòa bình, bác ái và yêu thương.
Tăng Kỳ Mục